Tỏa sáng ngay vai diễn đầu tiên
41 năm trôi qua kể từ khi trung úy Phương xuất hiện trên màn ảnh nhưng ấn tượng về vai diễn vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Tốt nghiệp loại ưu khóa I Trường Sân khấu - Điện ảnh VN, ông về Nhà hát kịch VN vào năm 1964. Đến năm 1965, ông được chọn vào vai trung úy Phương trong phim Nổi gió. Ông nhớ lại: "Phải cảm ơn ông Đào Hồng Cẩm bởi vì vở kịch của ông ấy đã chạm đúng vào vấn đề đương thời. Đất nước chia đôi, nhiều gia đình có hai con thuộc hai chiến tuyến... Chính thế mà vở kịch Nổi gió thực sự làm mưa làm gió trên sân khấu". Sau đó, ông chuyển lời cảm ơn sang nghệ sĩ Huy Thành bởi người đạo diễn này đã "mặc" cho Nổi gió chiếc áo điện ảnh. Ông kể: "Khi ấy, cả năm chỉ có 1, 2 bộ phim nên việc chọn diễn viên đóng vai chính hết sức quan trọng. Lúc bấy giờ, Nổi gió quay được hơn 400m phim rồi nhưng xem lại thấy vẫn chưa ưng ý nên đoàn phim lại ngừng để tuyển diễn viên. Cuối cùng, tôi may mắn được chọn".
Được chọn rồi vì quá mê vai này mà ông bỏ đi đóng phim, không diễn kịch, suýt chút nữa phải làm kiểm điểm... Nhưng may mắn cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy. "Có một điều không biết nên vui hay buồn là khi phim chiếu ra mắt, tôi không ở Hà Nội. Đi công tác xong, về lại thủ đô, dọc đường khán giả ùa theo mới giật mình. Một trong những niềm vinh dự với cả đoàn làm phim là Nổi gió được chiếu cho Cụ Hồ xem và cụ tỏ ra rất thích", ông nói. Bước chạm ngõ điện ảnh đã trở thành bước tiến khổng lồ, in dấu sâu đậm trong sự nghiệp điện ảnh của Thế Anh. Và, ông gọi đó là "mối tình đầu của tôi".
Đến cột mốc Mối tình đầu
NSND Thế Anh |
Vất vả là vậy nhưng Mối tình đầu cũng gặp ít nhiều trục trặc lúc ban đầu. Tuy nhiên, khi công chiếu ở Hà Nội, bộ phim đã gây một cơn sốt khủng khiếp, thậm chí, có khán giả đã bị đè chết khi cố chen vào xem phim. NSND Thế Anh nhớ lại: "Có khán giả bị mất dây chuyền, đồng hồ khi chen vào xem. Lúc ấy, phim chiếu ở một bãi đất rộng chứ có được rạp đàng hoàng như bây giờ đâu". Ông tỏ ra khiêm tốn khi lý giải sức hút của Mối tình đầu: "Bà con miền Bắc chưa biết miền Nam thế nào, họ muốn được xem không khí và con người miền Nam".
Còn lại nhiều trăn trở
Một chút băn khoăn trên nét mặt khi tôi hỏi ông về tình hình phim hiện nay. Ông thở dài: "Sáng tạo phải là yếu tố đặt lên hàng đầu. Sự đầu tư cho vai diễn của mỗi diễn viên là cực kỳ quan trọng. Xin đừng nghĩ rằng đến trường quay, nghe người nhắc kịch bản nhắc một câu "khóc đi" thì có nước mắt rơi ra là diễn viên có tài diễn xuất hoặc tự phụ rằng chẳng cần học thoại mà... vẫn diễn được là giỏi. Cần phải đào tạo từ gốc rễ, từ đạo diễn đến diễn viên, mọi thành phần của đoàn làm phim thì mới có thể có được những bộ phim để lại cho đời sau".
Sắp sang tuổi cổ lai hy gần đến nhưng ông vẫn miệt mài tự học: học điện ảnh qua các bộ phim mới của nước ngoài, học Anh văn để "chuẩn bị cho một vai diễn nào đó, biết đâu chừng". Chia tay ông, tôi chợt hiểu vì sao, đã có trung úy Phương, Ba Duy để lại dấu ấn sâu sắc. Chỉ vì một lẽ đơn giản: Khi người diễn viên còn khát khao cầu tiến, mỗi vai diễn là một thử thách mà họ phải vượt qua chính mình thì khi ấy sẽ có một vai diễn để đời.
V.N
Bình luận (0)