NSND Như Quỳnh: Giá được trẻ lại 30 tuổi...

20/02/2008 23:19 GMT+7

NSND Như Quỳnh vừa đoạt Giải thưởng Đặc biệt của kênh truyền hình SBS - Hàn Quốc với vai bà mẹ trong phim Cô dâu vàng và được khán giả của kênh này bầu chọn là diễn viên được yêu thích nhất năm 2007.

* Là sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim truyện I và kênh SBS, Cô dâu vàng kể chuyện cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc với nội dung không mấy đặc sắc. Chính chị cũng nhận xét đây chưa phải là sản phẩm hoàn hảo, chất lượng cũng vừa phải, nhưng chị lại nhận được giải từ giải thưởng thường niên của SBS cho vai diễn trong phim. Chị nghĩ sao về giải thưởng này?

- Phim truyền hình là "một cái gì đó" không thể so sánh được với phim điện ảnh. Nhưng về lượng người xem thì phim truyền hình lại áp đảo điện ảnh. Ở Hàn Quốc hỏi đạo diễn Kim Ki Duk, chưa chắc người ta đã biết, nhưng hỏi phim truyền hình thì nhiều người lại nhớ. Hàn Quốc có hai kênh truyền hình lớn là KBS và SBS. Họ muốn khuếch trương thương hiệu nên tự đứng ra tổ chức các liên hoan, các lễ trao giải thưởng để ghi nhận công lao của các diễn viên nhằm góp phần quảng bá cho phim. Về phim Cô dâu vàng,

"Từ trẻ đến giờ, mỗi khi đứng trong một đám đông, tôi vẫn bị mọi người che lấp. Chẳng phải mình cố tình tạo ra như thế, mà đấy là bản tính trời sinh"

NSND Như Quỳnh

đây là một phim dài. Một câu chuyện khi đã dài thì khó có thể mang tính sâu sắc, triết lý cao mà phải bình dân, dễ hiểu, dễ cảm. Nhưng với diễn viên, dù câu chuyện thế nào, cũng phải làm việc nghiêm túc, chu đáo, không thể vì tính nghệ thuật không cao của phim truyền hình mà được phép thể hiện hời hợt. Ban giám khảo nhận thấy nhân vật bà mẹ trong phim Cô dâu vàng do tôi thể hiện "có cái gì đấy" đi vào lòng người xem nên họ trao giải.

* Giải thưởng đặc biệt của kênh SBS có vị trí ra sao ở Hàn Quốc?

- Ở Hàn Quốc, những giải thưởng của SBS khá quan trọng đối với sự nghiệp của một diễn viên, vì nó khiến diễn viên được chú ý nhiều hơn, và có thêm những cơ hội lớn. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Các giải thưởng không thực sự có vị trí quan trọng với người trong cuộc. Những cuộc trao giải ở mình có vẻ như rất quan trọng, nhưng trên thực tế lại không ghi được dấu ấn gì. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, các giải thưởng đều có vị trí nhất định, đều được tôn trọng, nhất là các giải thưởng của phim truyền hình, vì có tới 80% khán giả nước này xem truyền hình chứ không như ở Việt Nam.

* Vậy sao chị lại im hơi lặng tiếng khi về nước và không thông báo cho ai biết về giải thưởng của mình, trong khi một số đạo diễn, diễn viên Việt Nam, chỉ mới nhận được đề cử thôi mà đã làm rùm beng lên, thậm chí tự ngộ nhận về những giải thưởng không có thực?

- Là vì lúc kênh SBS thông báo tôi được giải thưởng (cuối tháng 12.2007), tôi chưa hiểu giải thưởng đó là gì, bản chất của nó ra sao, có vị trí thế nào trong nền công nghiệp điện ảnh - truyền hình Hàn Quốc nên tôi chưa muốn tuyên bố gì. Sau đó, đến lúc lên nhận giải rồi về nước, lại nghĩ mình đến tuổi này rồi, cũng chẳng cần phải "trình làng" thêm nữa. Mình thế nào thì đã là như thế rồi. Với các bạn trẻ, các giải thưởng có thể là một nấc thang để tiến xa. Nhưng ở tuổi tôi thì không quá cần thiết. Không phải mình không tôn trọng giải thưởng. Nhưng mình đứng ở đâu, ai cũng biết rồi. Các đoàn làm phim mời tôi tham gia vì họ tin tưởng vào nghề nghiệp, chứ không vì những giải thưởng.

* Cách làm phim truyền hình của Hàn Quốc khác Việt Nam như thế nào, thưa chị?

- Đạo diễn không bao giờ đưa ra bất kỳ chỉ đạo nào về cách diễn đối với những diễn viên đã có kinh nghiệm, để họ tự điều chỉnh, thoải mái trong cách thể hiện. Nhưng đối với diễn viên trẻ, đạo diễn đòi hỏi rất gắt gao. Cách làm phim truyền hình của Hàn Quốc dĩ nhiên là khác Việt Nam. Ngoài những bối cảnh, trường đoạn quay ngoài trời, họ dựng sẵn những bối cảnh khác nhau trong trường quay và sử dụng đồng thời 4 máy quay để quay ở những góc độ đẹp nhất của diễn viên. Với mỗi diễn viên, họ chỉ quay 1-2 lần, không quay đi quay lại nhiều lần mới được một cảnh như ở Việt Nam. Vì vậy, tốc độ làm phim rất nhanh. Phim chưa làm xong, họ đã phát. Vừa làm phim, vừa phát sóng, sản xuất như một dây chuyền công nghiệp, đấy là tính chuyên nghiệp của truyền hình Hàn Quốc.

* Chị có nuối tiếc không khi Như Quỳnh nhan sắc nức tiếng một thời giờ toàn phải đóng vai bà mẹ già?

- Các đạo diễn Việt Nam có rất ít đầu phim. Vì thế, để kéo khán giả đến rạp, họ phải dành vai chính cho những nữ diễn viên trẻ đẹp. Mà tôi thì còn trẻ nữa đâu! Với điện ảnh nước ngoài, họ không quan trọng diễn viên trẻ hay già, mà quan trọng là diễn viên đó diễn tả một câu chuyện như thế nào. Vì thế, sự đầu tư về nhân vật của họ rất đồng đều. Dù chỉ tham gia một chút xíu vào các vai phụ nhưng mình cũng phải bỏ rất nhiều thời gian để suy ngẫm cách thể hiện. Còn ở Việt Nam, các vai bà mẹ thường không có nhiều đất diễn. Vì thế, tôi cũng không có nhiều cơ hội. Còn tiếc nuối ư? Đến tuổi này thì phải chấp nhận thôi. Nhưng thú thật, đọc được một kịch bản nào có nhiều diễn viên trẻ đẹp, tôi cũng tiếc. Tiếc vì khi mình đã có kinh nghiệm thì không được thể hiện vai chính nữa. Tiếc vì nếu mình còn xuân sắc cộng thêm kinh nghiệm bây giờ, mình sẽ tìm được những cách diễn hay hơn. Nhưng làm sao tranh giành được với tuổi trẻ.

* Bây giờ, có dự án nào đang mời mọc chị?

- Cũng có 1-2 dự án nhưng chưa chắc chắn. Tôi đã đọc kịch bản của anh Lưu Huỳnh về Hà Nội thời bao cấp. Vai nữ chính là một cô gái trẻ bị mù. Nhưng giời ơi (cười), tôi mà trẻ lại 30 năm nữa thì may ra mới đóng được.

* Nhưng đến giờ, khi nhắc tên chị, nhiều người vẫn ghép với cụm từ "người đẹp Hà thành"?

- Cũng chẳng biết tại sao nữa (cười). Có lẽ vì bây giờ quá ít cô gái Hà Nội còn giữ được nếp nhu mì. Bởi thế người ta nuối tiếc nên mới ghép cho tôi biệt danh đó. Cũng có thể vì Hà Nội bây giờ xô bồ quá, các cô gái cũng hiện đại hơn xưa trong cách sống, cách nghĩ. Mà tôi thì từ xưa đến nay vẫn vậy, không thích ồn ào, nói năng cũng không được mạnh mẽ lắm.

* Xin cám ơn chị.

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.