NSƯT Tuấn Hải: Ông bầu khóc bên cánh gà

21/04/2007 14:32 GMT+7

Trong làng kịch phía Bắc, NSƯT Tuấn Hải là một trường hợp đặc biệt. Nói về nghề "tay phải" - khi còn là diễn viên, từ chính kịch đến hài kịch, lĩnh vực nào anh cũng huy chương rủng rỉnh. Nói về nghề "tay trái" - làm bầu, tuy chưa đến mức "trăm trận trăm thắng", nhưng anh cũng được coi là một trong những ông bầu đình đám và uy tín nhất.

Đang đà thành công, Tuấn Hải nhảy sang nghề thứ ba - đạo diễn. Sau khi tốt nghiệp, anh trình làng Người mắc bệnh tâm thần (Nhà hát kịch Việt Nam), Bản danh sách điệp viên (Đoàn kịch Công an Hà Nội) và Những mảnh tình khuất lấp (Đoàn kịch Hà Tây), chính kịch 100% và kén người xem.

Hài theo tiêu chí nào?

* Xuất phát từ chính kịch, trôi dần sang hài kịch nhưng vẫn không quên thi thoảng "chơi" một vở chính kịch, anh ngưỡng mộ hình mẫu đạo diễn đa năng hay đơn giản muốn khẳng định: Tuấn Hải đi bằng "chân" nào cũng được?

- Nói thật nhé! Hài kịch, dù ăn khách, rùm beng đến đâu cũng vẫn bị coi là... thương mại, không thể "danh giá" bằng chính kịch được. Vậy nên sở trường là hài kịch nhưng trong thời gian học, bên cạnh hài kịch tôi vẫn làm chính kịch, tốt nghiệp bằng chính kịch và trình làng cũng chính kịch nốt. Để muốn nói rằng, Tuấn Hải cũng có khả năng làm kịch chính thống, mà làm một cách cực kỳ nghiêm túc. Vả lại, dù sao cũng vẫn phải giữ lấy lề chứ.

* Hình như anh có nói, bi hay hài cũng đều là nghệ thuật?

- Đúng thế. Với tôi, hài kịch còn khó làm hơn bi kịch. Diễn viên thường qua "bi" rồi mới diễn được hài. Nhiều người quy kết, hài là thương mại mà không thông thoáng rằng mục tiêu của nghệ thuật xét cho cùng là khán giả. Những chương trình của tôi, giá vé vượt trần tới mấy lần mà vẫn có người xem, vẫn cháy vé. Người ta cần tiếng cười. Đấy là nhu cầu có thực. Quan trọng là anh làm hài theo tiêu chí nào. Khán giả bây giờ thích giải trí và những vở tâm lý góc cạnh, mặc dù chính kịch vẫn ép-phê.

* Nghe có vẻ, anh chẳng mấy day dứt giữa nghệ thuật và thị trường như các đồng nghiệp đang đi bằng hai "chân" khác?

- Hài kịch với tôi là sở trường. Nhưng lúc nào có thời cơ tôi vẫn làm những vở nghiêm túc, thậm chí đề tài cực kỳ khô khan như chống tham nhũng chẳng hạn. Tôi đang đi bằng cả hai "chân" và ở "chân" nào hình như tôi làm cũng tạm ổn, cũng có được những thành quả nhất định. Tôi không có cảm giác phải phân vân hay day dứt.

Tôi là bầu có "tâm"

- Trong vai nhà văn kỳ vọng (Vợ chồng rởm, hài kịch), Tuấn Hải đoạt HCV Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc 1991.

- Vai Phương điên (Vàng một bên, em một bên, bi kịch) - HCV Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc 1991.

- Vai Trương rất sống (tức là Trông rất sướng trong vở Ngôi nhà quỷ ám) - Đoạt danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc trong cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ năm 1991.

- Vai nhà bác học (trong vở Vàng), HCV Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc 1996

-  Vai Trần Cảnh (Trần Thủ Độ), HCB Hội diễn sân khấu toàn quốc 1995

- Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu (Hội NSSK trao tặng năm 1999)

- Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin (Bộ VHTT trao tặng năm 2000)

* Từ bao giờ anh "ngộ" ra có thể kiếm tiền bằng… nghệ thuật?

- Năm 1990, lần đầu tiên bước ra thị trường, trong đầu tôi thậm chí chưa hề có khái niệm thương mại. Làm Ngôi nhà quỷ ám chỉ để "xả" hết những gì tích tụ trong người thôi. Không ngờ "ăn" luôn. Mới thấy ngoài việc được "xả", mình còn kiếm được tiền nữa. Từ đó, tôi "ngộ" ra, trong cơ chế này, phải năng động. Trước đây, mình hoàn toàn "chơi" nghệ thuật. Nhưng bây giờ, ngoài sân chơi nghệ thuật, mình cũng phải lao vào thị trường.

* Người ta bảo, nghệ sĩ kịch nói làm kinh tế ở miền Bắc không ai qua được Tuấn Hải. Anh thử lý giải thành công của mình?

- Nói thế thì thì hơi quá bởi còn nhiều người làm bầu giỏi lắm. Nhưng với tôi, trước tiên vì mình là nghệ sĩ làm bầu. Mình hiểu được những nhọc nhằn của nghệ sĩ nên cảm thông với anh chị em nghệ sĩ. Đi diễn tỉnh, bao giờ tôi cũng thuê khách sạn cho diễn viên nghỉ ngơi đàng hoàng, dù chỉ vài tiếng sau là đã diễn. Kéo quân đi không phải lúc nào cũng thắng. Có lần vào đến Nghệ An, mưa tầm tã. Nếu không diễn thì mất trắng 20 triệu đồng. Còn nếu diễn thì mất thêm 20 triệu nữa. Trong những hoàn cảnh như thế, diễn viên nhiều người tự nguyện không lĩnh cát-sê và có những ông bầu chỉ trả một nửa cát-sê. Nhưng tôi vẫn trả đủ.

Đương nhiên, dù tôi có tử tế đến mấy cũng không thể thu hút được nhân tài nếu vở của tôi dở và không ăn khách. Vở Những người thích đùa, Phước Sang tình cờ ra Hà Nội xem được, khoái quá hợp đồng luôn, kéo cả đoàn vào TP.HCM. Đàn ông mang bầu, Đức Hải lúc đó đang là "sao" trong Nam, gọi điện xin tham gia với chương trình. Vở nào của tôi, diễn viên cũng từ 4, 5 nguồn (các nhà hát tên tuổi tại Hà Nội), mà toàn "sao" cả. Không phải tự nhiên mà họ sẵn sàng lao vào với tôi đâu. Tôi rất sung sướng khi nghe thấy người ta bảo: diễn viên của Tuấn Hải toàn vơ-đét và đi lại toàn bằng máy bay. Tôi tự cho mình là một ông bầu có "tâm", một ông bầu "xịn"!

* Anh là người đầu tiên lao vào xã hội hóa, thậm chí còn trước cả các đồng nghiệp ở TP.HCM. Lên chức đạo diễn rồi, có định làm một cú đột phá dài hơi không hay vẫn chỉ xã hội hóa mỗi năm mấy lần?

- Xin đính chính ngay rằng, ở Hà Nội, xã hội hóa không chỉ mình Tuấn Hải mà còn có một số người khác nữa. Nhiều người bảo tôi, tại sao xã hội hóa ít thế, chỉ có mấy lần mỗi năm? Người ta không hiểu. Ở Hà Nội, đoàn Nhà nước rất nhiều. Vở làm ra có khi còn không diễn hết. Thị trường có thế thôi làm sao mình xã hội hóa quanh năm được. Tôi đang suy nghĩ đến một sân chơi, không xã hội hóa quanh năm nhưng ít ra cũng mỗi tuần, gọi là sân khấu giải trí, nó sẽ chuyên "sản xuất" những chương trình giải trí cao, là những vở hài kịch được dàn dựng công phu, nhất định không phải tấu hài. Ngoài ra, thêm một sân khấu giải trí cho thiếu nhi nữa. Tôi đang tìm địa điểm.

Và thuộc dạng biết "thị phạm"

* Nghệ sĩ sân khấu kịch phía Bắc đang có "mốt" đi học đạo diễn…

- Thực ra từ trước khi học đạo diễn, tôi đã tự dựng nhiều tiết mục. Nhưng không có học hành bài bản, làm mãi cũng cạn vốn. Thế là năm 2001 quyết chí đèn sách. Vào trường đỗ thủ khoa đấy. Nhưng lúc ấy chỉ xác định rằng đi học để cho biết, để có thể tự đạo diễn các tiết mục của mình, chứ chưa hề nghĩ đến sẽ làm nghề một cách nghiêm túc. Cho đến khi đạo diễn Lê Hùng "khai sáng" rằng: "Học đạo diễn là phải làm chuyên nghiệp, chứ học đạo diễn xong ra làm "đạo cụ" thì học để làm gì", từ đó, tôi mới xác định lại thái độ học của mình.

* Gốc gác diễn viên có hỗ  trợ được nhiều cho nghề đạo diễn không?

 - Có chứ, nhất là khi chỉ đạo diễn xuất. Đạo diễn mà "thị phạm" không giỏi sẽ khó thuyết phục diễn viên lắm. Tôi thuộc dạng biết thị phạm.

oOo

Trong giới sân khấu kịch phía Bắc, Tuấn Hải là một người năng động. Khi cả làng kịch còn đang say sưa bao cấp, anh tiên phong xã hội hóa. Khi các diễn viên khác còn đang lọc cọc "Charly cúc cu", anh vi vu trên con Dream bóng loáng. Khi đồng nghiệp có người còn chưa rành blog là cái gì, anh đã có ngay một blog hoành tráng. Nói chung, vì nhiều lý do mà cái tên Tuấn Hải bị "chết" với hài kịch và thị trường.

Không ít người thán phục anh nhưng cũng không ít người ác miệng nói này nói kia. Thậm chí, anh còn mang tiếng, làm chính kịch chỉ để điểm tô cho thương hiệu bầu. Nhưng nếu như tiếp xúc nhiều với anh và nghe anh kể... Lần đóng Giấc mộng đêm hè (hợp tác Việt-Mỹ), Tuấn Hải bị trượt từ vòng... gửi xe vì không thoại được tiếng Anh. Thế nhưng, sau khi xem băng video các vở anh đã diễn thì phía bạn "OK" liền. Thế mà Tuấn Hải vào vai tiên đồng. Vừa nói tiếng Anh (đương nhiên là nói vẹt), vừa nói tiếng Việt; vừa nhảy hip hop, vừa nhào lộn như xiếc.

Chấp chới U.50 rồi vẫn phải học hip hop. Và còn phải hát trực tiếp với dàn nhạc tuồng 3 bài. Hoàn thành vai diễn, Tuấn Hải đặt tên cho đứa con trai mới chào đời là Pack (tên nhân vật của anh). Làm Bản danh sách điệp viên, khi những nhân vật của anh ngã xuống trên sân khấu, Tuấn Hải đứng bên cánh gà khóc ngon lành. Lần nào đến đoạn ấy cũng khóc. Đó có thể là một người làm chính kịch chỉ để điểm tô thương hiệu không nhỉ?

Hương Lan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.