“Thôi, vậy là tốt rồi!”
Trong một dịp gần đây nhất, khi người viết mở một kênh truyền hình, theo dõi ngẫu nhiên tập phim Việt Nam đang phát sóng. Và trong suốt khoảng hơn một nửa thời lượng tập phim kéo dài 45 phút là những cuộc đối thoại dài dòng, vô thưởng vô phạt… Diễn viên thoại vô hồn, ánh sáng trong khuôn hình chỗ tối chỗ sáng không có bất kỳ trật tự nào, tình tiết thì vô lý đến mức khó tin.
Kinh phí sản xuất thấp, thời gian quay gấp rút, diễn viên ra phim trường mới cầm kịch bản (vì cũng có sẵn trợ lý nhắc thoại), bối cảnh giản dị đến mức đôi khi có gì quay nấy cho tiện… khiến cho rất nhiều bộ phim truyền hình lúc này khi ra hình hài thì nửa nạc nửa mỡ. Câu chuyện của phim truyền hình Việt cách đây hơn một thập niên đôi khi một tập phim phải mất 3 ngày rưỡi đến 4 ngày rưỡi quay. Còn hiện tại có khi chỉ 1 đến 1 ngày rưỡi là hoàn thành tập phim. Với công nghệ, con người và khả năng tổ chức một đoàn phim ở Việt Nam thật sự không thể mong chờ gì hơn cho một sản phẩm chất lượng tốt.
Chính vì thế, đôi khi có muốn trách đạo diễn cũng không trách được khi họ buộc phải thốt lên câu cửa miệng: “Thôi, vậy là tốt rồi!” sau từng cảnh quay, mặc dù biết chắc rằng nếu được làm lại thì có khi sẽ có một cảnh phim tốt hơn. Tiền không đủ, thời gian không cho phép và chính diễn viên cũng không hết mình thì… chỉ còn cách chặc lưỡi cho qua.
Những điểm sáng hiếm hoi trong vài năm qua đến từ các bộ phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất như Quỳnh búp bê, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng… hoặc gần đây là trường hợp của Gạo nếp gạo tẻ đều không thể cứu vãn được sự xuống cấp của bức tranh chung.
Riêng trường hợp của bộ phim Gạo nếp gạo tẻ khi có 2/3 đầu rất thành công nhưng 1/3 cuối với áp lực kéo dài phim cộng thêm doanh thu khổng lồ từ quảng cáo đã khiến bộ phim trở thành “đầu voi đuôi chuột”. Bài học xương máu này của nhà sản xuất thâm niên như DID TV của Gạo nếp gạo tẻ còn mắc phải thì khó có thể trách những nhà sản xuất khác khi đang đối mặt hằng ngày với chuyện cơm áo gạo tiền.
Khán giả xem truyền hình đang sụt giảm số lượng theo từng năm. Phim truyền hình thì sống nhờ quảng cáo. Khán giả ít thì quảng cáo ít dẫn đến doanh thu giảm. Mọi thứ đầu tư cho bộ phim càng bị cắt xén nhiều hơn. Vòng luẩn quẩn này càng lúc càng nhấn chìm mọi thứ xuống đáy sâu.
|
Làm cách nào để mau nổi tiếng…
Thực tế bài toán diễn viên ngày hôm nay là bài toán rất khó, đặc biệt là với thế hệ trẻ, khi họ có quá nhiều chọn lựa để kiếm tiền và nổi tiếng nhanh thay vì mất sức quá nhiều vào phim truyền hình.
Web Drama cho các diễn viên một sản phẩm chỉn chu hơn, khả năng viral để nổi tiếng tốt hơn, các nhãn hàng dễ book quảng cáo hơn… và quan trọng nhất là câu chuyện không bị kiểm duyệt nên có thể thoải mái làm về bất cứ đề tài nào miễn là thu hút được khán giả xem.
Sự nổi tiếng trên mạng thật sự đang là một hấp lực ghê gớm. Chẳng thế mà rất nhiều diễn viên trẻ ngày hôm nay có thể sống khỏe bằng việc post PR, livestream bán hàng thông qua các kênh Facebbok hay Fanpage cá nhân mà có khi cả năm không cần phải tham gia bất kỳ một phim truyền hình nào.
Phần còn lại với những diễn viên truyền hình thế hệ cũ, chấp nhận đóng phim như một công việc đi làm hằng ngày, miễn là ổn định và không mong ước gì lớn lao hơn thế.
Trở lại với trường hợp của các bộ phim như Quỳnh búp bê, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử… Sự quyết liệt làm nên chất lượng bộ phim không chỉ đến từ ê-kíp sản xuất mà còn đến từ ý thức của các diễn viên. Không đòi mức cát-sê cao, thậm chí chấp nhận cát-sê ở mức thấp nhất có thể. Chịu khó đầu tư cho vai diễn nghiêm túc từ việc thuộc thoại cho đến ngoại hình và cách nhập tâm vào nhân vật… Và chỉ cần bộ phim thắng thì lúc đó nhiều diễn viên đủ khả năng đổi đời từ việc đi event, làm gương mặt đại diện nhãn hàng, các hình thức quảng cáo trên trang mạng xã hội… Thực tế đã chứng minh rất nhiều diễn viên phía Bắc chỉ sau một bộ phim truyền hình đã bước ra ánh sáng một cách đĩnh đạc. Nhưng khả năng của VFC mỗi năm có thể làm được bao nhiêu bộ phim tốt như thế chắc ai cũng hiểu là không thể quá 5 đầu ngón tay.
Sự nghiệt ngã của thị trường làm phim truyền hình Việt Nam rõ ràng càng lúc đang càng khủng khiếp. Càng nhiều phim dở thì khán giả sẽ càng quay lưng. Cuộc sống thời công nghệ cũng đã đẩy truyền hình đến tình huống: những người trẻ ngày hôm nay đôi khi không còn cần một chiếc tivi ở trong ngôi nhà hay căn phòng riêng của họ. Với họ chỉ cần một chiếc smartphone hay một cái ipad hoặc laptop là đủ để tận hưởng thế giới giải trí. Và lúc đó phim truyền hình có thể sẽ không còn tồn tại trong ký ức của họ khi mà Web Drama hay những kênh phim trực tuyến như Netflix là đủ cho tất cả.
Đối tượng khán giả chính của phim truyền hình truyền thống như hôm nay ai cũng biết là các bà, các mẹ và những người nội trợ trong gia đình. Nhưng 3-5 năm sắp tới, không chắc mọi thứ sẽ còn giữ nguyên vẹn như vậy khi sự chuyển dịch của các thế hệ người xem xảy ra nhanh và mạnh mẽ hơn.
Phim truyền hình Việt Nam rồi sẽ đi về đâu, không chỉ là câu hỏi mới đặt ra ngày hôm nay. Nhưng đáp án của câu trả lời này có lẽ ai cũng có thể dễ dàng tìm ra chỉ là có chịu thừa nhận nó hay không mà thôi!
Bình luận (0)