Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn luôn tự nhận mình là “nhạc sĩ không chuyên”, bởi trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông đều được bố trí vào những chức vụ quản lý. Tuy thế, gia tài âm nhạc mà ông để lại hầu hết là những ca khúc tuyệt hay.
>> Kỳ 2: Ngày về trong giấc mơ hoa
>> Kỳ 3: Hoàng Cầm và chiếc lá huyền
Để có được những ca khúc đó, chắc chắn là nhờ sau lưng ông có một “thiên thần hộ mệnh”. Người ấy lúc ở gần thì động viên, phà hơi tiếp sức cho ông thêm nguồn cảm hứng, lúc cách xa lại là tâm điểm ông hướng về để sáng tác. Người ấy chính là người bạn đời đầu ấp, tay gối của ông: Nguyễn Thanh Hồng.
Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, quê Quảng Trị. Ông là con của một công chức nhỏ thời Pháp thuộc, mẹ ông hát dân ca miền Trung, hát ví dặm rất hay (vợ ông gốc Nghệ An cũng rất giỏi dân ca, cho nên những bài hát mang âm điệu dân ca miền Trung, ví dặm của ông như: Lời người ra đi, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Vỗ bến Lam chiều…thành công được là nhờ hai người ấy). Nhờ những câu ru của mẹ mà tính cách nghệ sĩ trong con người Nguyễn Tăng Hích dần dần hình thành. Và những sáng tác đầu tay của ông ra đời trong những ngày đầu sục sôi không khí Cách mạng tháng Tám (1945): Học sinh vui tươi, Trên đường về, Hồn nước… Trong một cuộc thi âm nhạc cấp địa phương, bài Hồn nước đã được trao giải, đó cũng là bệ phóng để chàng trai trẻ tâm nguyện suốt đời cống hiến cho đất nước, cho âm nhạc. Mê bài hát Thiên thai của Văn Cao, thích nhất là câu đào nguyên xưa Lưu Nguyễn quên trần hoàn. Vậy là lấy ngay chữ “trần hoàn” làm tên của mình, thay cho Tăng Hích nghe có vẻ “lấy sức mà đẩy”!
|
Thư tình viết trên thông báo
Sau Cách mạng tháng Tám, ông vào chiến khu Quảng Bình rồi trở thành người phụ trách Đội tuyên truyền văn nghệ, địa bàn hoạt động của Trần Hoàn trải dài khắp Bắc Trung bộ (khu 4). Một hôm trong giờ giải lao, anh em đang đánh cờ tướng, reo hò ầm ĩ, bỗng… im bặt vì mẹ Thiệng đang đi vô. Họ im không phải vì mẹ Thiệng mà là phía sau mẹ, một cô gái với mái tóc xõa ngang vai, đôi mắt bạo dạn, miệng chúm chím cười duyên dáng. Dù trang phục chỉ là chiếc áo nâu mộc mạc nhưng nhan sắc ấy đủ làm sáng bừng một góc chiến khu khiến các chiến sĩ đang reo hò bỗng im re! Và từ lúc đó, hình bóng duyên dáng của cô “hoa khôi” Huyện ủy viên huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã in sâu vào tiềm thức của chàng nghệ sĩ trẻ. Mãi một thời gian sau Trần Hoàn mới đánh liều viết vào mặt sau tờ thông báo của Sở Thông tin: “Hồng, em có nhận lời làm vợ anh không?” và trao cho người ấy. Chị đỏ mặt nhưng nhanh chóng trả lời liền: “Không, anh ạ!”. “Vì sao?”. “Vì… anh là một nghệ sĩ!”. Nói thì nói thế thôi, chứ ai mà chẳng xao xuyến trước một cán bộ đẹp trai, đa tài như anh. Lễ cưới của họ diễn ra khi chị vừa 19 tuổi. Đêm tân hôn vào mùa trăng non, trong căn nhà của mẹ Thiệng (mẹ chị Hồng), họ dìu nhau ngồi bên song cửa nhìn ra phía trước sân có mấy tàu cau khô, xa xa là bãi mía… và chú rể viết tặng cô dâu ca khúc Hoàng hôn đêm trăng với những câu: Ngồi tì tay trên gối bâng khuâng. Nhìn qua song trông thấy đêm trăng. Mía xao xác trong cây gió đàn. Tàu cau khô rung đôi lá vàng. Vầng trăng như chia sẻ đôi bên. Nửa in gối chiếc, nửa cô đơn… Nhưng chỉ sau tuần trăng mật ngắn ngủi, ông phải chuyển ra Bắc, phụ trách hoạt động văn nghệ trong lòng địch vùng tả ngạn sông Hồng. Trong những giờ phút lưu luyến chuẩn bị chia tay của đôi vợ chồng vừa mới cưới, ông làm tặng vợ bài Lời người ra đi: Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi. Nghe dặn lời: Rằng chiến đấu đừng sờn lòng. Rằng sóng gió đừng sờn lòng. Đừng nề gian khổ… Súng còn vang, dân lầm than, đây chiến trường thề quyết xông pha… Quả thật, trong hoàn cảnh ấy, phải “kiên gan” lắm Trần Hoàn mới có được những ca từ sắt son, kiên định như thế. Ngày nào nghe tiếng chim, ca líu lo trên cành hoa đào, em nhủ thầm, rằng bóng dáng người tình về, về đến bến đò đầu làng là giờ anh về… em ơi… Lời người ra đi là bài hát Trần Hoàn làm để riêng tặng người vợ mới cưới của mình nhưng đã trở thành bài hát chung của nhiều thế hệ thanh niên giã từ người yêu lên đường chiến đấu. Khởi đi từ đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này mà một trong những ca sĩ hát thành công nhất là Bảo Yến.
|
Nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời ngày 23.11.2003 tại Hà Nội. Bà Thanh Hồng tính rằng họ lấy nhau được 53 năm nhưng phải trừ đi 15 năm xa nhau liên tục vì hoàn cảnh chiến tranh. Còn lại 38 năm họ đã ân cần chăm sóc nhau từng li từng tí. Nhưng, kể cả 15 năm xa cách và ngay ông đã đi vào cõi miên viễn thì bà vẫn tin chắc rằng “không giây phút nào tình yêu của họ phai nhạt”. Bằng chứng là sau khi ông mất, bà Thanh Hồng đã công bố tập sách Những lá thư vượt tuyến tập hợp khoảng 160 bức thư của hai ông bà gửi cho nhau khi nhạc sĩ Trần Hoàn đi chiến trường B. Tập sách này cùng với khoảng 600 ca khúc của ông đã được bà trao tặng cho Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 vào năm 2011.
Trong 600 ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn, ông chỉ viết tặng vợ ông 4 ca khúc: Hoàng hôn đêm trăng, Lời người ra đi, Đợi anh về và Vỗ bến Lam chiều. Bài Vỗ bến Lam chiều tuy phổ từ thơ của Thúy Bắc nhưng Trần Hoàn thấy như chính mình viết cho người vợ son sắt, thủy chung: Mẹ sinh em bên dòng sông Lam, tóc hoen nắng gió, mặn mòi gió biển, bụi đỏ bám sao mà yêu mến thế! Vắt vẻo cầu tre lời hẹn níu bờ xa, dù chiến tranh phải xa, lòng không hề xa vắng. m vang đôi bờ câu hò ví dặm, theo anh qua trăm suối nghìn đèo...”. Và với bà, dù 53 năm chỉ có 4 bài, nhưng như thế là quá đủ cho tình yêu của họ.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)