Nguyễn Đình Toán: Người kể chuyện bằng ảnh

Ngọc An
Ngọc An
28/04/2019 06:24 GMT+7

Chỉ bắt đầu cầm máy “một cách có ý thức” khi đã về hưu, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán khiến nhiều tay máy chuyên nghiệp phải “nể” bởi kho ảnh đồ sộ, quý giá, đặc biệt phần lớn trong đó là những bức ảnh chân dung.

Năm 1965, Nguyễn Đình Toán nhập ngũ, trở thành lính cao xạ. Năm 1987, ông chuyển sang công tác tại văn phòng của một công ty vận tải biển thuộc Bộ Giao thông vận tải. Ông làm quen với chiếc máy ảnh khi được giao công việc làm truyền thông, chụp ảnh tư liệu ở đó. Năm 1992, sau khi nghỉ hưu, ông đầu quân cho Tạp chí Xưa và nay, công tác cho đến tận bây giờ. Nguyễn Đình Toán bảo, cho đến lúc ấy, ông mới bắt đầu có ý thức hẳn hoi về việc cầm máy. Không thích chụp phong cảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chỉ thích chụp chân dung. Bạn bè trong nghề gọi ông là “vua chân dung”.

Ảnh chụp đại tướng và nhạc sĩ Văn Cao

Nhiều năm trước, ông thực hiện triển lãm ảnh về nhạc sĩ Văn Cao, trong đó có những bức ảnh chụp đời sống thường ngày của nhạc sĩ và gia đình. Ông có dễ dàng thuyết phục nhạc sĩ để cho mình chụp ảnh?
Năm 1987, tôi đi làm ở đường Phùng Hưng. Hằng ngày đi lấy tin ở TTXVN, buổi trưa nghỉ rỗi tôi lại qua nhà ông Văn Cao, ông Hoàng Cầm ở gần đấy. Tôi chơi với con trai ông Văn Cao nên thường qua lại, thành quen thân với gia đình và ông Văn Cao. Nên sau này mỗi khi tôi đến, ông chỉ gật đầu chào, không nói câu gì, mà cứ làm mọi việc, ngồi viết, hút thuốc, uống rượu, ngẫm nghĩ một mình, mặc tôi chụp ảnh. Tôi chụp ông từ năm 1987 và liên tục những năm sau đó, nhưng nhiều nhất là trong khoảng 3 năm 1991 - 1993. Đến năm 1995 thì nhạc sĩ mất.
Trong những bức ảnh đã chụp nhạc sĩ Văn Cao, bức ảnh nào mang ý nghĩa đặc biệt với ông?
Mỗi bức có ý nghĩa riêng với tôi, nhưng tôi thường chụp nhạc sĩ ngồi lặng lẽ với chén rượu. Những năm cuối đời, ông có rượu tây nhưng không uống, ông thích uống rượu trắng. Ông uống rượu trắng bằng chén nước trà, không cầu kỳ gì cả. Khi đông vui nhiều người, cũng có lúc nhạc sĩ cười, nhưng phần nhiều là lặng lẽ.
Bức ảnh ông chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao được thực hiện trong hoàn cảnh như thế nào?
Nguyễn Đình Toán: Người kể chuyện bằng ảnh1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà con ở Mường Thanh (Điện Biên Phủ) năm 2004 ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Ngày mùng 5 Tết Nhâm Thân (1992), tôi đến nhà ông Văn Cao chơi, được đưa cho tấm card có ghi: mời anh Toán mai đến chụp tôi với đại tướng. Ngày hôm sau, giờ hẹn là 3 giờ chiều nhưng từ 2 giờ tôi đã đến. Lúc đó, ông Văn Cao đã mặc sẵn quần áo nghiêm chỉnh và đang uống rượu. Ông rất hay uống rượu, thường từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến, ông gật đầu chào rồi vào ngồi. Sau đó, đại tướng và nhạc sĩ cùng nói chuyện, vợ của hai ông cũng nói chuyện với nhau. Nhìn bức ảnh chụp đại tướng và nhạc sĩ Văn Cao ngồi trầm tư, không nói gì, chai rượu cũng chưa mở, có người trách tôi: “Sao chụp các ông buồn thế?”. Tôi mới bảo: Phải hỏi các ông ấy sao lại hỏi tôi. Tôi không nghe được rõ hai ông nói chuyện với nhau nhưng không khí lúc đó trầm buồn. Tôi nghĩ cả hai người đều cùng đang tâm trạng.
Một lần khác, tôi được mời đến chụp nhạc sĩ Văn Cao vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà của đại tướng. Tôi chuẩn bị cả máy quay để ghi hình lại. Tiếc là đến giờ, tôi vẫn chưa tìm được ra cuộn phim chụp ảnh và ghi hình buổi hôm đó.
Nguyễn Đình Toán: Người kể chuyện bằng ảnh2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân (1992) ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Khoảnh khắc đại tướng lần cuối cùng về thăm Điện Biên Phủ

Nhìn bức ảnh chụp đại tướng và nhạc sĩ Văn Cao ngồi trầm tư, không nói gì, chai rượu cũng chưa mở, có người trách tôi: “Sao chụp các ông buồn thế?”. Tôi mới bảo: Phải hỏi các ông ấy sao lại hỏi tôi. Tôi không nghe được rõ hai ông nói chuyện với nhau nhưng không khí lúc đó trầm buồn. Tôi nghĩ cả hai người đều cùng đang tâm trạng

Buổi hôm đó có phải đã bắt đầu mối duyên để ông chụp ảnh đại tướng?
Tôi công tác tại Tạp chí Xưa và nay của Hội Khoa học lịch sử VN mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chủ tịch danh dự, nên đó là cơ hội để tôi chụp đại tướng trong những cuộc làm việc với lãnh đạo hội. Đại tướng cũng là người rất cởi mở với mọi người nên việc chụp ảnh không khó khăn gì.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, đại tướng có lên thăm chiến trường xưa. Tôi linh cảm rất có thể đây là lần trở lại cuối cùng của đại tướng, và đúng là như thế thật. Tôi quyết định bỏ tiền túi mua vé máy bay để lên đó. Tôi hiểu đó là cơ hội cho mình.
Hình ảnh một vị tướng trở lại chiến trường xưa gợi lên trong ông những cảm xúc thế nào?
Chuyến đi đó có rất đông người, nên tôi không thể xích thật gần để nghe đại tướng nói gì, nhưng tôi cảm nhận được những xúc động qua ánh mắt của ông. Tôi thích nhất là những bức ảnh đại tướng khi ông thăm nghĩa trang đồi A1, nghĩa trang đồi Độc Lập. Đại tướng đã rất cảm động. Tôi phải di chuyển rất nhanh để ghi lại những khoảnh khắc đó vì chỉ chậm một chút là không chụp được gì cả. Đại tướng cũng có buổi nói chuyện với đồng bào ở Mường Thanh. Tôi không nhớ rõ đại tướng nói gì, nhưng ông đã khiến mọi người cười rất thoải mái.
Nguyễn Đình Toán: Người kể chuyện bằng ảnh3
Nhà thơ Hoàng Cầm bên dòng sông Đuống ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ai cũng có cái hay để chụp

Có những nhân vật nào ông tiếc nuối vì chưa chụp được họ?
Năm 1992, tôi về nhà ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập. Ông có nói chuyện với tôi về ông Chu Bình Xương, người cầm ô che cho cụ Hồ trong buổi lễ ngày hôm ấy. Nhưng tiếc là ông Xương không còn sống nữa. Cũng năm đó, tôi vào TP.HCM gặp ông Phạm Xuân Ẩn nhưng khi ấy ông đang đi viện. Thật ra, ngay cả với người đã chụp rồi, tôi vẫn tiếc giá có điều kiện chụp nhiều hơn nữa. Với những người mình yêu quý, chụp không bao giờ chán.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông đã thực hiện các triển lãm: Triển lãm cá nhân Văn Cao 18 năm trước (2013), Triển lãm chung Điện Biên Phủ - Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật (2014), Triển lãm cá nhân Nhạc trưởng trưng bày 51 bức ảnh của 30 nhạc trưởng (2017), Triển lãm chung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2019).
Với những bức chân dung đã chụp, Nguyễn Đình Toán được nhiều bạn bè đùa rằng ông là người có ảnh được dùng làm ảnh thờ nhiều nhất của các văn nghệ sĩ nổi tiếng, như Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phục...
Với ông, điều gì là khó nhất mỗi khi bấm máy?
Tôi không học nhiếp ảnh ở đâu cả, mà tự học. Tôi không chụp theo kiểu sắp đặt, bố trí, có đèn, hắt sáng. Tôi thích chụp hoàn toàn tự nhiên, mà tôi cũng không có điều kiện chụp cầu kỳ. Thấy là chụp, gặp đâu là chụp. Hồi chụp phim cũng khó, nhưng đam mê nên rồi cũng vượt qua.
Ai cũng có cái hay để chụp, nếu không có là lỗi của mình. Tôi sợ nhất một là người cứ gặp đâu lại bảo chụp đi, hay giơ máy lên lại bảo đừng chụp, rồi chỉnh sửa, mất tự nhiên. Tôi thích nhất là những bức ảnh hoàn toàn tự nhiên. Tôi cũng đã vào chụp ảnh trong Quốc hội nhiều năm. Mục đích của tôi không phải là vào chụp ảnh rồi đưa cho báo chí mà là chụp những nhân vật mình thích.
Còn với chụp sự kiện, mình phải đón trước diễn biến để chọn góc, chọn thời cơ, chứ không chụp lại. Sự kiện chỉ diễn ra một lần, bởi vậy mình cần chọn mọi thứ cho chính xác. Tôi không được học nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà tự rèn luyện qua mỗi lần mình đi chụp. Tôi không theo người khác, chẳng hạn như việc yêu cầu nhân vật hành động lại để chụp là không bao giờ.
Ông có “bán” ảnh nhiều không?
Tôi không quan trọng việc đó lắm, ngay cả chuyện bản quyền, dù nhiều người cãi nhau gay gắt chuyện ăn cắp, đạo ảnh. Tôi cũng cần tiền chứ, nhưng với tôi ảnh được thích và đưa đến với nhiều người là vui rồi. Có những ảnh được dùng in trên báo hay bìa sách nhưng người ta không biết là tôi chụp. Chẳng hạn như nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi in quyển Thời biển đổi gien có in ảnh chân dung ông chính là ảnh tôi chụp, nhưng chính ông Tấn cũng không biết. Còn có cuốn sách của đạo diễn Trần Văn Thủy in ảnh ngay trên trang nhất đề tên tôi to quá, tôi lại thấy ngại.
Bao nhiêu năm, nếu là để kiếm tiền thì tôi đã không có những mối quan hệ để có kho ảnh như bây giờ. Với những người chụp ảnh như tôi có nhiều cách kiếm tiền. Ví dụ, trong những giờ giải lao ở Quốc hội, nhiều người muốn chụp ảnh cùng thủ tướng hay chủ tịch nước... Mình chụp ảnh cho họ xong là được cảm ơn. Nhưng tôi không làm như vậy.
Nhiều người có thể thấy ông… rất lạ!
Ảnh thì là đam mê rồi, nhưng tôi mê ảnh hơi khác người khác. Như đến mùa sen, mùa cúc họa mi, mọi người đổ xô đi chụp. Tôi thích nhưng không theo. Tôi ít khi chụp cùng một sự kiện mà đổ xô vào. Tôi thích chọn góc khác, không chen lấn làm ảnh. Như 18 năm chụp ảnh trong Quốc hội, cứ ai lên diễn đàn mọi người lại đổ xô lên, còn tôi lại tránh, nhường cho những người cần phải làm công việc đó hơn. Tôi cứ để cho họ ra hết mới vào chụp và chụp rất nhiều lần.
Ảnh chụp nhạc trưởng cũng thế, cũng có người chụp nhưng không nhiều. Còn tôi lại thấy hình tượng nhạc trưởng rất hay, chính vì thế tôi có ý thức chụp để thành bộ sưu tập. Tôi chụp từ năm 1992 đến giờ, nhiều nhạc trưởng đến giờ không còn nữa như Đàm Linh, ông Cao Việt Bách hay Trọng Bằng thì không thể đứng trên sân khấu nữa…
Suốt bao năm ông vẫn chụp ảnh với chiếc máy cũ?
Khả năng chỉ có thế thôi, nên tôi không có thói quen thay đổi, nâng cao đời máy như nhiều người. Mà càng ngày tôi lại càng thấy quan trọng là mình chụp thế nào. Có máy tốt thì càng tốt, nhưng với máy như bây giờ là tôi thấy ổn với mình.
Còn kho ảnh của mình, ông vẫn còn nhiều đau đáu?
Tôi mới số hóa được một số ảnh của một số nhân vật, nhưng vẫn chưa có điều kiện để làm nhiều. Có người ngỏ ý giúp nhưng tôi chưa nhận lời ai. Thậm chí, có người còn muốn mua hẳn hoi, nhưng tôi không bán, vì tôi biết là họ chỉ muốn mua cái tên tôi. Mua xong rồi vứt xó, mà không đưa đến với công chúng thì tôi chẳng vui vẻ gì.
Xin cảm ơn ông!
Những tấm ảnh rất thật
Nhiếp ảnh gia Na Sơn
ẢNH: NVCC
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán có lẽ là một trong những người tận tụy nhất với nghề ảnh mà tôi từng gặp. Bất cứ sự kiện gì, nhất là văn hóa văn nghệ, dù to dù nhỏ cũng thấy ông với bộ máy ảnh cũ kỹ của mình chụp rất cẩn thận, tỉ mỉ, chụp nhiều chả bỏ sót khoảnh khắc nào. Có ở trong nghề này đủ lâu mới thấy, giữ được lòng yêu nghề, tác phong làm việc chăm chỉ như thế trong suốt hàng chục năm là hiếm như thế nào. Nhất là nhiều khi ông chụp không để đăng báo kiếm tiền, chỉ giống như một người làm lưu trữ, thống kê bằng hình ảnh vậy. Chắc ở VN, không ai có một kho ảnh văn nghệ sĩ các thời kỳ đồ sộ như của Nguyễn Đình Toán.
Ảnh Nguyễn Đình Toán chụp hiền lành, như chính con người ông vậy. Nhưng tôi thích cách ông tiếp xúc, đánh bạn với văn nghệ sĩ để hiểu họ và chụp họ bằng cả tấm lòng. Đó cũng là cách ông vượt qua được hạn chế về máy móc, thiết bị của mình để có những tấm ảnh rất thật. Đó là điều mà cá nhân tôi cũng như nhiều người khác, kể cả những người được coi là chuyên nghiệp, có tài năng cũng cần phải học. Tất nhiên là tính cẩn thận của ông nữa, bao giờ ông cũng đến sớm, chọn vị trí trước, không vội, không phải chen lấn bao giờ.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn
Không những là tư liệu quý của VN mà của cả quốc tế
Nhiếp ảnh gia Trần Định
ẢNH: NVCC
Nguyễn Đình Toán đến với nhiếp ảnh muộn hơn những người cùng lứa tuổi rất nhiều trong giới nhiếp ảnh VN. Toán không cần danh hiệu nghệ sĩ nhưng thực ra là nhiếp ảnh gia rất nghệ sĩ. Mỗi chân dung của một nhân vật qua ống kính của Nguyễn Đình Toán như một lát cắt, để người xem ảnh thấy được tâm hồn, ruột gan của nhân vật mà anh tiếp cận và chụp. Toán nghiện chụp ảnh đến mức, một ngày không bấm máy là không chịu được.
Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhạc sĩ Văn Cao ở nhà riêng (năm 1992), tôi và chú Trần Hồng vốn thường xuyên đi với đại tướng mà còn không được biết. Gia đình nhạc sĩ chỉ tin tưởng Nguyễn Đình Toán. Tôi nghĩ, anh đã có bức ảnh không những là tư liệu quý của VN mà của cả quốc tế. Đó là hình ảnh một vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20 và một người lập nên hồn nước qua ca khúc Tiến quân ca trở thành Quốc ca. Bức ảnh không những là chân dung đẹp, mà ngôn ngữ nhiếp ảnh đẹp, một khoảnh khắc quý mà không ai có được. Không chỉ có Toán mà vợ Toán đã hy sinh vì chồng rất nhiều khi Toán đam mê nhiếp ảnh. Còn Toán lúc nào cũng áy náy vì chụp ảnh không đem tiền về được cho vợ, cho con.
Nhiếp ảnh gia Trần Định
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.