Nhà thơ Thanh Tùng đã 'vội vã ra đi'

13/09/2017 10:01 GMT+7

Thông tin nhà thơ Thanh Tùng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM, đột ngột ra đi ở tuổi 82 làm bàng hoàng giới văn nghệ. Ông mất lúc 21 giờ 30 ngày 12.9 tại nhà riêng ở TP.HCM do bị bệnh ung thư dạ dày.

Cuộc đời nhà thơ Thanh Tùng trải qua rất nhiều thăng trầm, như trong thơ ông thú nhận “tôi làm thơ từ sau xe bò chở gạch, đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm” hay “Cái nghề khuân vác của tôi. Trong mơ còn thấy giọt mồ hôi cười. Tôi sợ nó và tôi yêu nó. Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con”.
Bài hát Thời hoa đỏ phổ từ bài thơ cùng tên của ông đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng chắp cánh với những ca từ nhẹ nhàng: “Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi… Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”. Theo nhà thơ Trần Hoàng Nhân: “Thanh Tùng gắn với hai nơi là Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1995, ông lên tàu vào Sài Gòn cưới vợ lần thứ hai khi tuổi đời tròn 60. Mối duyên này do vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng làm ''ông tơ bà nguyệt''. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tiễn ông ra ga và chỉ vào cái ba lô con cóc chứa vài bộ quần áo Thanh Tùng đeo bên hông: Đấy, 60 năm cuộc đời của Thanh Tùng chỉ có vậy”.
Nhà văn Bùi Đức Ánh, bạn thân thiết gắn bó lâu năm với nhà thơ Thanh Tùng kể: “Ông là người sống quá tình cảm và vẹn nghĩa với bạn bè. Tôi đã có 200 bài thơ vinh dự được Thanh Tùng bình đăng trên các báo nhưng anh bình luôn công tâm và chẳng đòi hỏi gì cả. Lần nào đi giao lưu văn học, dù xa xôi ở đâu tôi rủ ông đều không nề hà và ở đâu ông cũng được bạn đọc yêu quý”.
Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì luôn xem ông như người thân của mình. Có giai đoạn mới vào TP.HCM, khi ông khó khăn Lê Thiếu Nhơn đã san sẻ từng đồng lương gửi ông. “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Để lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố Khâm Thiên. Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi. Vội vã trở về vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết từng con phố”, ca khúc Hà nội ngày trở về do nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Thanh Tùng tiếp tục đưa tên tuổi ông đến với khán giả và độc giả yêu mến tài năng của nhà thơ.
Gia đình Nhà thơ Thanh Tùng Ảnh: Hội Nhà văn TP.HCM cung cấp
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7.11.1935 tại làng Cầu Gia, xã Gia Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, lớn lên làm công nhân ở Hải Phòng và có thời gian gắn bó với Hà Nội. Cuối đời ông hành phương Nam, sống và sáng tác tại TP.HCM.
Thanh Tùng là nhà thơ tiêu biểu xuất thân từ công nhân, tác giả những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, đặc biệt là Thời hoa đỏ. Năm 1997, ông được Hội nhà văn Việt Nam cử sang Hi Lạp giao lưu, đọc thơ với đại biểu các nước khác. Ông có nhiều tác phẩm được yêu thích: Gió và chân trời (thơ, in chung), NXB Hải Phòng, 1985; Khúc hát quê xa (thơ, in chung), NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2004; Cái ngày xưa ấy (thơ, in chung), NXB Đà Nẵng, 2004; Thuyền đời (thơ, in chung), NXB Đà Nẵng, 2006; Thời hoa đỏ (thơ), NXB Văn học, 2001, tái bản 2016 và Trường ca Phương Nam (NXB Hội Nhà văn).
Nhà thơ Thanh Tùng từng nhận được nhiều giải thưởng văn học: Hai lần nhận giải thưởng thơ công nhân do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng; Giải thưởng Hoa Phượng và Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm của TP.Hải Phòng. Giải nhất cuộc thi thơ viết về Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 cho tập Thời hoa đỏ.
Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 14.9 tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3), lễ động quan lúc 12 giờ ngày 16.9, sau đó linh cữu nhà thơ Thanh Tùng được đưa đi an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương (tỉnh Bình Dương) như ước nguyện của nhà thơ lúc còn sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.