Những bức ảnh chiến trường VN cách đây 50 năm của nhà báo Argentina

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
10/07/2019 11:25 GMT+7

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện sống động của nhà báo Argentina Ignacio Ezcurra về Việt Nam chụp trên các mặt trận nóng bỏng Huế - Sài Gòn năm 1968, gây nhiều cảm xúc tại triển lãm Câu chuyện từ chiếc máy ảnh .

Sáng 9.7 tại TP.HCM, triển lãm chuyên đề Câu chuyện từ chiếc máy ảnh do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp với Đại sứ quán Argentina tại VN đã khai mạc, nhân dịp kỷ niệm 203 năm ngày lễ độc lập nước CH Argentina (diễn ra đến ngày 30.8).
Phóng viên chiến trường tại Việt Nam
Nhà báo Ignacio Ezcurra sinh năm 1939 ở San Isidro, Argentina. Ông được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm báo chí khi là phóng viên chiến trường tại Việt Nam cho tờ báo La Nación.
Ngày 24.4.1968, chiếc máy bay chở Ignacio và nhiều lính Mỹ đến VN. Ông đã có mặt ở khắp các chiến tường và chụp lại những bức ảnh về tình hình chiến sự ở Việt Nam.

Chút bình yên đời thường giữa thời chiến

 

Lính Mỹ trong một cuộc hành quân

Ông đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh ác liệt năm Mậu Thân 1968 từ sự tò mò thôi thúc như lời ông tâm sự với mẹ mình: “Con muốn đến Việt Nam, con muốn xem điều gì đang diễn ra, bởi có gì đó không đúng với những điều họ đang nói, con muốn đến đó và mang về sự thật…”. Từ sự bỡ ngỡ buổi đầu tiên khi chuẩn bị đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong tiếng pháo, tiếng trực thăng, nhìn thấy dây thép gai và súng máy, ... Ignacio đã mô tả chiến tranh là bom đạn, khói lửa, là tội ác, là biết bao đau thương, mất mát. Sự mất mát không chỉ dành cho các bên tham chiến, nó tác động không chừa một ai, kể cả các phóng viên chiến trường. Ignacio đã ra đi nửa tháng sau đó cũng trong tiếng súng tiểu liên và đạn pháo, tiếng xe cứu thương, cảnh sơ tán người dân và những cột khói đen, với những bài báo còn dang dở...
“Tôi đến thung lũng trong một chiếc trực thăng của Sư đoàn 9 Kỵ binh, nó là vũ khí chiến thuật hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Khi còn ở Sài Gòn, binh sĩ David Castanella đã đề nghị tôi: Đừng đi, anh bạn nhỏ, đó là tự sát. Từ nơi đó họ trả lại những xác chết…”, ông kể lại với người thân.
Làm việc ở Việt Nam trong thời gian ngắn nhưng Ignacio đã phản ảnh cuộc chiến dưới nhiều góc cạnh. Ngoài những tác phẩm về căn cứ quân sự, lính Mỹ hành quân, càn quét..., ông còn ghi lại cảnh nhà cửa, sinh hoạt, cuộc sống của người dân Việt Nam thời chiến tranh.
Ngày 8.5.1968, ông mất tích ở Sài Gòn. Những kỷ vật của Ông được chuyển về cho gia đình ở Argentina, trong đó có chiếc máy ảnh.
Chiếc máy ảnh của hai ông cháu 
50 năm sau, Luisa, cô cháu ngoại của Ignacio đã sử dụng chiếc máy ảnh này và tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu về Việt Nam khi chiến tranh đã lùi xa.

Cháu gái nhà báo

Cô tâm sự:“Từ khi còn nhỏ, chiếc Pentax Honeywell H3 luôn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường. Tôi biết nó đã cùng ông tôi ra chiến trường và trở lại với gia đình mà không có ông. Chiếc máy ảnh này đối với tôi khá đặc biệt, nó giúp tôi hồi tưởng về một thời đã qua... Tôi và nó luôn bên nhau và không thể tách rời”.

Triển lãm gây xúc động mạnh cho người xem

Cô kể tiếp: “Khi đến 50 năm ngày ông Ignacio Ezcurra qua đời, nhà mình sẽ đến Sài Gòn, con muốn đi không?” Mẹ tôi hỏi tôi hai năm trước, mà cũng có thể là hỏi chiếc Pentax. Cả tôi và chiếc Pentax đều đồng ý. Chiếc máy ảnh là thứ đầu tiên tôi cho vào hành lý của mình. Chính chiếc Pentax đã đưa tôi đến với Việt Nam, nơi mà nó đã quá đỗi quen thuộc trước đây và nay là nhân chứng duy nhất chứng kiến sự thay đổi của cuộc sống nơi này…”, Luisa chia sẻ.

Nhà báo Ignacio Ezcurra tại chiến trường Việt Nam năm 1968

Các tác phẩm của ông phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến tranh

Từ kỷ vật là chiếc máy ảnh nhỏ nhắn của ông để lại và những bức ảnh chụp cách nhau 50 năm, triển lãm còn kể lại câu chuyện về VN trong thời kỳ chiến tranh và hòa bình qua góc máy của của hai ông cháu tiếp nối . 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.