Những bí mật trước giờ G - Kỳ 8: "Phạm Xuân Ẩn vẫn cười, vẫn nói, vẫn ung dung"

30/04/2009 23:07 GMT+7

(Tiếp theo Thanh Niên số 120, ngày 30.4.2009) Sài Gòn trở nên sôi động sau Tết Mậu Thân 1968 với tin “trùm tình báo Cộng sản” cài ở dinh Độc Lập đóng vai trò cố vấn cho Tổng thống Thiệu bị CIA phát giác, bắt giam, tra tấn và đưa ra xét xử với án chung thân - đó là Vũ Ngọc Nhạ (cụm tình báo chiến lược A22).

Lạ một điều, sau ngày ông Nhạ và các cộng sự bị đày ra Côn Đảo, việc rò rỉ thông tin tình báo ở dinh Độc Lập lẽ ra bị dập tắt, nhưng ngược lại, những tường trình có tầm vóc chiến lược vẫn bị tiết lộ ra ngoài. Biết điều ấy, Thiệu ức lắm, cho rằng CIA vu oan cố vấn đặc biệt của mình (Vũ Ngọc Nhạ) nhằm cô lập Thiệu, nên Thiệu tìm cách đưa Vũ Ngọc Nhạ về lại đất liền khoảng 3 năm sau đó, vô tình phục hồi hoạt động tình báo chiến lược của cụm A22.

Khi Vũ Ngọc Nhạ bị bắt khỏi dinh Độc Lập, Thiệu (cũng như CIA) không ngờ bên cạnh họ vẫn còn một điệp viên cộng sản khác. Đó là Hai Trung - Phạm Xuân Ẩn. Chính Hai Trung là người đã giúp Thiệu các thủ tục để Thiệu đến Mỹ lần đầu, học khóa tham mưu sĩ quan tại Leavenworth. Và theo Tư Cang, muốn hiểu vì sao Thiệu không e dè khi để Hai Trung tham dự những cuộc họp quan trọng ở dinh, thì cũng nên biết qua những nét chính trong đời “điệp viên hoàn hảo” này.

Hai Trung sinh năm 1927, quê gốc Biên Hòa - Đồng Nai, tham gia phong trào Trần Văn Ơn tại Sài Gòn năm 1950, được Phạm Ngọc Thạch trực tiếp giao nhiệm vụ hoạt động tình báo chiến lược từ 1952, trở thành đảng viên cộng sản, đi lính Pháp, công tác ở Phái bộ Huấn luyện Quân sự Mỹ từ 1955, sang Mỹ học đại học 1957 và về Việt Nam làm việc cho Việt Tấn Xã từ 1960, cho Reuters từ 1960 - 1964, là cây bút có uy tín của tuần báo Times (1965 - 1976). Hai Trung còn viết trên nhật báo The New York Herald Tribune, với thẻ hành nghề do Giám đốc Nha Thông tin - Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Huấn cấp, ghi rõ: “Trân trọng yêu cầu các giới hữu quyền hành chánh và quân sự dành mọi sự dễ dàng cho đương sự trong lúc thừa hành phận sự nhà báo”.

Một thẻ khác do Tổng cục Chiến tranh chính trị Việt Nam Cộng hòa cấp, cho phép “Làm phóng sự về công cuộc huấn luyện các hoạt động cũng như theo dõi các cuộc hành quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và thăm viếng các phi trường quân sự tại Việt Nam”, do Tổng cục trưởng là thiếu tướng Trần Văn Ẩn ký. Với một số giấy tờ tương tự, Hai Trung đã ra vào các cơ quan quản lý hoạt động hành chánh, kinh tế và quân sự của chính quyền Sài Gòn một cách dễ dàng, thậm chí được các sĩ quan cấp tá của Mỹ mời lên trực thăng quân sự đi quan sát các vùng chiến thuật. Ông còn là một nhà báo đặc cách, được xếp ngang hàng các chuyên viên và được mời vào Phủ tổng thống (dinh Độc Lập) dự các cuộc họp quan chức Việt - Mỹ, được đọc các tài liệu mật để tham khảo và góp ý cho đường lối chiến lược của chính quyền Sài Gòn!

Về phía Mỹ, ông thân cận nhiều nhân vật cấp cao của chi nhánh CIA ở Đông Nam Á và Việt Nam. Ban đầu là các tham mưu của Edward G.Lansdale, nắm nhiều nguồn tin quan trọng về các chiến dịch càn quét Việt Cộng do Lansdale quyết định. Trong suốt 23 năm (tính đến 1975), Hai Trung đã thâm nhập sâu vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn để lấy những tài liệu tối mật và đã “cung cấp kịp thời nhiều tài liệu bằng nguyên bản có giá trị lớn” (như hồ sơ tuyên dương anh hùng của ông ghi rõ). Chẳng hạn, những báo cáo về mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, những ý đồ quân sự và bình định qua các đời tổng thống Mỹ, những bước đi trong chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh” thời Nixon. Trong đó có cả những hồ sơ liên quan đến kế hoạch cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, thể hiện bằng cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào đầu 1971.

Chúng ta thử xem xét hiệu quả thực tế trên chiến trường đưa đến từ sự kết hợp chiến thuật quân sự của Hà Nội với tài liệu tình báo gửi từ Sài Gòn ra, qua ghi nhận dưới đây:

“Từ mồng 3 Tết Tân Hợi, nhằm 30.1.1971, lực lượng Mỹ ở phía Nam sông Bến Hải lặng lẽ triển khai, tạo một bàn đạp vững chắc phóng sang Lào. Suốt 7 ngày sau đó, những vị trí chiến thuật then chốt ở Quảng Trị nhanh chóng được chiếm lĩnh để ba cánh quân Sài Gòn gồm bộ binh, lính nhảy dù và thiết giáp sẵn sàng vượt biên giới. Thiệu đã tung vào cuộc 2 sư đoàn tinh nhuệ nhất của “quân lực Việt Nam Cộng hòa” trong đó có sư đoàn thủy quân lục chiến...  Nhưng ngót nửa tháng, đội quân ấy vẫn mắc kẹt trên đường, số tử thương tăng lên từng ngày, việc tải xác chết khỏi mặt trận không làm xuể và “ma sự” bắt dầu ám ảnh mạnh đến tinh thần binh lính. Qua ngày thứ 15, thời hạn chiếm Tchépone như dự định “tuyệt vời trên giấy” vụt qua. Cựu tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn, tướng Westmoreland được Kissinger tham vấn ngay về tình hình chiến trận khi đó, đã nhận định ít nhất phải có 4 sư đoàn Mỹ mới tiến chiếm và giữ được Tchépone, chứ 2 sư đoàn Sài Gòn dù là “tinh nhuệ nhất” vẫn chịu chết... Cố vấn tổng thống Thiệu là TS Nguyễn Tiến Hưng đúc kết: Chiến dịch kết thúc sau 44 ngày với con số thương vong cao: 8.000 người, là một yếu tố làm suy nhược ý chí chiến đấu của Nam Việt Nam”.

Nguyễn Tiến Hưng còn viết, người ta đưa ông Thiệu xem bức ảnh đăng trên các tạp chí Mỹ chụp cảnh một người lính Sài Gòn bám đuôi chiếc trực thăng cứu nạn của Mỹ để “cố chạy sao cho thoát khỏi chảo lửa của mặt trận Tchépone, giống như một con thỏ chết nhát”. Bức ảnh chú thích bên dưới: “Một con thỏ!”. Xem ảnh Thiệu tức lắm, nhưng cố làm ra vẻ bình tĩnh, cười gằn, bảo ông ta xem thường điều mỉa mai đó, vì sự thật không phải binh lính Sài Gòn là “những con thỏ”, mà “chính các phi công trực thăng người Mỹ đã sợ lưới đạn của Cộng sản vây bủa trên đường đến Tchépone, nên đã sợ hãi dạt ra xa và bay mất!”.

Những báo cáo khác của Hai Trung đã giúp ích rất nhiều cho quyết định của B2 và Hà Nội vào các giai đoạn quyết liệt dẫn đến sự kiện lịch sử 30.4.1975. Cuối tháng 9.2006, khi Hai Trung qua đời tại TP.HCM, Tư Cang đã đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thắp hương vĩnh biệt và ghi trong sổ: “Bị ốm nặng không đi lại được, anh thường dùng điện thoại chuyện trò tâm sự với tôi. Có lần anh nói vui: chắc lá số tử vi của anh và tôi tốt lắm, cao số lắm, nên tình báo CIA và đặc ủy Sài Gòn mới không phát hiện được hai đứa mình, chớ tụi mình có giỏi hơn anh em đâu? Nay anh ra đi, là bạn chí thân sống chết bên nhau trong thời chiến tranh chống Mỹ giữa Sài Gòn, tôi làm mấy câu thơ tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng: Những lúc hiểm nguy căng sợi tóc/Vẫn cười, vẫn nói, vẫn ung dung...”.

(Còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.