Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Vẫn hát lời tình yêu'

Dạ Ly
Dạ Ly
17/02/2019 09:00 GMT+7

Âm nhạc của Dương Thụ phải nhắm mắt nghe và cảm nhận để thấy mình như chạm vào những cung bậc cảm xúc của tình yêu, của cuộc sống: '… Lòng em còn yêu anh, còn nhớ mong khắc khoải, một mai đành xa anh, khổ đau anh có biết…'.

Nhạc như người và… người như nhạc
Âm nhạc của Dương Thụ như chính con người ông, lãng mạn, thong dong, trau chuốt. Cũng có không ít bài mà từ ca từ đến giai điệu mang nhiều ẩn ý, và cực “khó tính”. Nhạc của ông có lúc gần với cổ điển, với dân gian, có khi là nhạc nhẹ nên tuổi nào cũng có thể nghe được. Còn nhớ vào cuối thập niên 1990, khó ai làm được điều mà nhạc sĩ Dương Thụ và Bảo Chấn đã làm khi thực hiện tour xuyên Việt Nghe mưa qua 7 thành phố lớn của VN. Ngày ấy, 2 nhạc sĩ không ngại vất vả tự mình làm tất, kể cả khâu bán vé. Bạn bè kể, nhìn 2 ông quần ngắn, áo thun chạy vắt giò, áo ướt đẫm mồ hôi thấy thương vô cùng. Nghe mưa đã để lại dấu ấn lớn với dàn ngôi sao nổi tiếng nhất thời ấy như: Lam Trường, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Thu Phương, Huy MC, Hồng Ngọc…; ban nhạc Những người bạn... Đến hôm nay, âm nhạc của Dương Thụ vẫn tồn tại một cách rất riêng trong lòng người mộ nhạc.
Là một nhạc sĩ chứng kiến thời hoàng kim nhạc Việt từ thập niên 1990 và nhạc Dương Thụ ngày ấy cũng ở đỉnh cao nhất. Khi thời hoàng kim trôi qua, có khi nào nhạc sĩ ngẫm lại thấy tiếc nuối một điều gì đó?
Cuộc sống chẳng bao giờ đứng yên một chỗ. Những thay đổi cũng là tự nhiên thôi. Có nhiều điều ta đã làm được và ngược lại. Tôi không quen đong đếm tính toán được mất. Tôi sống hết mình với những gì đã xảy ra, nên hầu như không có cảm giác tiếc nuối.
Nếu có thể quay trở lại thời đỉnh cao, điều mà ông muốn làm nhất là gì? Sáng tác nhiều hơn?
Viết nhiều không phải là mục tiêu của một người như tôi. Tôi không “sản xuất âm nhạc”. Nếu có quay lại thời kỳ ấy chắc cũng vẫn như thế thôi.
Thời gian sau này, khán giả ít thấy những sáng tác mới của ông. Phải chăng nhạc sĩ đã mất dần cảm xúc hay vì lý do nào đó?
Những gì tôi viết là sự giải thoát điều tôi bị dồn nén: khao khát được yêu thương, được thấu hiểu; khao khát sống hết với những gì mình có thể. Có khi đau đớn, có khi đượm buồn, có khi say đắm, có khi bay bổng mơ mộng... Giờ thì ít bị dồn nén, lại hoạt động xã hội hơi nhiều (cười) vì thế cái “khao khát” và cái “có khi” này cũng bớt dần nên bài hát mới đôi khi thiếu lý do để ra đời.

Có thể sống được bằng nghề

Thời trước, người ta nói một số nhạc sĩ giàu lên rất nhanh nếu “trúng” một bài nào đó, có đúng không, thưa ông? Riêng Dương Thụ có sống khỏe từ việc sáng tác?
Nói thế hơi tủi cho tác giả âm nhạc. Ở VN ta chỉ có đi… buôn đất mới gọi là trúng, mới giàu lên rất nhanh thôi. Hoạt động âm nhạc, không chỉ có sáng tác phải làm rất nhiều thứ liên quan. Chịu khó “cày cuốc” làm nghề thì có thể khá hơn thi sĩ, nhưng vẫn thua giáo viên đi dạy thêm. Các bạn tôi là những người như thế, cũng như tôi có thể sống được bằng nghề một cách đàng hoàng thôi, không so bì được với ai đâu.
Nhạc sĩ Dương Thụ1
Nhạc sĩ Dương Thụ (bìa trái) cùng các nghệ sĩ tham gia live concert Đánh thức tầm xuân tại Nhà hát TP.HCM ngày 5 - 6.1.2019 ẢNH: ĐẠI NGÔ
Nhưng có người nói nếu “trúng tủ” thì thu về trung bình từ 400 - 600 USD/bài. Ngày ấy giá như thế là cao. Còn giá trung bình một bài thì bao nhiêu, thưa ông?
Số tiền cao ấy họ tưởng tượng ra đấy. Chỉ có một số ít, rất ít được trả từ 50 - 100 USD/bài. Nếu độc quyền thì mới có chuyện 500 - 600 USD/bài. 20 năm trước, theo tôi cát sê cho một bài hát của tác giả thật là rẻ mạt. Một nhạc sĩ ở Mỹ mức độ nổi tiếng trong công chúng cỡ như anh Trần Tiến hay Thanh Tùng thời ấy, nếu chỉ cần bán vài bài thôi là đủ tiền mua nhà lầu xe hơi rồi.

Âm nhạc của tôi là tâm hồn tôi. Nếu chỉ khi nào yêu ai ngất ngây mới viết được tình ca thì sẽ chẳng có Họa mi hót trong mưa, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày… Bởi lúc ấy Dương Thụ chẳng… ngất ngây với ai hết

Ngoài tên Dương Thụ, ông còn gắn với các bút danh khác như: Trần Xuân Nam, Vân Đình, Ái Nhạc… Những cái tên này có ý nghĩa gì đặc biệt trong cuộc đời?
Hồi ấy tôi làm cho tờ Tạp chí âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN. Phải viết nhiều bài (vì đặt bài, nhiều khi cộng tác viên không gửi) nên phải viết thế. Lấy tên Dương Thụ nhiều quá không tiện nên tôi đành phải “bịa” ra những bút danh khác nhau. Vậy thôi, cũng chẳng có gì đặc biệt trong đời tôi đâu.
Sau này, khán giả còn biết đến nhạc sĩ Dương Thụ ở vai trò nhà văn, nhà kinh doanh… Khi không sáng tác thì nên gọi ông là gì?
Họ lại nói quá cho tôi rồi (cười). Tôi không phải là nhà văn. Cuốn Cà phê… mưa chỉ là tập sách của một người không làm nghề văn chương viết thôi. Một ông đại tá về hưu, một chuyên gia kinh tế, một vị bác sĩ… vẫn có thể viết một cái gì đó. Bây giờ chuyện ấy là bình thường mà. Còn chuyện kinh doanh, nếu ai đó đã nghĩ tôi là nhà kinh doanh, họ hiểu nhầm đấy. Cà phê thứ bảy chỉ là “cà phê văn hóa” thôi (nhạc sĩ Dương Thụ là người sáng lập và làm nên chuỗi chương trình này - NV). Bạn hãy đến những buổi Salon âm nhạc (các tối thứ sáu và thứ bảy); đến với các buổi Cà phê gặp gỡ & đối thoại (sáng hoặc chiều thứ bảy); Cà phê điện ảnh (tối chủ nhật); Cà phê đối thoại trẻ, Điện ảnh mở, Câu chuyện khởi nghiệp (vào các buổi chiều thứ bảy và sáng chủ nhật)… tại các quán cà phê ở TP.HCM và Hà Nội để biết một chút về công việc của tôi khi không ở vai trò sáng tác nhé. Các buổi này diễn ra hằng tuần.
Thời của ông, có không ít nhạc sĩ trải qua tuổi thơ cơ cực và chính những khốn khó ấy đã vận vào ca khúc rất xúc động. Cuộc sống của nhạc sĩ thời trẻ và tuổi thơ ra sao?
Tôi có một tuổi thơ nếu kể ra thì rất tội nghiệp nhưng trong sáng, và bây giờ tôi nghĩ là nó rất đẹp. Nghèo, đói, rách, nhưng túng không làm liều. Không được thấu hiểu, thiếu tình yêu thương, gặp nhiều ngang trái… nhưng tôi vẫn tràn đầy lòng tin vào con người, vào sự tốt đẹp và những điều cao cả. Buồn lắm nhưng không bao giờ bi lụy, tuyệt vọng. Vẫn có những giấc mơ đẹp về ngày mai… Tuổi thơ cơ cực ấy đã tạo thành Dương Thụ hôm nay.

Thấy mình trẻ lại và muốn “đánh thức tầm xuân”

Nhạc sĩ Dương Thụ sinh năm 1943 tại Hà Nội và vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 1978. Ông từng được đề cử 2 giải Cống hiến. Từng được tôn vinh qua 4 chuỗi chương trình Tác giả - Tác phẩm Cửa sổ âm nhạc từ 2013 đến nay. Ông đã có hàng chục album riêng và kết hợp một số nhạc sĩ qua các giọng hát: Lê Dung, Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Mỹ Linh, Lam Trường, Đức Tuấn, Khánh Linh… như: Em đi qua tôi (10 tình khúc Dương Thụ - Phú Quang), Họa mi hót trong mưa, Vẫn hát lời tình yêu, Nghe mưa 1-2 (10 tình khúc Dương Thụ - Bảo Chấn), Bài hát ru cho anh , Mây trắng bay về, Ngày không mưa, Khu vườn yên tĩnh, Made in Vietnam, Chat với Mozart, Suối & Cỏ, Để tình yêu hát…
Trong những sáng tác đình đám như: Em đi qua tôi, Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Mặt trời dịu êm, Hơi thở mùa xuân, Họa mi hót trong mưa… bài nào nhạc sĩ viết nhanh nhất và đúng với cảm xúc mình nhất?
Thật ra tôi không có những sáng tác như bạn gọi là đình đám đâu. Đó là những bài hát bình thường, bạn có thể nghe được mà không cảm thấy khó chịu. Đối với tôi chẳng có bài nào là sáng tác nhanh nhất, bài nào chậm nhất và đúng với cảm xúc mình nhất. Chỉ có điều bạn có chấp nhận hay không thôi.
Ông nghĩ sao khi có nhạc sĩ khẳng định viết nhạc tình mà tình… ngất ngây thì phải yêu đến ngây ngất bài hát mới thấm, mới để đời. Có bài nào ông viết khi mình đang yêu ngất ngây?
Không may tôi lại không được như vậy. Âm nhạc của tôi là tâm hồn tôi. Nếu chỉ khi nào yêu ai ngất ngây mới viết được tình ca thì sẽ chẳng có Họa mi hót trong mưa, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày, Lắng nghe mùa xuân về, Gọi anh… Bởi lúc ấy Dương Thụ chẳng… ngất ngây với ai hết. Có một thứ tình yêu lớn hơn điều bạn nói, có thể khiến tôi đau khổ, buồn, mơ mộng, dịu dàng, say đắm nhưng không “ngất ngây”. Tình yêu ấy luôn ở trong tim tôi và có dịp là nó sẽ trở thành một bản tình ca.
Được biết ông còn là người phát hiện ra Hồng Nhung khi đi tuyển diễn viên cho Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội), sau đó là Mỹ Linh. Trong showbiz, để tồn tại một tình cảm lâu bền và thân thiết như ông đã và đang có với nhiều ca sĩ, với những nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Bảo Chấn… rất khó. Ông có “bí quyết”?
Tôi không có “bí quyết” gì cả. Tôi chỉ biết sống chân thành, không vụ lợi. Tôi tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ tận tình những gì mình có thể với những ca sĩ, nhạc sĩ mà mình gắn bó. Làm được như thế thì lâu bền, bằng không thì… Điều này ai cũng biết, vấn đề là mình có làm được hay không mà thôi.
Live concert Cửa sổ âm nhạc của ông vừa diễn tại TP.HCM và tại Hà Nội trong tháng 1. Ông từng nói đây là các đêm nhạc cuối cùng của đời mình. Vậy điều mà nhạc sĩ muốn làm “cuối cùng” cho khán giả là gì?
Cuối cùng là sau đó tôi không làm nữa chứ không có ý nghĩa là “điều cuối cùng”.
Tôi nghĩ mình năm nay tính cả tuổi mụ thì đã 77 rồi. Không có ông bầu, tự mình làm chương trình mệt lắm, chắc không còn kham nổi. Nhưng sau 2 đêm diễn tại Nhà hát TP.HCM, nhìn xuống hàng ghế thấy nhà hát cả 2 đêm không còn một chỗ trống. Tôi lại được nghe Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều, Tùng Dương, Trần Nguyễn Minh Đức, nhóm Con Gái, ban nhạc Sơn Thạch và tứ tấu dây HBSO trình diễn các tác phẩm của mình, nghe tiếng vỗ tay của khán giả thấy mình như trẻ lại, tự tin hơn và muốn… viết. Chắc lại sẽ “Đánh thức tầm xuân”, lại sẽ “một ngày mới, một ngày đang tới...”.
Nghệ thuật là phải có công chúng
Ca sĩ Bằng Kiều
Chú Thụ dạy Kiều nghệ thuật là phải có công chúng. Nhìn 2 đêm kín khán giả ở Nhà hát TP.HCM trong chương trình Cửa sổ âm nhạc vừa qua là minh chứng cho âm nhạc của chú luôn có công chúng đặc biệt dù thị hiếu âm nhạc có thay đổi theo thời gian thế nào chăng nữa. Hồi đầu gặp chú Thụ và may mắn được chú thích ngay cái chất “bụi đời” và lém lỉnh ở "thằng bé" Kiều. Chính Kiều là người nhiệt tình xúi giục và nhắc nhở “ông chú” (cách xưng hô thân mật của ca sĩ với nhạc sĩ Dương Thụ - NV) mở tiếp Cửa sổ âm nhạc số 4. Kiều cũng xin được tự đàn guitar hát bài Bóng tối ly cà phê. Hơn 20 năm, mỗi khi gặp nhau, việc đầu tiên là chú cháu rủ nhau ra quán vỉa hè để làm mấy điếu thuốc lào. Điều ấy chưa bao giờ thay đổi dù ở Mỹ hay VN. Hai chú cháu nhớ mãi kỷ niệm cùng nhau biên tập album riêng đầu tiên của Kiều (Chuyện lạ) thời nhạc Việt bùng nổ.
Ca sĩ Bằng Kiều
Như người cha thứ hai
Ca sĩ Hồng Nhung
Nhung không thể quên được và luôn biết ơn không hết khi nhắc đến chú Dương Thụ. Ngày ấy, Nhung còn quá nhỏ, 15 tuổi, chú Dương Thụ đã đến nhà xin bố cho Nhung đi thi giọng hát hay và đoạt giải. Từ đó chú như người cha thứ hai của Nhung. Chú luôn nâng bước Nhung trên con đường nghệ thuật qua bao thăng trầm. Chú Thụ viết ra từng lời ca như gạn lọc trong trái tim. Chính vì vậy từng từ, từng nốt nhạc chú gieo vào bài đều trân trọng, đều coi là quý hiếm. Chính điều đó khiến Nhung phải cố gắng hát hơn nội lực hiện có của mình. Và qua mỗi bài hát của chú, Nhung đều rưng rưng, xúc động bởi cảm thấy mình được sống lại cả một thời tuổi trẻ.
Ca sĩ Hồng Nhung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.