Nơi dấy nghĩa Cần Vương

17/07/2010 18:49 GMT+7

Đúng 125 năm trước, hai đại thần triều Nguyễn Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phò vị vua trẻ yêu nước Hàm Nghi ra vùng Tân Sở lập “kinh đô kháng Pháp” và ban chiếu Cần Vương (1885 - 2010).

Vùng Tân Sở nay thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tối 13.7, tại khu di tích Tân Sở, UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Cam Lộ, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị đã khai mạc lễ hội Cần Vương năm 2010 và tổ chức chương trình nghệ thuật Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương, do hơn 700 diễn viên, vận động viên và diễn viên quần chúng thể hiện. Nằm trong chương trình lễ hội còn có hội trại “Tri ân nghĩa sĩ Cần Vương” và các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống với sự tham gia của đông đảo nhân dân. Người dân, các nhà khoa học, chính quyền sở tại đang cố tìm những bước đi cần thiết để dựng lại “chỗ đứng” xứng đáng cho Tân Sở thành...

Gạch gồ lót sân, đạn súng thần công lẫn trong phế liệu

Trở lại Tân Sở trước thềm lễ hội Cần Vương 2010 - lần đầu tiên được diễn ra với quy mô hết sức trang trọng -  thật khó để nhận ra đâu là thành Tân Sở, bởi giờ đây dưới chân chúng tôi chỉ là một khoảng đất trống và phóng tầm mắt ra xa cũng chỉ thấy những vườn cao su xanh ngút ngàn. Có chăng chỉ còn nghe người dân truyền tai nhau về những “cổ vật” của một thời lịch sử giờ vẫn còn được lưu giữ ở trong các gia đình hoặc lay lắt trong nhân gian.

Tích xưa kể lại rằng, vào thời điểm vua Hàm Nghi đến thành Tân Sở, có một ông già tên Vạn (ở xóm Cây Đa, thôn Mai Lộc, xã Cam Chính) vốn là một danh nho nên có được phúc phận dâng cơm lên cho vua. Bộ mâm gỗ, đĩa, bình rượu... sử dụng khi ấy đã được ông Vạn cất giữ lại và truyền cho con cháu đời sau. Ông Nguyễn Văn Phụng (74 tuổi, cháu ruột của ông Vạn) tỉ mẩn lấy từ trong tủ những đồ vật cũ kỹ (gồm 1 cái mâm bằng gỗ, 9 cái đĩa có khắc chữ Vạn bằng tiếng Hán, 1 bình rượu hồ lô đã bị bể phần miệng) và nói: “Cha tui kể lại rằng, những đồ vật này ngày xưa ông nội tui dùng để dâng lên nhà vua những sản vật của địa phương. Những đồ vật này đã được mấy thế hệ gia đình tui lưu giữ rất đàng hoàng...”.

Chúng tôi cũng đã thấy được gạch gồ - một loại gạch rất đặc biệt mà ngày xưa quan quân nhà Nguyễn đã phải vận chuyển bằng voi, ngựa từ Huế ra Tân Sở để xây thành. Chúng hiện đang nằm trong nhà ông Trần Văn Hòa (thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính) và làm… gạch lót sân.

Buồn nhất là cái cách mà chúng tôi tìm được những viên đạn súng thần công, tại một địa điểm thu mua phế liệu. Ngỏ ý muốn xem, chị Hoàng Thị Bích Gái (thôn Mai Lộc 2, chủ quán) lấy ra một cái bao nằm lẫn trong đống sắt gỉ rồi xổ ra chừng mấy chục “viên bi” tròn tròn. “Người ta nói đây là đạn súng thần công thì tui nghe rứa chơ tui biết cái chi mô. Đồ ni tui thu mua hoài, có hôm mấy tay rà phế liệu vùng này còn mang xuống bán mấy quả to lắm, có khi phải nặng 1,5 kg/quả...” - chị Gái thật thà nói. Và cái giá để chị Gái có được những quả đạn pháo triều Nguyễn này không hơn việc mua phế liệu là mấy - 15.000 đồng/kg.

Tìm hướng bảo tồn cho Tân Sở

Sự thật đáng buồn về một khu cổ thành ở vùng đất từng được chọn là “kinh đô” đã lôi kéo sự quan tâm của dư luận. Và ngày 13.7, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Căn cứ Tân Sở với phong trào Cần Vương”. Tại đây các nhà khoa học, chính quyền địa phương một lần nữa nhắc lại vai trò vị trí quan trọng của Tân Sở trong một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt đồng thời cũng đưa ra bàn thảo tìm hướng đi cho công tác bảo tồn di tích cấp quốc gia Tân Sở.

 
Đạn súng thần công triều Nguyễn tìm thấy trong điểm bán phế liệu

 
Ông Nguyễn Văn Phụng (74 tuổi, thôn Mai Lộc, xã Cam Chính) với những kỷ vật liên quan tới vua Hàm Nghi

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Tân Sở, PGS-TS Đỗ Bang cho rằng: “Cần phải có những cuộc khai quật khảo cổ học di tích Tân Sở, qua đó tìm dấu vết của các vòng thành, cửa thành cùng các kiến trúc và di vật liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ di tích thành Tân Sở, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt...”.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tâm huyết: “Tôi sẽ tặng nhiều tư liệu quý thu thập được ở Việt Nam và Pháp cho huyện Cam Lộ để từ đó những đơn vị có thẩm quyền tham khảo và sớm lập dự án xây dựng lại ở vùng Tân Sở một ngôi miếu thờ hay một bảo tàng Cần Vương”.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Bình - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Rõ ràng mọi dấu tích của thành Tân Sở đến hôm nay chẳng còn lại gì, ngoài những vườn cây cao su và những bãi đất trống đang chờ giải pháp quy hoạch tôn tạo”. Và ông cũng đã nêu ý kiến gợi mở của mình để lấp “bãi đất trống” này: “Dù diện tích nguyên trạng của thành Tân Sở là 22,9 ha, nhưng với điều kiện ngày nay thì chỉ nên giữ lại khoảng đất hợp lý (khoảng 2 ha) để phục vụ việc tôn tạo đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện định kỳ. Nếu có điều kiện sẽ phục dựng lại một số yếu tố chính của di tích như thành đất, lũy tre, cổng thành và đặc biệt cần thiết là nên xây dựng một công trình bảo tàng Cần Vương...”.

Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Công Phán - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ nói: “Chúng tôi đã và sẽ lắng nghe những ý tưởng quy hoạch, những nội dung giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích Tân Sở để có cách nhìn đúng đắn và có căn cứ để xin ý kiến UBND tỉnh các bộ ngành trung ương đầu tư, phục dựng khu di tích này ”. 

Theo nghiên cứu của PGS-TS Đỗ Bang - Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - đã công bố thì thành Tân Sở (hay còn gọi là Sơn phòng Tân Sở) được gấp rút xây dựng trước buổi binh biến 23.5.1855 ở kinh thành Huế với cấu trúc hình chữ nhật (dài 548m, rộng 418m, với tổng diện tích 22,9 ha), chia làm hai phần nội, ngoại thành. Tại đây, ngày 13.7.1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban bố Chiếu Cần Vương, Tân Sở trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến của phong trào... Tuy nhiên, sau khi giặc Pháp chiếm được thành Tân Sở, chúng đã nhuộm đỏ vùng đất bazan trù phú này với những ngọn lửa hung tàn và máu. Cùng với hậu quả của cuộc chiến tranh tiếp sau và sự tàn phá của thiên nhiên, Tân Sở nay dường như chỉ còn trong sử sách, trong ký ức.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.