Nữ nghệ sĩ guitar Việt xuất sắc châu Á và tình yêu với bếp trưởng người Ý

06/04/2019 09:59 GMT+7

Nghệ sĩ guitar xuất sắc châu Á Lê Thu vừa trở về quê nhà. Trong tháng 4 này, chị sẽ cùng nghệ sĩ guitar người Canada Thierry Bégin-L biểu diễn tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Huế và Đà Nẵng.

Lê Thu sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, bố chị là cố họa sĩ - nghệ sĩ guitar Lê Hạnh. Học đàn từ năm lên 4 tuổi, Lê Thu đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng khi mới 5 tuổi.

Lê Thu đã giành nhiều giải thưởng guitar quốc tế, như Nghệ sĩ guitar xuất sắc châu Á tại Liên hoan guitar Kolkata (Ấn Độ) vào năm 2010 và 2013, giải nhất Cuộc thi guitar quốc tế Nilüfer (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2015.

Tốt nghiệp xuất sắc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sau 15 năm theo học, năm 2010, Lê Thu được mời giữ vai trò trưởng khoa Guitar của Học viện Âm nhạc Bridge (Ấn Độ). Hiện chị đang sống cùng gia đình tại Bahrain. Chị đã được mời tham gia biểu diễn và giảng dạy guitar ở nhiều nước như Ý, Pháp, Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Bungari, Romanie, Thái Lan, Malaisia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ...

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ guitra Lê Thu nhân chuyến trở về quê nhà biểu diễn của chị.

Chị có thể chia sẻ về cuộc sống hiện tại ở Bahrain?

Nghệ sĩ Lê Thu:  Bahrain là một hòn đảo nhỏ ở Trung Đông. Cuộc sống của tôi rất yên bình mà cũng khá bận rộn với những lo toan hằng ngày như chăm sóc 2 con gái. Tôi có mở trung tâm dạy học tại nhà. Buổi chiều, tôi lên lớp dạy học trò. Khoảng 1 tháng tôi lại đi lưu diễn trong 1 tuần. Tôi thường đi lưu diễn ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Theo kế hoạch, trong năm tới, tôi sẽ có chuyến lưu diễn dài ngày tại Mỹ.

Chị đã sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và bây giờ là Bahrain. Việc tiếp cận với nhiều nền văn hóa có ảnh hưởng gì đến lối chơi nhạc của chị?

Khi ở Việt Nam, tôi đã rất thích nhạc dân gian các nước. Đến khi đến sinh sống tại Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Bahrain, tôi thấy mình may mắn vì được ở những vùng rất giàu có về âm nhạc dân gian cũng như nghệ thuật nói chung. Ở mỗi quốc gia, tôi lại được giao tiếp với những nghệ sĩ bản địa, được học hỏi từ họ, chơi nhạc cùng họ. Bên cạnh đó, những lần lưu diễn cũng giúp tôi biết thêm được nhiều bản sắc văn hóa, dân tộc của nơi mình đến. Đối với tôi, đó là cái lãi lớn nhất.

Dù vậy, gốc rễ của mình vẫn là Việt Nam. Tôi rất tự hào khi biểu diễn nhạc Việt Nam ở nước ngoài với các tác phẩm như Lới lơ, Bèo dạt mây trôi, hay Người ở đừng về… được chuyển soạn cho guitar. Tôi vẫn dạy học sinh của mình những làn điệu dân ca. Có em còn chưa biết đến Việt Nam, nhưng khi được học những làn điệu dân ca Việt Nam thì thích thú vô cùng.

Le-Thu
Gia đình nghệ sĩ Lê Thu Ảnh NSCC

Một nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật ở đa quốc gia như chị có gặp khó khăn?

Khoảng 10 năm trước, khi đi dự thi cuộc thi quốc tế đầu tiên tôi nhận thấy mình có sự e ngại, rụt rè, không tự tin trước những thí sinh đến từ châu Âu, hay châu Mỹ. Tiếng Anh cũng nói chưa sõi, đi đâu cũng cảm giác mình nhỏ bé, sợ sệt. Nhưng càng đi, tôi lại càng cảm thấy tự tin hơn xen lẫn là niềm tự hào. Tự hào chứ không phải kiêu ngạo.

Một điều nữa là cũng như những người phụ nữ khác, tôi lấy chồng và sinh con. Tôi bắt đầu sự nghiệp đi diễn quốc tế muộn hơn người khác, nhưng tôi tự hào là mình đã có thể quay lại được với guitar, tiếp tục sự nghiệp. Tôi rất trân trọng sự ủng hộ của ông xã mình, anh đã tạo điều kiện cho vợ tập luyện, đi thi quốc tế và giờ là đi lưu diễn.

Chị nghĩ lợi thế với một nghệ sĩ nữ chơi guitar như mình là gì?

Hiện nay, số nghệ sĩ nữ chơi guitar trên thế giới đã nhiều hơn. Nhưng nhìn chung vẫn là thiểu số, ít hơn nhiều so với nam giới. Nhiều người có quan niệm chỉ nam giới mới chơi guitar vì cần tay khỏe, tư thế ngồi đánh guitar cũng không nữ tính như chơi piano, violin...

Bố tôi là người rất hiện đại. Ông muốn con gái duy nhất của mình nữ tính nhưng cũng có cá tính. Ông muốn tôi chơi guitar vì ông cũng là người rất mê chơi guitar. Tôi thấy một người phụ nữ như mình không bị ảnh hưởng gì nhiều về mặt thể lực và sức khỏe. Điều này có thể bù lại bằng việc tập luyện thể thao.

Ngoài ra, tôi cho rằng, người nghệ sĩ nào cũng cần rèn luyện sự dẻo dai bằng cách chăm chỉ tập luyện. Tôi vẫn tập luyện hằng ngày với những bài tập về sự dẻo dai, giúp khỏe ngón tay, và tập gym, bơi lội. Tôi nghĩ rằng, nghệ sĩ nữ thậm chí còn lợi thế hơn nghệ sĩ nam chơi guitar vì họ có thể mang tính nữ vào tiếng đàn. Có lúc mạnh mẽ, phóng khoáng, nhưng cũng có lúc mềm mại, thướt tha.

Chị là một nghệ sĩ guitar còn chồng chị là một bếp trưởng người Ý. Tình yêu của hai người đã bắt đầu bằng một bản nhạc hay bằng một món ăn?

Người ta thường nói tình yêu của người phụ nữ đi qua dạ dày, nhưng điều này lại không phải trong trường hợp của tôi (cười). Tôi gặp ông xã một cách tình cờ. Khi còn là sinh viên, hằng tuần tôi đi diễn cùng ban nhạc tại một khách sạn ở Hà Nội. Chúng tôi gặp nhau ở đó.

Anh không chỉ phụ trách về ẩm thực mà còn cả ban nhạc. Chúng tôi gặp nhau hằng ngày và trò chuyện với nhau. Dần dần, đến khi chúng tôi đã thân thiết hơn, anh bảo tôi: bài này em đánh hay lắm, chút nữa em hãy chơi bài này nhé!

Hai con gái chị có đam mê guitar như mẹ?

Các con tôi đều học guitar và đều do tôi dạy (cười). Nhưng các bé có đi theo con đường chuyên nghiệp hay không thì tôi không ép, mà muốn các con được tự do lựa chọn tương lai của mình.

Chị giữ hình ảnh Việt Nam trong ngôi nhà mình như thế nào?

Tôi vẫn thường dạy các con những bài hát tiếng Việt hay những bản nhạc Việt. Ở Trung đông, việc tìm những món đồ từ Việt Nam không phải dễ. Nhưng những ngày tết hay Trung thu tôi vẫn cố kiếm được những gì có thể để trang trí mang đến không khí như ở quê nhà.

Con gái lớn của tôi có năng khiếu hội họa và biết vẽ cành đào bằng màu vẽ, hay sơn dầu để tặng cho mọi người. Trước đây, khi bố tôi còn sống, ông cũng thường hay vẽ những bức poster như vậy. Tôi muốn giữ truyền thống đó trong gia đình mình.

Nghệ sĩ người Canada Thierry Bégin-L đã giành giải nhất Cuộc thi guitar quốc tế Hà Nội 2018, giải nhất Cuộc thi guitar cổ điển quốc tế Robert J. Vidal (Pháp) năm 2016.

Trong chương trình La ventura diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) diễn ra tối 6.4, hai nghệ sĩ sẽ giới thiệu những tác phẩm kinh điển như trích đoạn Tình yêu là chú chim bất trị trong vở Carmen của nhà soạn nhạc người Pháp Georges Bizet, Vũ điệu thần chết của Camille Saint- Saëns. Bên cạnh các tác phẩm cổ điển, đêm nhạc La ventura sẽ là dịp để khán giả yêu nhạc được đắm chìm trong những khúc tình ca bất hủ của Pháp như Những chiếc lá khô của Jacques Prévert, La bohème của Charles Aznavour…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.