Niels Lan Doky - nghệ sĩ tài danh mang dòng máu Việt

05/01/2006 22:36 GMT+7

Niels Lan Doky - nghệ sĩ nhạc jazz tài năng người Đan Mạch gốc Việt vừa trở về Việt Nam và sẽ chơi live nhạc jazz cho vở ballet hiện đại Cánh bướm của biên đạo múa đương đại nổi tiếng Birgitte Bauer-Nilsen, do chính Niels Lan Doky soạn nhạc trong 2 đêm 10 - 11/1 ở Hà Nội và 13/1 ở TP.HCM. Trao đổi với Thanh Niên, anh cho biết:

- Tôi chuyển về sống cùng bố mẹ ở Paris sau khi đã rong ruổi qua nhiều quốc gia. Tôi vừa thực hiện xong bộ phim Between a smile and a tear của mình và đang tiếp tục thực hiện một số album nhạc. Hiện tại, tôi đang rất bận rộn với dự án lớn: dàn dựng một chương trình giao hưởng. Trong kế hoạch, tôi sẽ đến Úc, Hàn Quốc để tiếp tục tìm kiếm cảm hứng cho âm nhạc và làm việc.

* Mang nửa dòng máu Việt nhưng anh lớn lên ở nước ngoài và không nói được tiếng Việt. Vậy điều gì trong con người và âm nhạc của anh thuộc về Việt Nam nhất?

- Tôi sinh ra, lớn lên ở Đan Mạch và hầu như chỉ biết đến Việt Nam qua các phim Trời và đất, Đông Dương mà thôi. Chỉ đến năm 1998 sang Pháp sống gần gia đình, họ hàng tôi mới cảm nhận được nhiều về Việt Nam bởi tính cộng đồng. Khi quen Quốc Trung và Thanh Lam, tôi có nhiều hơn sự đồng cảm với tâm hồn Việt Nam qua âm nhạc. Việt Nam đối với tôi thể hiện ở tính cách cha tôi: chăm chỉ, cần cù và vượt khó. Tính cách ấy có lẽ chỉ sinh ra ở một đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Còn âm nhạc, tôi phải thừa nhận rằng người nhạc sĩ sống ở đâu sẽ thể hiện tính địa phương trong âm nhạc. "Việt Nam tính" trong âm nhạc của tôi không thể phong phú bằng Quốc Trung mà nó mới chỉ định hình ở những nét chấm phá trong vài tác phẩm và album mà thôi. Tôi mới nghe Đường xa vạn dặm của Trung và có thể hình dung ra rất nhiều hình ảnh đất nước trong đó, hơn cả những xúc cảm khi xem phim. Đó là một CD thành công của một nhạc sĩ đương đại Việt Nam rất tài năng.

Sinh năm 1963 tại thủ đô Copenhagen - Đan Mạch, Niels Lan Doky có tên Việt là Đỗ Kỳ Lân. Mang trong người hai dòng máu Việt Nam - Đan Mạch, Lan Doky và người em Minh Doky (sinh năm 1969) đều được thừa hưởng chất nghệ sĩ từ người cha - một nghệ sĩ guitar cổ điển, tốt nghiệp đại học 2 ngành âm nhạc và y khoa. Năm 1979, Lan Doky đến Mỹ và làm quen với nhạc jazz tại Trường Berklee danh tiếng. Anh đã thực hiện trên 20 album nhạc, trong đó có Asian Session (1999) và Haitek Haiku (2001) là 2 album đậm chất Á Đông với sự tham gia của Quốc Trung, Thanh Lam và tác phẩm Một thoáng Tây Hồ nổi tiếng...

* Anh nhận xét gì về Thanh Lam và âm nhạc của cô ấy?

- Thanh Lam là một ca sĩ tài năng thực thụ. Ở Thanh Lam, tôi nhìn thấy một tình yêu lớn và sự đam mê với âm nhạc. Cô ấy đang rũ bỏ những hào nhoáng trong thế giới nhạc pop và đến gần hơn với âm nhạc truyền thống. Nhạc pop thường không sâu sắc lắm và nếu như Lam thành công với những hướng đi mới thì rất tốt.

* Anh từng thực hiện 2 album nhạc với những phong vị Á Đông. Vậy trong mỗi chuyến trở về Việt Nam, điều gì quan trọng hơn đối với anh: đưa âm nhạc của mình về Việt Nam hay tìm kiếm chất liệu Việt Nam cho âm nhạc của riêng mình?

- Tôi thấy cả hai điều đều quan trọng. Khi tôi thực hiện Asian Session tại Đan Mạch, tôi muốn đem nhiều chất liệu Việt Nam vào từ đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt. Còn bây giờ thì tôi lại đang cố gắng để hòa nhập và làm việc với cộng đồng Việt Nam. m nhạc của người Việt có cấu trúc rất khác so với châu u, từ giai điệu cho đến khúc thức, luyến láy... Trước đây, tôi đã phải làm hai công việc rất trái ngược nhau. Một là, viết ca khúc Biển cười cho Thanh Lam tức là đem nhạc của tôi về với Việt Nam. Hai là, chơi những giai điệu rất Việt Nam cùng Quốc Trung bản Một thoáng Tây Hồ. Hãy hình dung 2 yếu tố này cũng đi chéo vào nhau và chắc chắn sẽ có lúc gặp nhau, chỉ có thể biết được là yếu tố nào mãnh liệt hơn mà thôi.

* Và điều gì khiến anh ngày càng hứng thú với một nửa quê hương Việt Nam trong mình?

- Vẫn là âm nhạc. m nhạc truyền thống của chúng ta có quá nhiều điều mới lạ và minh triết. Quốc Trung, Thanh Lam hay là Tùng Dương, Lê Minh Sơn rất sáng suốt khi tiếp tục chọn con đường thênh thang này. Tôi đọc báo thấy nói Việt Nam có dân số trẻ. Những người trẻ sẽ tiếp quản con đường đương đại.

*  Xin cảm ơn và chúc đêm diễn của anh thành công!

Chu Minh Vũ - Phương Mai
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.