Những ngày làm vua cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại - Kỳ 3: Chấp nhận thoái vị

05/09/2015 06:04 GMT+7

Khi những biến động chính trị trên thế giới và trong nước diễn ra, nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới.

Khi những biến động chính trị trên thế giới và trong nước diễn ra, nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới.

Những ngày làm vua cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại - Kỳ 3: Chấp nhận thoái vịVua Bảo Đại, hoàng gia và các đại thần chụp ảnh trước ngày 23.8.1945 - Ảnh: Tư Liệu
Nhóm nhảy dù của Castella bị bắt gọn
Niềm hy vọng vào người Nhật của vua Bảo Đại không lọt qua mắt người Pháp. Bộ trưởng Thuộc địa René Pleven cho biết: “Vấn đề gay cấn hiện nay là làm sao giúp những nhân vật như Bảo Đại có thể thoái lui mà không mất mặt hoàn toàn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục dùng ông ta”.
Một đơn vị biệt kích Pháp, mang mật danh Lambda, được máy bay Anh đưa từ Calcutta (Ấn Độ) đến nhảy dù xuống Hiền Sĩ, cách Huế 25 km. Cầm đầu là quan tư Castella, nguyên sĩ quan hầu cận của Bảo Đại. 6 người trong đội biệt kích được lệnh bằng mọi giá phải liên lạc được với nhà vua, yêu cầu ông đừng vội thoái vị để chờ người Pháp trở lại.
Ông Đặng Văn Việt, “Con hùm xám đường số 4”, một nhân chứng hồi đó năm nay 96 tuổi, kể lại: Đội biệt kích vừa tiếp đất ở Hiền Sĩ đã bị bắt làm tù binh, cùng với vũ khí, điện đài và đầy đủ tài liệu.
Ngày 22.8.1945, nhà vua được tin Việt Minh đã chiếm chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong nước. Ông nhanh chóng chấp nhận từ bỏ ngai vàng, trao ấn kiếm cho Việt Minh, cùng với nhân dân ra sức giữ gìn nền độc lập. Nhưng nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới. Báo Đông Phát xuất bản tại Hà Nội ngày 25.8.1945 cho đăng chiếu của Bảo Đại mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế lập nội các.
Nhà vua đâu biết rằng, trước đó tại Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc bí mật giữa Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại và cả Thủ tướng Trần Trọng Kim với đại biểu Việt Minh là GS Lê Ngọc, tức Lê Trọng Nghĩa (1922 - 2015), sau này là đại tá, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Quân báo. Việt Minh khước từ lời mời hợp tác và kiên quyết yêu cầu nội các phải từ chức, giao toàn bộ chính quyền cho Việt Minh.
Tối hậu thư của Việt Minh
Nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế, trong hồi ký Nhớ lại một thời (NXB Văn hóa Thông tin, 2002), cho biết: Ngày 23.8.1945, hàng chục vạn dân các phủ, huyện trong tỉnh Thừa Thiên và nội thành Huế nườm nượp kéo về sân vận động
Huế. Một tối hậu thư, được dán kín và gửi cho triều đình. Chính nhà vua đã tự tay mở thư đọc:
“Lực lượng cách mạng VN khắp cả nước và ở Thừa Thiên-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền lực gì ở VN và chính quyền Nam triều càng không thể tồn tại được nữa.
- Yêu cầu chính quyền Nam triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay.
- Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân tuyên bố bảo đảm tính mệnh, tài sản cho hoàng gia và toàn thể nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày trước cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại.
Hạn trả lời chậm nhất là 13 giờ 30 ngày 23.8.1945.
- Ông Phạm Khắc Hòe được Việt Minh chỉ định làm người liên lạc giữa nhà vua và chính quyền cách mạng.
Ký tên và đóng dấu
Việt Minh Nguyễn Tri Phương”.
Bên ngoài, đường phố chuyển động, tiếng reo hò xen lẫn tiếng hô khẩu hiệu. Trong Đại nội, tâm trạng mọi người hoảng loạn.
Thư trả lời chấp nhận thoái vị của nhà vua
Ông Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại) trong hồi ký sau này kể lại: Đúng 12 giờ 25 ngày 23.8, nội các lâm thời họp cấp tốc do vua Bảo Đại chủ tọa. Mọi người nhất trí chấp nhận tất cả các điều kiện của Việt Minh đưa ra. Thủ tướng Trần Trọng Kim nói giọng mát mẻ như muốn ám chỉ ông Hòe là người của Việt Minh: “Thôi, bây giờ thì mọi việc do tay ông Hòe quyết định cả”.
Tan họp, ông Phạm Khắc Hòe thảo ngay thư trả lời chấp nhận thoái vị của nhà vua và được lệnh chuyển ngay cho Việt Minh đang chủ trì cuộc mít tinh ở sân vận động Huế.
Ông Tố Hữu nhớ lại: Tối hôm đó, tin khởi nghĩa thành công tại Huế và vua Bảo Đại nhận thoái vị đã được điện báo cáo ngay cho Hà Nội. Sáng hôm sau, 24.8 lại một bức điện ngắn do UBND Bắc bộ gửi vào:
“Một Chính phủ nhân dân Cách mạng lâm thời đã thành lập, Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố nền độc lập và thống nhất nước nhà”.
Báo Cứu quốc số ra ngày 27.8.1945 cho biết, 15 giờ ngày 24.8.1945, vua Bảo Đại lệnh cho Ngự tiền văn phòng trả lời ngay cho UBND Bắc bộ:
“Khâm phụng hoàng đế, sắc văn phòng tôi trả lời bức điện 6-T của quý ủy ban rằng: Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng nhưng vì có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân, muốn Chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng. Ngài mong ông Chủ tịch Chính phủ gấp về Thuận Hóa để Ngài sẵn sàng giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy. Đồng thời hoàng đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho các nhà đương chức Nhật Bản và UBND cách mạng Thuận Hóa biết”.
Ngay chiều 25.8, ông Phạm Khắc Hòe được lệnh niêm yết tại Phu Văn Lâu: “Chiếu thoái vị và tuyên chiếu gửi hoàng tộc” của nhà vua, đồng thời sao gửi Khâm sai Bắc bộ, Khâm sai Nam bộ và các tỉnh trưởng tại Trung bộ.
Báo Đông Phát ngày 29.8.1945 thuật lại: Ngày 26.8, thêm một bức điện nữa từ Hà Nội gửi vào, lần này là của Ủy ban Dân tộc giải phóng:
“Hoan nghênh nhà vua đã thoái vị, nhường chính quyền cho Việt Minh là đại biểu của các tầng lớp dân chúng. Ngày 27.8 đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời lên đường đi Thuận Hóa”.
Chiều 29.8, vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời. Ngày 30, nhà vua thoái vị. Tuy nhiên, trước đó 10 ngày, những diễn biến còn nhiều phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.