Những cô gái “làm mới” nhạc dân tộc

09/02/2006 22:09 GMT+7

Trưa mùng 2 Tết Bính Tuất 2006, có 6 “mặt trời đỏ” xuất hiện trên VTV3 trong một chương trình ca nhạc dân tộc có tên Ngẫu hứng. Không ít người xem thốt lên thú vị: “Ca nhạc dân tộc đấy ư ?”.

Họ gồm 6 cô gái xinh đẹp và tài năng. Họ khiến người xem ngỡ ngàng vì phong cách biểu diễn của họ "lạ" quá: từ trước đến nay những thiếu nữ khi trình tấu nhạc cụ dân tộc thường khép nép trong tà áo dài ngồi xếp chân về một bên trên chiếu hoa hoặc e ấp, dịu dàng trên những chiếc đôn sứ chứ chẳng ai ăn mặc rất "mốt", vừa hát, vừa đàn, kẻ tung, người hứng một cách hết sức phấn khích. Chơi đàn đã lạ mà hát dân ca cũng lạ: có cả acapella rồi cả nói rap làm cho người nghe thấy những Trống cơm, Lý ngựa ô, Se chỉ luồn kim... vừa rất quen thuộc lại vừa lạ lẫm.

Ý tưởng thành lập một nhóm toàn nữ chuyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc đã đến với Hồ Nga và Minh Hà trong những dịp hai cô theo đoàn đi biểu diễn ở Nhật (Hồ Nga là nghệ sĩ chuyên biểu diễn đàn tam thập lục và đàn t’rưng, còn Minh Hà là ái nữ của nghệ sĩ thổi sáo Đinh Thìn - cô cũng sở trường về sáo trúc và đàn tam thập lục). Ở Nhật, họ từng thấy nhóm nhạc 12 Girls Band của Trung Quốc đạt được những thành công vang dội. Với phong cách biểu diễn trẻ trung, sôi động và khả năng kết hợp nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc nhẹ Tây phương nên 12 Girls Band rất hấp dẫn giới trẻ và cả những người lớn tuổi ở Nhật. Hồ Nga và Minh Hà cùng trăn trở: nhạc cụ dân tộc của Trung Quốc và của Việt Nam có những điểm tương đồng về mặt chủng loại (mình còn có những nhạc cụ độc đáo hơn!), họ làm được thì mình cũng có thể làm được. Vấn đề còn lại là tuyển "nhân sự" để cùng "kề vai, chen cánh": phải là nữ, đồng trang lứa và có khả năng chuyên môn cao về nhạc cụ dân tộc.

Và như một "duyên kỳ ngộ" (thành viên Thu Thủy ví von) - giữa Sài Gòn bỗng có sự tái hợp của 6 cô gái gốc Bắc (họ đã từng biết nhau từ bé). Tất cả đã tốt nghiệp khoa Nhạc cụ dân tộc ở Nhạc viện Hà Nội hoặc ở Nhạc viện TP.HCM nên mỗi người có thể sử dụng thành thạo từ 2 nhạc cụ trở lên. Đó là Thu Thủy (nhị, bầu, tứ...), Cẩm Hà (bầu, tam thập lục...), Minh Loan (tranh) và Hoài Phương (hát chính kiêm đàn tỳ bà, cô từng tốt nghiệp trung cấp đàn tỳ bà - nhạc viện Hà Nội và sẽ tốt nghiệp khoa Thanh nhạc ở nhạc viện Huế trong năm nay). Thế là Mặt Trời Đỏ ra đời và Minh Hà được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng, Hồ Nga phụ trách chuyên môn, cô chọn bài và nhờ các nhạc sĩ có uy tín như Quốc Trung, Bảo Phúc, Quốc Khánh... phối khí.

Không chỉ có dân ca, Mặt Trời Đỏ còn trình bày cả những ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca như Mái đình làng biển (Nguyễn Cường), Chuyện tình trên thảo nguyên (Trần Tiến), Nắng có còn xuân (Đức Trí)... Trong mỗi tác phẩm, ngoài phần hát do Hoài Phương trình bày với giọng soprano trong trẻo, cao vút thể hiện trên nền bè, phụ họa của cả nhóm thì điểm nhấn chính là những đoạn solo nhạc cụ một cách điêu luyện của từng thành viên. Mỗi người solo một đoạn ngắn nhưng tất cả vẫn hòa quyện vào nhau, tung hứng rất nhịp nhàng, nhuần nhuyễn... Có lẽ, ngoài chuyện phô diễn kỹ thuật, các cô còn muốn người xem thấy được nét độc đáo, những sở trường - sở đắc của từng loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Để chinh phục khách quốc tế về khả năng diễn tấu của nhạc cụ dân tộc Việt, nhóm cũng đã chơi rất thành công các nhạc phẩm quốc tế như: Freedom (nhạc Tây Ban Nha), Thế giới là cả một rừng hoa (nhạc Nhật)... Để có được điều này, họ đã phải miệt mài khổ luyện. Mỗi người đem bản tổng phổ về nhà tập riêng và khi có lời mời diễn thì tập trung ở nhà Hồ Nga tập dượt từ sáng đến tối.

Nhóm chính thức ra mắt công chúng tại khu du lịch Bình Quới (tháng 9.2005) trong sự hồi hộp. Sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng đã đưa Mặt Trời Đỏ đến với Chung một tấm lòng (HTV9 - tháng 11.2005), Duyên dáng Việt Nam (Báo Thanh Niên, tháng 12.2005) và lần đầu tiên một video clip mang tên Ngẫu hứng của nhóm được phát trên VTV3 trong dịp Tết vừa qua. Đó là những thành công bước đầu trong nỗ lực phả làn hơi hiện đại vào những giai điệu cổ truyền của nhóm. Khát khao của họ là "trụ" được trong lòng khán giả mến mộ dù đang gặp nhiều khó khăn do không có đơn vị đỡ đầu nên mọi việc họ đều phải "tự thân vận động".

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.