Phim Việt sẽ thoáng hơn với cảnh nóng và bạo lực?

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
15/12/2020 06:16 GMT+7

Sáng 14.12, hội nghị - hội thảo "Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía nam" do Bộ VH-TT-DL tổ chức diễn ra tại TP.HCM.

Trong các vấn đề được quan tâm “mổ xẻ” của điện ảnh Việt thì ngoài những quy định về phổ biến phim trên không gian mạng như Thanh Niên số ra ngày 10.12 đã thông tin từ hội nghị góp ý khu vực phía bắc ở Hà Nội, thì việc bổ sung mức phân loại C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21) sẽ lần đầu tiên có trong luật Điện ảnh (sửa đổi) nếu được thông qua là vấn đề được trao đổi nhiều trong hội thảo tại TP.HCM.

Nhà làm phim ủng hộ, chủ rạp không tán thành C21

Tại hội thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Mức phân loại độ tuổi C21 sẽ cho các phim có cảnh bạo lực, nhạy cảm ở cấp độ cao hơn so với C18 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18) hiện nay. Nghĩa là sẽ cho phép phim Việt có những cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với C18 để các nhà làm phim phát huy sự sáng tạo trong khuôn khổ luật pháp nhà nước”.
Tại điều 27 về phân loại phim, dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra một số mức phân loại độ tuổi mới so với trước đây. Ngoài C13, C16 - cấm trẻ em dưới 13, 16 tuổi xem, thì có mức mới là PG - phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Với mức phân loại mới này, hầu hết các ý kiến tham dự hội thảo đều đồng tình, cho rằng đây là một tiến bộ trong việc sắp xếp, phân loại phim, tránh tình trạng cứng nhắc khi phim dành cho thiếu nhi nhưng người trên 13 tuổi mới được xem, hoặc những bộ phim dành cho gia đình nhưng trẻ em lại không được xem cùng bố mẹ.
Với mức phân loại C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21), có nhiều ý kiến trái chiều từ phía những nhà làm phim và chủ rạp. Người làm phim hoàn toàn đồng tình với mức C21 để có thể tự do sáng tạo nội dung phim, nhưng chủ rạp lại không muốn vì hạn chế kinh doanh của họ khi bị mất tới 3 đối tượng tuổi từ 18 - 20 cho một bộ phim C21. Đại diện phía chủ rạp CGV, Lotte hay Galaxy đều lên tiếng đề nghị nên bỏ mức phân loại C21, mà nên đưa những quy định đối với mức phân loại C21 áp dụng cho cả mức C18, vì người 18 tuổi đã đủ nhận thức của một công dân để quyết định có xem hay không.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện CGV Việt Nam, nêu ý kiến: "Thực tế, tiêu chí phân loại này không phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Cụ thể tại Việt Nam, người 18 tuổi được pháp luật xem là thành niên. Do đó, để phù hợp với thực tế doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất bỏ tiêu chí phân loại C21 như dự thảo".
Phim Việt sẽ thoáng hơn với cảnh nóng và bạo lực?1

Hội thảo "Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía nam"

ẢNH: P.C.T

Đại diện Galaxy cho rằng mức phân loại C21 sẽ tạo thêm rào cản trong việc đưa phim điện ảnh đến với khán giả, đồng thời đề xuất bỏ mức C21. Ông Lee Jin Sung, Tổng giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, nhận định: "Rất khó phân biệt giữa C21 và C18, nên có thể lấy những quy định của C21 áp dụng cho C18 hiện nay và bỏ mức C21 đi. Khán giả đến rạp cũng khó biết được đâu là 20 tuổi hay 21 tuổi để có cho vào hay không".
Trong khi đó, nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh lại ủng hộ có mức C21 để nhà làm phim được tự do sáng tạo. Đạo diễn Phan Đăng Di nói: “Nên có mức C21 cho phim Việt để các nhà làm phim độc lập, thể nghiệm hay giải trí có thể dám dấn thân khai thác nhiều đề tài đa dạng hơn, dám bước tới cùng những chủ đề nhạy cảm. Bản thân những phim bị gắn mức C21 đã bị hạn chế đối tượng người xem rất nhiều, thì theo tôi C21 không có vấn đề gì, cần phải có ở điện ảnh Việt như nhiều nước trên thế giới và Singapore cũng đã áp dụng”. Ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc Công ty Hoan Khuê (HKFilm), đồng tình: "Mức C21 phải khác biệt so với mức C18 hiện tại thì mới thể hiện rõ sự thay đổi. Về mặt luật cần hướng dẫn cụ thể hơn và hy vọng mức C21 sẽ cực kỳ thoáng với nhà làm phim".

Quy định về tỷ lệ suất chiếu phim Việt

Điều 17 Dự thảo buộc các nhà rạp phải có nghĩa vụ “bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ chiếu phim Việt Nam”, như một số nước trên thế giới đã thực hiện nhằm bảo hộ điện ảnh nội địa trong tỷ trọng phim có mặt tại rạp. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền kêu cứu: “Nhiều phim Việt ra rạp cùng lúc với các bom tấn ngoại phải chịu thiệt dẫn đến lỗ lã. Cần sự hỗ trợ phim Việt như số lượng suất chiếu, thời điểm chiếu trong ngày, thời gian chiếu tối thiểu 2 tuần trước khi bị cho ra khỏi rạp. Có những phim Việt chưa ra rạp thì gần như chắc chắn lỗ nặng vì rất ít suất chiếu, thời điểm thì vào sáng sớm hoặc đêm muộn".
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Nếu áp tỷ lệ bắt buộc thì chưa phù hợp với xu hướng tự do kinh doanh, đi ngược lại với cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa phim Việt Nam và phim nước ngoài. Chất lượng phim, thị hiếu người xem, phản ứng của thị trường đối với bộ phim sẽ quyết định thời gian bộ phim được chiếu tại rạp”.
Một đại diện người Hàn Quốc của CGV phát biểu: “Phim sống được ở rạp là do khán giả. Vì thế, bảo vệ phim Việt không phải ở suất chiếu mà phải đầu tư cho chất lượng phim. Điều cơ bản là nhà nước cần phải giúp cho rạp sống trước đã, thì phim Việt mới phát triển được, bởi hiện tại rạp đã “chết” vì khủng hoảng trong mùa Covid-19”.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được lấy ý kiến lần thứ 3 trên toàn quốc để tổng hợp điều chỉnh sao cho khả thi. Tháng 4.2021, luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ trình Chính phủ, đến tháng 10.2021 sẽ trình Quốc hội xem xét để thông qua, áp dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.