'Nhà văn triệu bản' và chuyện học làm người

Nguyên Vân
Nguyên Vân
06/05/2018 06:42 GMT+7

"Ra mắt" thế giới sách bằng tản văn Ngày trôi về phía cũ (2012) và tạo cơn sốt ngay ở tác phẩm đầu tiên, Anh Khang đến nay đã trở thành “hiện tượng xuất bản” trong làng sách trẻ và đang hướng đến tác giả triệu bản.

Từ 2012 đến nay, Anh Khang đều đặn mỗi năm giới thiệu một tác phẩm: Ngày trôi về phía cũ (tản văn, 2012), Đường hai ngả, người thương thành lạ (tập truyện ngắn, 2013), Buồn làm sao buông (tản văn, 2014), Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em” (du ký, 2015), Thương mấy cũng là người dưng (tản văn, 2016), Trời vẫn còn xanh, Em vẫn còn Anh (truyện ngắn, 2017) và vừa ra mắt dịp Hội sách TP.HCM lần 10 - 2018 mới đây là Người xưa đã quên ngày xưa. Con số phát hành, theo Phương Nam Book, đến cuốn sách thứ 6 đã hơn 900.000 bản; và thời điểm đó báo chí đã ưu ái lẫn khích lệ cây viết này bằng danh xưng “nhà văn triệu bản”.
Hiện gia đình đã định cư ở Mỹ, nhưng Khang chọn ở lại TP.HCM (với bà nội), vì anh thích nơi mình sinh ra, trưởng thành và cùng anh trải qua những biến thiên của cảm xúc tuổi trẻ.
Đáng sợ nhất là sự cô độc của tuổi trẻ
Học chuyên văn có phải là “nhịp cầu” dẫn Anh Khang đến với con đường sáng tác?
Tôi may mắn khi cả cấp 2 và 3 đều được học, được truyền cảm hứng từ những giáo viên dạy văn rất hay. Từ lúc đó, tôi đã thấy học văn không đơn thuần để làm bài kiểm tra rồi thôi, mà còn học làm người. Mỗi lần về lại trường cũ, tôi hay nói đùa là nếu những môn khác dạy người ta thành công trong xã hội thì văn học dạy người ta làm người tử tế. Với tôi, người tử tế quan trọng và hạnh phúc hơn người thành công.
Khang có thể nói rõ hơn về ngã rẽ sang văn chương?
Tôi mê học văn và xem văn chương như một phần cuộc đời mình. Vì thế khi được tuyển thẳng vào 2 trường ĐH, tôi chọn ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), dù Trường ĐH Ngoại thương lúc đó đang rất hot. Khi học báo chí - truyền thông, tôi đã cộng tác với báo. Đến năm 3, khi học môn viết tin của thầy Trần Trọng Thức, thầy hỏi tôi (và cô bạn làm lớp phó học tập) có muốn cộng tác với tờ báo thầy đang làm không (khi đó ông là Thư ký tòa soạn Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần), chúng tôi đồng ý ngay vì quá vui khi chưa ra trường đã có việc làm. Tôi học được nhiều trong 5 năm làm việc với thầy (2008 - 2012). Sau 5 năm làm báo, thấy mình đi quãng đường đủ dài cho một công việc. Trong khi cô bạn thân chuyển sang làm giám đốc đối ngoại, thấy tôi hay viết những bài ngắn trên Facebook được mọi người chia sẻ nhiều, cô ấy bảo: “Hay Khang thử tổng hợp lại, để mình tìm các mối quan hệ từ những nhà xuất bản xem sao?”. Một câu đùa vậy thôi mà đùng một cái tập bản thảo sau khi gửi qua Phương Nam Book một tuần đã nhận được trả lời: viết được và có thể in được.
Anh Khang giao lưu ra mắt sách Ảnh: N.V
Khi đó tản văn còn khá mới lạ trên thị trường nên không ai nghĩ là hot hết. Không ai nghĩ sách của tác giả mới toanh mà đông khán giả đến dự như vậy. Giữa buổi họp báo đã hết sách để bán. Một tuần sau thì có quyết định tái bản.
Và những trang sách viết về cuộc đời mình, đã được độc giả “gọi tên”: nhà văn của nỗi buồn tuổi trẻ!
Tôi nhận ra khi viết về cuộc đời mình, không chỉ phục vụ cho những cảm xúc chủ quan của mình mà hơn hết nếu được độc giả đón nhận là mình đang chia sẻ được với những con người ngoài kia. Họ có thể giống như mình nhưng không biết cách để truyền tải sang câu chữ, nên cứ giữ trong lòng… Những trang sách của tôi, rốt cuộc, như là cách chia sẻ và đồng khổ vậy, để mọi người có thể nhận ra mình không đơn độc. Vì điều tôi thấy đáng sợ nhất chính là sự cô độc của tuổi trẻ. Những dòng viết của tôi có thể không mang lại giá trị quá cao siêu, mà trước mắt là để những người trẻ như chúng tôi nhận ra họ không cô đơn trên cuộc đời này.
Tản văn đầu tiên là tập hợp nhiều bài viết từng đăng trên Facebook, xem ra mạng xã hội đã góp phần không nhỏ trong hành trình “được biết đến” của Anh Khang?
Đúng vậy! 7 năm trước, sách chưa được xem như sản phẩm thị trường để cần phải PR hay dẫn dụ bạn đọc mua như bây giờ. Lúc đó mạng xã hội được xem là nơi để chia sẻ một cách trực quan, dễ tương tác. Bây giờ thì khác rồi, khi nó phát triển quá nhanh và không có sự định hướng rõ ràng thì trở nên dễ bị lệch lạc, bát nháo.
Mỗi thời đại có cách tiếp nhận khác nhau
Sự chu đáo trong từng món quà chuẩn bị, từng thư mời gửi đi hay mỗi ly nước cho bạn đọc trong những buổi giao lưu ra mắt sách… có phải là cách “dẫn dụ” độc giả của Anh Khang hiện nay?
Tôi lớn lên trong gia đình lúc nào ba má cũng chu đáo quan tâm đến con cái và những người thân, gần gũi quanh mình nên được thừa hưởng những tính cách ấy. Khi ra đời, đối với bạn bè thế nào thì với độc giả trong những buổi ra mắt sách cũng như vậy. Tôi không nghĩ đó là “dẫn dụ” vì dẫn dụ hay rù quến phải có cả hệ thống với cách làm bài bản. Còn những điều trên chỉ có thể nói vui là “thả thính” thôi (cười).
Với Anh Khang, độc giả có là fan?
Mọi người hay nhìn những người viết 8X như chúng tôi là kiểu nhà văn thần tượng, và những người ở dưới là fan. Nhưng trong 7 năm đi viết, tôi chưa bao giờ gọi độc giả mình là fan. Tôi nghĩ, trong xã hội gấp gáp như vầy, ai chịu bỏ tiền mua một cuốn sách đọc đã là đáng quý rồi; lại còn dành thời gian đến gặp mình, xin chữ ký của mình, thì đó là những điều mình cảm thấy rất trân trọng. Tôi xem những người mua sách là những người bạn, dù có khi chỉ gặp nhau trên trang sách.
Anh Khang nghĩ gì về thế hệ nhà văn trước đây?
Sách của thế hệ chúng tôi có thể không đạt được những giá trị như thế hệ trước, ngay cả Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân VN đã từng viết “đời xưa có thể có những bậc kỳ tài mà đời nay không sánh kịp”. Cho nên đừng lấy một người sánh với một người, mà hãy sánh một thời đại với một thời đại. Và mỗi thời đại có cách tiếp nhận khác nhau.
Đời sống gấp gáp cuốn con người ta vào vòng xoay cơm áo gạo tiền, không còn nhiều thời gian dành sự quan tâm đến những điều quá vĩ mô nên tôi chỉ xin nhận “được” làm một phần nhỏ nhoi trên hành trình tuổi trẻ - hành trình trưởng thành thường vướng những nỗi buồn, những lúc thấy bế tắc hay tuyệt vọng, sẽ có những trang sách của Anh Khang - như bàn tay để có thể kéo họ thoát ra, đi tiếp. Có thể đi tiếp họ không đọc sách mình nữa (cười), nhưng ít ra trong một phần đời của họ, Anh Khang đã “có mặt” lúc cần. Vậy là quá hạnh phúc rồi.
Anh Khang có nghĩ một ngày nào đó sự “được” trở thành “bị” vì chỉ quẩn quanh với nỗi buồn?
Vì sao tôi hay viết về nỗi buồn? Là vì những chuyện lớn lao hay hạnh phúc ngoài kia đã có nhiều người viết rất hay rồi, thì với những người chưa thoát ra những ám ảnh của quá khứ không vui, tôi xin được đồng hành với họ. Tôi hay nói đùa, hơi ngôn tình rằng, nếu mọi người hay bảo: Khang chỉ việc viết sách, mua sách để mọi người lo, thì tôi lại muốn mọi người cứ việc đọc sách, những đau khổ ngoài kia hãy để Khang gánh vác (cười).
Trong cuốn Trời vẫn còn xanh, Em vẫn còn Anh, các câu chuyện diễn ra tại nhiều nơi mà Anh Khang đã đi qua: Hy Lạp, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc…, không chỉ mang đến cái nhìn sống động về các nhân vật, mà còn cho thấy Anh Khang đang “sống khỏe” nhờ viết sách?
Tôi không dám tự nhận mình sống khỏe hay không đánh giá thế nào là sống khỏe với nghề của mình. Tôi đang rất vui với hiện tại: được làm đúng nghề phù hợp sở trường, cũng là sở thích. Nếu bạn chọn đúng công việc mình thích thì không ngày nào là ngày đi làm cả. Mỗi ngày tôi viết sách cũng là đi chơi.
May mắn là tôi không ngồi một chỗ, mỗi lần nhảy sang góc ngồi khác thì nhìn được khoảng trời khác. Có thể tôi không bao giờ nhìn hết cả bầu trời nhưng nhiều đáy giếng gộp lại thì đã nhìn thấy nhiều góc trời khác nhau. Tôi có sở thích hay ngồi mấy quán cà phê đẹp ngắm nắng, nhìn chuyển động cuộc đời xung quanh, rồi viết (không phải đánh máy). Viết chữ, với tôi, cũng là cách để thiền.
*Anh Khang tên đầy đủ là Quách Lê Anh Khang, sinh năm 1987 tại TP.HCM.
*Được tuyển thẳng vào Khoa Báo chí - Truyền thông ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), tốt nghiệp năm 2009.
* Hiện là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
*Đến tác phẩm thứ 3 - Buồn làm sao buông, sách của Anh Khang đã đứng đầu bảng best-seller của Hội sách TP.HCM lần 8 -2014. Tiếp đó, cuốn Thương mấy cũng là người dưng về nhì bảng xếp hạng của Hội sách TP.HCM lần 9 - 2016. Riêng cuốn đầu tiên Ngày trôi về phía cũ đến nay vẫn tái bản đều đặn mỗi năm 3, 4 lần. Mỗi khi ra sách, Anh Khang cũng sáng tác nhạc làm… quà tặng cho độc giả (Đường hai ngả, người thương thành lạ do Phạm Quỳnh Anh hát, Buồn làm sao buông - Quốc Thiên, Thương mấy cũng là người dưng - Noo Phước Thịnh...).
Đại diện cho thế hệ nhà văn trẻ hiện nay
Có thể xem Anh Khang như một đại diện cho thế hệ nhà văn trẻ hiện nay. Như nhiều tác giả trẻ khác, Khang viết những vấn đề đơn giản pha lẫn chút triết lý, câu văn đẹp - yếu tố dễ gần gũi bạn đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm của các bạn trẻ được tiếp thị bằng nhiều kênh: giao lưu, mạng xã hội…, điều mà các nhà văn thế hệ trước không am tường kỹ thuật bằng. Đặc biệt, cũng khác với thế hệ chúng tôi, các bạn chú trọng hình thức bên ngoài, ăn mặc đẹp, tạo cho mình hình ảnh nhà văn xuất hiện trước đám đông, trước độc giả rất chỉn chu, sang trọng. Theo dõi Anh Khang và các tác giả trẻ khác, điều chúng tôi quan tâm, mong muốn hơn còn là tâm thế sống bằng nghề, vì nghề chứ không phải tâm thế xem văn chương như một cuộc dạo chơi tùy hứng.
Nhà thơ Lê Minh Quốc
Mong chờ những tác phẩm mới của Anh Khang
Anh Khang và một số cây bút trẻ có sách bán chạy (best-seller) có lối viết gần như giống nhau. Đó là cách hành văn nhẹ nhàng, chủ đề tác phẩm không quá cao siêu, khó hiểu. Cái tôi của tác giả là có, nhưng không nặng nề, viết cho tác giả, nhưng hầu hết người đọc thấy bóng dáng mình trong đó. Cảm giác là ai cũng có thể viết được, nhưng mà viết không duyên bằng, cho nên thay vì viết thì họ mua sách về đọc. Đó là cảm nhận rất chủ quan của tôi, với tư cách một người đọc, một người quan sát đời sống văn học.
Về cá nhân, tôi mong Anh Khang bền bỉ trên con đường văn chương, hoặc cũng có thể là với những thể loại sách khác. Tôi thấy các cây bút trẻ bây giờ viết non-fiction rất giỏi. Tôi nghĩ, Anh Khang đã đi một chặng đường tương đối bằng phẳng, thuận lợi rồi; có lẽ khi bước qua những chặng thử thách “chông gai” hơn sẽ khiến anh bộc lộ tài năng của mình nhiều hơn. Và, tôi tiếp tục mong chờ những tác phẩm mới của Anh Khang cũng như những người viết trẻ khác.
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.