Những bộ phim ăn khách được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung

Thanh Tuyền
Thanh Tuyền
31/10/2018 12:12 GMT+7

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn sinh năm 1924 đóng góp cho văn học Trung Quốc 14 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Thế nhưng, có tới mấy chục bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm ăn khách của ông.

Có lẽ Kim Dung là tác giả hiếm hoi có số lượng tiểu thuyết được chuyển thể nhiều nhất trong lịch sử phim ảnh Trung Quốc lẫn châu Á. Các tác phẩm của ông không chỉ lôi cuốn nhiều độc giả yên mến dòng văn học võ thuật mà còn khiến bao thể hệ khán giả truyền hình say mê. Thậm chí, nhiều đầu sách của cố nhà văn được chuyển thể lại vô số lần, trở thành câu chuyện phim gắn liền với ký ức của hàng triệu khán giả.
Thần điêu đại hiệp
Thiên tình sử của cặp Dương Quá và Tiểu Long Nữ là một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Kim Dung. Từ khi chuyển thể thành phim, tác phẩm đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn và trở thành bệ phóng cho nhiều ngôi sao như: Lưu Đức Hoa, Trần Ngọc Liên, Lý Nhược Đồng, Cổ Thiên Lạc, Lý Minh Thuận, Phạm Văn Phương hay “thần tiên tỉ tỉ” Lưu Diệc Phi.
Thần điêu đại hiệp ghi điểm với phiên bản thứ hai được sản xuất vào năm 1995. Vẻ đẹp thanh khiết, thoát tục của Lý Nhược Đồng với vai Cô Long đã trở thành một biểu tượng huyền thoại. Mãi đến sau này, khi Lưu Diệc Phi đảm nhận vai diễn tương tự trong phiên bản 2006, nhan sắc Tiểu Long Nữ mới khiến khán giả cảm thấy thỏa mãn. Thần điêu đại hiệp bản 1995 cũng là tác phẩm đưa Cổ Thiên Lạc trở thành biểu tượng của màn ảnh lúc bấy giờ.
Đến nay, sau 35 năm chuyển thể thành phim, tiểu thuyết trên đã được tái hiện trong 8 bộ phim truyền hình và 4 phim điện ảnh. Dự án Thần điêu đại hiệp lần thứ 9 đang rục rịch khởi động với nhiều dấu hiệu tích cực khi tạo hình của nữ chính Mao Hiểu Huệ được khen ngợi không ngừng.
Anh hùng xạ điêu
Câu chuyện về Quách Tĩnh và Hoàng Dung là một trong những tiểu thuyết được đưa lên màn ảnh nhiều nhất của nhà văn Kim Dung. Tính đến năm 2017, Anh hùng xạ điêu đã được các nhà làm phim tại Trung Quốc và Hồng Kông tái hiện lại tổng cộng 12 lần khác nhau.
Lý Á Bằng và Châu Tấn trong vai Quách Tĩnh – Hoàng Dung cách đây 16 năm (Ảnh: CCTV
Lý Á Bằng và Châu Tấn trong vai Quách Tĩnh - Hoàng Dung cách đây 16 năm Ảnh: CCTV
Dù đã 35 năm trôi qua nhưng bộ phim đầu tiên về vợ chồng Quách Tĩnh vẫn là một trong những phiên bản gây được dấu ấn mạnh nhất đối với khán giả. Ra mắt lần đầu vào năm 1983 bởi đài TVB, Anh hùng xạ điêu được chia thành ba phần: Thiết huyết đan tâm, Đông tà tây độc và Hoa sơn luận kiếm. Phiên bản do Huỳnh Nhật Hoa và Ôn Mỹ Linh được xem là tượng đài khó mà thay thế trong lòng người xem.
Những tác phẩm làm lại sau đó đều không thể vượt qua cái bóng quá lớn của bộ phim đầu tiên. Mãi đến năm 2002, phiên bản phim do Lý Á Bằng và Châu Tấn thủ vai chính mới được công chúng đón nhận nhiệt liệt, sánh ngang với bản năm 1983. Đây cũng là một trong những tác phẩm giúp “Nhàn phi” Châu Tấn khẳng định tài năng diễn xuất và tên tuổi của mình. Đây cũng chính là bộ phim bắt đầu cho chuyện tình “phim giả tình thật" kéo dài 5 năm của cặp sao đóng vai chính.
Bản mới nhất của Anh hùng xạ điêu ra mắt khán giả vào năm 2017 với sự tham gia của hai diễn viên trẻ là Dương Húc Văn và Lý Nhất Đồng. Trái với kỳ vọng ban đầu của nhà sản xuất, bộ phim lại không tạo được hiệu ứng tích cực từ người xem vì diễn viên ít tên tuổi, kỹ xảo thô sơ và gặp nhiều đối thủ mạnh.
Tiếu ngạo giang hồ
Phim là câu chuyện xoay quanh cuộc chiến giữa các phe phái trong võ lâm trung nguyên để giành bí kíp võ công Tịch tà kiếm phổ huyền diệu của nhà họ Lâm. Nhân vật chính của Tiếu ngạo giang hồ là Lệnh Hồ Xung - đại đệ tử phái Hoa Sơn, một trong Ngũ Nhạc kiếm phái của võ lâm trung nguyên. Tiếu ngạo giang hồ ca ngợi tình yêu, đức hi sinh và khao khát cuộc sống không danh lợi, tiền bạc và quyền lực.
Vai Đông Phương Bất Bại của Lâm Thanh Hà trở thành màn thể hiện xuất sắc nhất trong số các tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ Ảnh: Weibo NV
Trong số 15 phim đã được dựng từ nguyên tác, vai diễn Lệnh Hồ Xung do nam diễn viên Lữ Tụng Hiền được khen ngợi nhiều nhất. Trong khi đó, vai Nhậm Doanh Doanh của bạn diễn Lương Nghệ Linh lại vấp phải những lời chê bai về tạo hình. Nhân vật Đông Phương Bất Bại thành công nhất thuộc về màn thể hiện của Lâm Thanh Hà (bản điện ảnh năm 1991). Năm 2012, Trần Kiều Ân cũng gây được tiếng vang lớn nhờ hóa thân thành nhân vật này.
Phiên bản mới nhất của Tiếu ngạo giang hồ vừa được công chiếu vào đầu năm 2018. Tác phẩm bị chê là bộ phim thảm họa nhất trong số những phim chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả Kim Dung. Nguyên nhân do diễn xuất của hai diễn viên chính quá tệ.
Ỷ thiên đồ long ký
Tác phẩm lấy bối cảnh 80 năm sau sự kiện trên đỉnh Hoa Sơn của bộ Thần điêu đại hiệp. Truyện xoay quanh Trương Vô Kỵ và mối tình phức tạp với 4 cô gái. Bên cạnh đó, tác phẩm là những thủ đoạn độc ác của các môn phái trên giang hồ nhằm chiếm đoạt hai món báu vật là Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm với tham vọng làm bá chủ thiên hạ.
18 năm trôi qua, Ỷ thiên đồ long ký năm 2000 vẫn được xem là phiên bản được đáng giá cao nhất (Ảnh: TVB
18 năm trôi qua, Ỷ thiên đồ long ký năm 2000 vẫn được xem là phiên bản được đáng giá cao nhất Ảnh: TVB
Ỷ thiên đồ long ký được tái hiện nhiều lần trên màn ảnh. Tuy nhiên, phiên bản năm 2000 nổi bật hơn cả. Đây là tác phẩm đánh dấu hình tượng phản diện đầy giả tạo và độc ác của nhân vật Chu Chỉ Nhược do “ác nữ” Xa Thi Mạn thủ vai. Vai diễn do “nhất tỉ” TVB đảm nhiệm cũng là phiên bản Chu Chỉ Nhược bị ghét nhất lịch sử Ỷ thiên đồ long ký. Phiên bản phim năm 2000 cũng là bàn đạp hoàn hảo giúp Ngô Khải Hoa trở lại màn ảnh và góp mặt trong nhiều dự án sau đó. Tuy nhiên, vai Trương Vô Kỵ của tài tử họ Ngô lại bị chê quá già so với mô tả trong truyện. Qua các lần sản xuất, nhân vật Trương Vô Kỵ từng được nhiều nam diễn viên như: Lương Triều Vỹ, Mã Cảnh Đào, Tô Hữu Bằng… đảm nhiệm và đem lại sức ảnh hưởng nhất định.
Phiên bản truyền hình mới nhất của Ỷ thiên đồ long ký được trình làng vào giữa năm 2018. Vai diễn Chu Chỉ Nhược của Chúc Tự Đan nhận được nhiều lời khen từ cư dân mạng vì diễn xuất khá ổn cộng với nhan sắc xinh đẹp, nổi bật nhất phim. Trong khi đó, vai Trương Vô Kỵ do Tăng Thuấn Hy thủ vai lại vấp phải nhiều chỉ trích vì nam diễn viên còn quá non nớt để thể hiện nội tâm phức tạp của nhân vật.
Thiên long bát bộ
Tác phẩm khai thác mối quan hệ của bộ ba Kiều Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc là một trong những bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tác gia võ hiệp Kim Dung. Được chuyển thể thành phim lần đầu vào năm 1982 nhưng Thiên long bát bộ không để lại nhiều ấn tượng như những "anh em" khác của mình. Sau nhiều lần sản xuất, phải đến năm 1997, phiên bản khác của Thiên long bát bộ mới thực sự nổi đình đám.
Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng với tạo hình của Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên trong Thiên long bát bộ (1997) (Ảnh: TVB
Trần Hạo Dân và Lý Nhược Đồng với tạo hình của Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên trong Thiên long bát bộ (1997) Ảnh: TVB
Bộ phim đánh dấu sự trở lại của mỹ nhân Lý Nhược Đồng sau thành công của Thần điêu đại hiệp năm 1995. Nhan sắc không tì vết của nữ diễn viên một lần nữa làm xiêu lòng biết bao khán giả với tạo hình xinh đẹp của nhân vật Vương Ngữ Yên. Nam chính Kiều Phong do Huỳnh Nhật Hoa cũng được khen ngợi là khí chất hơn người. Trong khi đó, vai Đoàn Dự do Trần Hạo Dân đảm nhiệm đặc biệt ghi dấu ấn bởi cá tính điềm đạm, trong sáng và hồn nhiên.
Phiên bản mới nhất của Thiên long bát bộ vừa được bấm máy hồi tháng 9.2018. Tuy nhiên, trước những màn thể hiện xuất sắc của các nữ chính phiên bản trước, vai diễn Vương Ngữ Yên của Văn Vịnh San đang khiến người hâm mộ của bộ phim không hài lòng. Nguyên nhân là vì nữ diễn viên Hồng Kông đã 30 tuổi, quá già để đóng vai một thiếu nữ đôi mươi, sắc nước hương trời.
Ngoài những tác phẩm tiêu biểu kể trên, nhiều tác phẩm khác của cố nhà văn Kim Dung như: Hiệp khách hành, Bích huyết kiếm, Lộc đỉnh ký… cũng được chuyển thể thành phim và đem lại tiếng tăm không nhỏ. Dù đã được ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng những tác phẩm văn học của tác giả sinh năm 1924 vẫn vẫn giữ nguyên sức hút đối với công chúng. Bằng chứng là tác phẩm của ông vẫn đều đặn được làm đi làm lại nhiều lần và mỗi lần ra mắt, bộ phim gắn liền với thương hiệu Kim Dung vẫn luôn chiếm một sự chú ý nhất định trong lòng khán giả.
Cha đẻ của loạt tiểu thuyết võ hiệp nổi danh châu Á vừa ra đi nhưng những bộ phim xoay quanh thế giới văn học của ông vẫn còn đó và sẽ lại nối tiếp nhau ra đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.