Bùn dưới hồ chứa kim loại nặng và khí độc
Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đều khẳng định môi trường nước hồ Gươm đang bị ô nhiễm nặng, chất lượng nước hồ ngày một suy giảm, trong số 51 loài vi tảo thì có gần 90% là tảo lam độc hại. Đáng chú ý, sự xuất hiện thường xuyên và dày đặc của các loại tảo mà chủ yếu là tảo lam độc thuộc chi Mycrocystis đã tạo nên đặc điểm nổi bật của hồ Gươm: độ pH luôn ở mức cao 9,4 - 10,5 (số liệu quan trắc 2009-2010), hồ bị phì dưỡng cao, hàm lượng các chất dinh dưỡng (NH4, TN, TP, COD) và các chất hữu cơ trong bùn rất cao. Bên cạnh đó, nước thải và bùn đất do mưa cuốn vào hồ đã làm lớp bùn lắng của đáy hồ ngày một dày (từ 1,3-1,86m). Sự tồn tại của lớp trầm tích lâu năm này đang gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc. Không những thế, lớp bùn sa lắng còn cản trở việc lưu thông nước hồ với các nguồn nước ngầm khiến mực nước hồ ngày một cạn.
|
Theo một số nhà khoa học, các yếu tố môi trường tác động càng làm cho mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ô-xy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều loài động, thực vật trong hồ. Số lượng cá trong hồ đang ngày một giảm và có khả năng không cung cấp đủ thức ăn cho rùa hồ Gươm.
Trao đổi với PV Thanh Niên về kết quả mẫu xét nghiệm ADN của rùa hồ Gươm, TS Bùi Quang Tề cho biết: Đến nay, việc xét nghiệm ADN không thể xác định được tuổi của rùa hồ Gươm; nhưng dựa trên các thông số về kích cỡ của rùa: chiều dài toàn thân 185 cm (bao gồm chiều dài mai 125 cm + chiều dài cổ và đầu 60 cm), chiều rộng mai 99 cm, chiều dài đuôi 35 cm; cân nặng 169 kg thì độ tuổi của rùa ít nhất từ 100 năm trở lên (giống như độ tuổi của tiêu bản rùa hồ Gươm lưu trong đền Ngọc Sơn). |
Rùa bỏ ăn vì nắng nóng
Thông tin mà TS Bùi Quang Tề, người chỉ đạo trực tiếp tổ chăm sóc sức khỏe rùa quý hồ Gươm, đưa ra tại hội thảo làm mọi người xôn xao: “Trong mấy ngày nắng nóng vừa qua, chúng tôi đo nhiệt độ ở khu chăm sóc rùa hồ Gươm, mặc dù đã có mái che nắng nhưng nhiệt độ vẫn lên tới 32 độ C, nhiệt độ ở ngoài hồ là 34 độ C. Do thời tiết nắng nóng, rùa đã bỏ ăn 3 ngày liền. Sau một thời gian chữa trị, sức khỏe rùa hồ Gươm đã hồi phục khá tốt, nấm bệnh và các vết thương đã lành. Tôi đề nghị thành phố nên quyết định đưa rùa trở lại hồ càng sớm càng tốt để tránh thời tiết nắng nóng ảnh hưởng xấu đến rùa”. Đồng quan điểm với TS Bùi Quang Tề, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng cần đưa rùa hồ Gươm trở lại sinh cảnh sống tự nhiên quen thuộc.
Ông Tề tỏ ra lo lắng: “Từ nay đến cuối tháng 5 còn 2 đợt nắng nóng gay gắt nữa, nhiệt độ ở trong bể chăm sóc rùa nếu lên trên 30 độ C là sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của rùa. Nếu thời tiết nắng nóng tăng lên và rùa bỏ ăn dài ngày thì đấy là việc cấp bách”. TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, cũng nhận định: sau một thời gian được cách ly để chăm sóc và chữa trị, rùa hồ Gươm đã dần bình phục, công tác chữa trị diễn biến tốt và thành phố cũng chuẩn bị thả rùa về môi trường tự nhiên trong hồ nên cần ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.
Việt Chiến
Bình luận (0)