NSND - Đạo diễn Khải Hưng: Giá như còn ở tuổi 40

28/02/2009 15:02 GMT+7

Là người tiên phong làm phim truyền hình tại Việt Nam, những tưởng duyên nợ của đạo diễn Khải Hưng với truyền hình sẽ hết sau khi giã từ chức Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC), thế nhưng ông vừa tiết lộ kế hoạch mới với Thanh Niên.

“Muốn làm con mèo bé bắt chuột nhắt”

* Từ sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của ông không hề nhàn bớt. Phải chăng ông luôn là người tham công tiếc việc tới cuối đời?

- Ai cũng có thú vui riêng, người thích đánh cờ, người thích câu cá, người thích uống rượu..., còn tôi thích làm phim. Mà đã là cái thích, cái thú thì không bỏ được trừ khi “lực bất tòng tâm”. Tôi quan niệm về hưu là một chuyện, còn thích thì cứ thích. Tôi rất ham vui, vì vậy hết cửa này, tôi tìm lấy cửa khác để tìm nguồn vui cho chính mình.

* Bởi thế ông thành lập Công ty “Khải Hưng” để thỏa sức vui?

- Việc thành lập công ty là “a-dua” thôi! Ở nước ta, loại công ty như công ty tôi có tới trên một ngàn..., con số thì nhiều đấy nhưng nguy cơ phá sản luôn rình rập. Bước từ giám đốc “bao cấp” sang giám đốc “thị trường” là một bước tiến chật vật. Cả tháng qua, tôi phải lo chạy đôn đáo: nơi làm việc, giấy phép các loại, thuế má... và lúc nào cũng phải nhớ tới “mã số thuế” và “hóa đơn đỏ”! Mệt thật nhưng mới, mà cái gì mới là vui rồi! Tôi không có dự định gồng mình để biến thành con cá mập (mà có muốn cũng chẳng thành được), vậy hãy là con mèo bé bắt con chuột nhắt xinh xinh. Tôi sẽ làm nhà sản xuất, mỗi năm làm vài chục tập phim, đủ với sức “gồng gánh” của mình và sẽ xin phục hồi Gặp nhau cuối tuần...

* Hiện nay các công ty tư nhân Việt Nam làm phim truyền hình mọc ra ngày càng nhiều nhưng chất lượng chưa được như mong muốn. Vậy theo ông, để phim truyền hình Việt Nam thực sự đạt được chất lượng “vàng”, cần những yếu tố gì?

- Khi ngồi ở vị trí phán xét công việc của người khác, tôi luôn buồn phiền vì “chất lượng”. Nhưng khi ở vị trí của người làm ra “chất lượng”, tôi mới thấy muôn vàn khó khăn. Cái va vấp đầu tiên là sự hòa hợp, phải chọn được kịch bản mà mình thích (để không đánh mất mình), kịch bản này phải phù hợp với tiêu chí của nhà đài (để được phát sóng) và rất quan trọng là phải vừa lòng với nhà tài trợ (để có tiền sản xuất). Khi có một lựa chọn kịch bản, tôi phải ngồi vào cả ba vị trí để tìm ra giải pháp. Nhưng khi đã “ba trong một” thì ắt sẽ mất cái tôi, tức là sẽ chẳng còn gì để nói. Bi kịch là ở chỗ đó, nhưng có thể chỉ đúng với ý nghĩ cực đoan của cá nhân tôi. Còn đối với công ty của tôi, tôi vẫn phải chọn giải pháp an toàn để không phá sản!

 
Đạo diễn Khải Hưng (bìa phải) đang chỉ đạo một chương trình truyền hình 
* Là một người từng dành gần cả cuộc đời để gây dựng và phát triển phim truyền hình Việt Nam, theo ông xu hướng sắp tới của phim truyền hình nước ta sẽ ra sao?

- Chúng ta đã hội nhập và đang phát triển. Con đường của phim truyền hình đã hình thành và đang rõ nét. Trong tương lai gần, đài truyền hình sẽ không làm công việc sản xuất phim nữa, mà trở thành nơi đặt hàng. Nơi sản xuất sẽ là các hãng phim tư nhân. Đài sẽ có nhiều lựa chọn cho hợp với tiêu chí của mình. Còn các hãng phim sẽ cạnh tranh, thuận mua vừa bán. Chỉ có cạnh tranh, chất lượng phim mới trở thành “vàng” được. Nếu đặt mình ở vị trí vĩ mô, tôi hoàn toàn lo lắng tới con người làm phim. Với tình trạng đào tạo như hiện nay, chúng ta không thể không nghĩ tới đường dài.

* Chia tay VFC sau 20 năm lăn lộn, để lại một cơ ngơi đồ sộ cùng một đội ngũ làm phim truyền hình chuyên nghiệp, ông còn gì để tiếc nuối?

- Tiếc ư? Tiếc nhiều lắm! Tiếc rằng đầu mình quá ngắn để vạch ra chiến lược dài hơi cho việc sản xuất phim truyền hình. Bọn trẻ bây giờ so với thời mình thì quá sướng, nhưng chưa đủ... Giá như mình còn ở tuổi 40!

* Có bao giờ ông ân hận đã dành thời gian quá nhiều cho truyền hình nên bỏ lỡ cơ hội thỏa sức với điện ảnh, mà hiện nay ông đang giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam?

- Tôi học điện ảnh và làm việc cho truyền hình. Như vậy về mặt nghề nghiệp, điện ảnh là “mẹ đẻ” và truyền hình là “mẹ nuôi”. Đối với người đẻ ra mình và người nuôi sống mình, tôi thấy đều phải có nghĩa vụ phụng dưỡng. Tôi đã có 15 năm trong Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam với nhiệm vụ gắn kết giữa điện ảnh và truyền hình. Mong muốn của tôi là Nhà nước thành lập một ủy ban  truyền hình & điện ảnh, và chỉ có thế - trong giai đoạn khó khăn của đất nước như thế này - mới làm cho cả điện ảnh và truyền hình phát triển được. Còn làm phim điện ảnh ư? Ai học xong trường điện ảnh mà lại không có ước vọng làm phim nhựa? Tôi cũng vậy, nhưng tôi hiểu sức của mình gánh được bao nhiêu cân, thì tôi chỉ gánh ngần ấy thôi, gánh nặng quá gãy lưng đấy! Thế mới biết mình già rồi...

* Hiện tại ông còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không? Ông nhận xét gì về đội ngũ kế thừa tương lai này cũng như việc đào tạo điện ảnh và truyền hình ở nước ta?

- 15 năm qua, tôi vẫn đều đặn hướng dẫn các lớp của trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tôi muốn truyền lại cho các sinh viên những kinh nghiệm tôi có trong nhiều năm làm đạo diễn. Các thế hệ sinh viên sau này ngày càng nhanh nhạy hơn. Họ nói được cái tôi của họ, được xem nhiều phim hơn nhưng họ... ít đọc sách quá! Và đặc biệt họ lạnh lùng với cái yêu, cái ghét trong cuộc sống. Làm phim mà vô cảm như thế thì chưa ổn. Trường thì khang trang hơn, nhưng điều kiện để sinh viên thực tập thì còn nhiều khó khăn. Có cảm giác học trường này toàn con nhà khá giả, bởi lẽ mỗi lần làm bài tập, mỗi sinh viên phải tốn vài chục triệu đồng.

NSND - đạo diễn Nguyễn Khải Hưng từng đạo diễn các phim truyền hình: Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông, Không còn gì để nói (3 phim này được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007), Người tình của cha, Mặt trời bé con của tôi, Ngàn năm mây trắng... Ông cũng là người sáng lập các chương trình: Văn nghệ chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần, Gala cười...

* Khải Anh – con trai ông cũng là một đạo diễn phim truyền hình trẻ tại VFC. Việc con trai nối nghiệp là mong muốn của ông hay sở thích của Khải Anh. Ông nhận xét gì về tay nghề của con?

- Đã 30 năm nay, tôi vẫn còn ám ảnh một câu nói đùa ác ý của ai đó: “Mày học dốt như thế này, về sau chỉ làm được đạo diễn truyền hình thôi!”. Tôi giáo dục con cái theo hai trạng thái đối lập. Một là gia trưởng, độc đoán. Hai là tôn trọng ý thích cá nhân. Khi con cái tự thích một điều gì đó thì xin mời tự làm và tự hưởng. Còn đã hỏi ý tôi, xin viện trợ từ tôi thì nhất nhất phải theo ý của tôi. Từ bé, Khải Anh đã được nghe nhiều phim kể bằng mồm của các bạn bố (thời trẻ chúng tôi ít được làm phim lắm, có chuyện gì hay là tụ lại, tưởng tượng ra bộ phim của mình). Cũng có thể từ đó, khi tốt nghiệp cấp 3, Khải Anh dè dặt hỏi ý tôi xin thi vào khoa Đạo diễn điện ảnh của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi đã trả lời theo kiểu của tôi: Tùy! Nó đã thi đỗ và tôi đã cắt trợ cấp ngay sau năm học thứ nhất và cho đến hôm nay... Khải Anh đã trưởng thành cùng với thế hệ của nó.

Người mát-xa giỏi cũng quý như đạo diễn giỏi

* Từng rất mê mát-xa và ông cho rằng việc mát-xa lành mạnh rất tốt cho sức khỏe và đặc biệt cần thiết cho giới trí thức. Hình như ngoài thú mát-xa, ông cũng không có sở thích nào khác?

- Đúng, dù bận đến đâu tôi cũng dành 1 giờ/tuần để đi tẩm quất hoặc mát-xa. Tôi cảm ơn các nhân viên mát-xa, vì mỗi lần được chăm sóc sức khỏe như vậy, tôi lại đầy hứng thú làm việc... Cũng phải nói về việc đầy nhạy cảm này: một số người không hiểu rõ về mát-xa nên vẫn coi đây là nơi tìm kiếm thú vui khác. Riêng tôi quan niệm rằng: mát-xa là một nghề, người giỏi nghề cũng cao quý như đạo diễn giỏi nghề vậy.

* Luôn ăn nói bốp chát, quá thẳng thắn, thậm chí còn bị coi là quá “anh chị” nên từng gặp không ít người không ưa, từng bị vu oan, bị rải thư nặc danh… Ông thấy sau khi về hưu mình còn nhiều người ghét như khi đang còn đương chức không?

- Khi bắt đầu nghỉ hưu, tôi có cảm giác mọi người đều quý tôi hơn, có nhiều việc cảm động hơn là tôi tưởng. Thế có gọi là hạnh phúc không nhỉ?

* Trong cuộc sống, ông là một con người của công việc, không phải là một người đàn ông lãng mạn và dành nhiều thời gian cho phái nữ nhưng vẫn được rất nhiều phụ nữ say mê. Tại sao vậy? Ông cho rằng họ mê ông vì điều gì?

- Cái này thì phải hỏi các bà, các cô chứ? 

Nguyễn Lệ Chi
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.