Phim Hương phù sa: "Tuyên chiến" với phim Hàn

10/04/2006 23:27 GMT+7

Một miền Tây sông nước ngày tấp nập ghe xuồng gần như đã bắt kịp hơi thở đương đại, cũng hối hả sống với những người trẻ tuổi năng động, táo bạo và quyết liệt như thị thành. Đêm, cũng miền Tây sông nước ấy, cũng những người trẻ tuổi ấy nhưng dường như sống bằng hơi thở khác. Hơi thở của những tâm hồn thi vị, của những trái tim hồn hậu, chân tình. Miền Tây quyến rũ như thế trong phim Hương phù sa (đạo diễn Võ Tấn Bình, phát sóng vào lúc 18-19 giờ trên HTV9 - Đài truyền hình TP.HCM).

Điểm khởi đầu của bộ phim là gia đình Ba Rằn - một gia đình giàu có và nổi tiếng với nghề đóng ghe xuồng lâu đời. "Sông nước là mẹ, ghe thuyền là cha. Bao giờ sông rạch miền Tây hết nước thì gia đình ta mới hết làm nghề đóng ghe thuyền". Câu nói như một lời thề thế hệ mà Út Nhỏ (diễn viên Tăng Thanh Hà) phải ghi nhớ để kế tục nghề truyền thống của gia đình. Cô gái trẻ 19 tuổi ấy có đầy đủ nghị lực, bản lĩnh nhưng cũng nhiều sự non trẻ, nông nổi, và phải đương đầu với đối thủ hơn cả tuổi đời và tuổi nghề, vì thế sự nghiệp được xây dựng hơn 100 năm của gia đình giờ đây gặp không ít thăng trầm. Thành công đó rồi thất bại đó, nhưng Út Nhỏ không thiếu ý chí cầu tiến. Mối tình tay ba giữa Út Nhỏ - Việt (Trương Minh Quốc Thái) - Út Ráng (Kim Hiền) cũng là sợi chỉ đỏ làm mạch dẫn cho phim. Từ điểm khởi đầu, phim đã phát triển nhiều mối quan hệ. Mối quan hệ cạnh tranh trên thương trường và mối quan hệ gia đình. Một đề tài không lạ, không mới nhưng đạo diễn trẻ Võ Tấn Bình đã biết sử dụng những thủ thuật thu hút người xem. Đó là sự đào sâu vào tính cách và tâm lý để mỗi nhân vật đều có tính cách đặc trưng. Út Nhỏ dịu dàng nhưng bản lĩnh. Việt lãng tử, cương nghị và khẳng khái. Út Ráng thẳng tính, tốt bụng và bồng bột... Những nhân vật phụ khác: Hoàng (Huỳnh Anh Tuấn), Quyên (Minh Thư)... đều rất sống động. Người xem hài lòng vì bộ phim đem đến những nhân vật có thật chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng.


Sông nước miền Tây trong phim. Ảnh: T.F.S

Thành công của bộ phim phải kể đến sự tròn vai của các diễn viên. Vào vai Út Nhỏ, Tăng Thanh Hà đã khẳng định được khả năng diễn xuất của mình. Út Nhỏ của cô có đầy đủ sự cứng cỏi và mặn mòi, nữ tính của con gái miệt sông nước. Có lẽ cũng nhờ cái "chất" miền Tây có sẵn trong người nên cô dễ dàng hóa thân vào Út Nhỏ hơn. Diễn viên Kim Hiền cũng vào vai Út Ráng đầy tự tin. Út Ráng cười, Út Ráng hờn dỗi, Út Ráng khóc và Út Ráng ghen... Ở tâm trạng nào Út Ráng cũng thuyết phục được người xem. Diễn viên Trương Minh Quốc Thái cũng không phải cố gắng diễn xuất thật nhiều để tròn vai họa sĩ Việt vì dường như ngoại hình của anh đã khá gần gũi với tính cách nhân vật này. Ở tuyến nhân vật phụ, góp phần tạo nên phong cách của người miền Tây là vai người anh rể của Út Nhỏ do Nguyễn Thanh Cường đảm nhận. Dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp (người thiết kế bối cảnh cho phim) nhưng anh đã vào vai ấn tượng, đặc sệt tính cách người miền Tây, tốt bụng và khoái... rượu.

Hương phù sa là một trong những bộ phim Việt thử nghiệm "tuyên chiến" với phim Hàn. Và đạo diễn cũng không ngần ngại khi đã thú nhận học các thủ thuật làm phim từ "đối thủ" - nhưng không dừng lại ở việc sử dụng diễn viên trẻ đẹp, cảnh quay bắt mắt mà còn ở chiều sâu của bộ phim. Thêm một bộ phim Hàn kiểu Việt, nhưng Hương phù sa đã vượt hơn các bộ phim khác nhờ vào sự đầu tư nội dung. Vì thế, phim có chiều sâu, chứ không phải là sự bắt chước ở phần hình thức hời hợt và tẻ nhạt.

Khán giả nói gì?

"Hương phù sa là phim tôi thích xem nhất trong những phim truyền hình gần đây. Tôi thích cách diễn xuất của các diễn viên, thật và tự nhiên chứ không "kịch". Cảnh quay đẹp là ưu điểm của những bộ phim gần đây thì phải. Tôi là người miền Tây, nhưng xem phim mới phát hiện ra quê mình có nhiều cảnh đẹp như thế. Nhưng có điều, trang phục trong phim không phù hợp lắm. Tôi chưa thấy ai mặc áo đầm, mặc váy lái ghe, lái tàu bao giờ" - Trương Thị Thu Thủy (209 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM)

"Tôi chỉ mới xem qua vài tập phim nhưng thấy thật khó chịu. Dường như đạo diễn không hiểu gì về cách ăn mặc của người miền Tây nên cho các nhân vật trong phim "diện" váy, đầm ngắn, mang giày Tây như ở thị thành. Ngày thường thì mặc váy, mặc đầm, nhưng khi đi sinh nhật thì lại... mặc áo dài truyền thống (!). Tôi nghĩ giá như đạo diễn chịu khó tìm hiểu về miền Tây thì phim sẽ hay hơn. Nếu như các nhân vật trong phim bớt "diện" đi thì bộ phim sẽ thuyết phục hơn" - Phan Hoài Linh (Công ty OOCL Việt Nam)

M.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.