Sách về công cuộc chống tham nhũng thời Lê sơ

20/05/2017 05:55 GMT+7

Trong lịch sử VN, nhà Lê sơ tồn tại trong khoảng thời gian gần 100 năm (1428 - 1527), là triều đại có nhiều thành tựu trên các phương diện: kinh tế, văn hóa, giáo dục…

Trong lịch sử VN, nhà Lê sơ tồn tại trong khoảng thời gian gần 100 năm (1428 - 1527), là triều đại có nhiều thành tựu trên các phương diện: kinh tế, văn hóa, giáo dục… với những vị vua sáng suốt và tài giỏi: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông và một hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện.
Tuy nhiên, nạn tham ô, hối lộ vẫn chưa bị khống chế hoàn toàn mặc dù nhà nước có các điển lệ, điều luật để răn đe, xử phạt loại tội này. Thạc sĩ sử học Trần Đình Ba nhận định: Một trong những nguyên nhân góp phần làm suy yếu nhà Lê sơ chính là nạn tham nhũng hoành hành ở giai đoạn từ triều vua Lê Uy Mục trở về sau, do kỷ cương phép nước đi xuống so với trước đó.
Công trình nghiên cứu Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) của nhà nghiên cứu Trần Đình Ba giúp độc giả tiếp cận hiện thực cuộc sống và công cuộc chống tham nhũng thời Lê sơ. Tác giả cho biết: “Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào cụ thể, chuyên sâu về vấn đề tham nhũng và biện pháp xử lý tội danh này thời Lê sơ, nên tôi muốn bổ khuyết một phần nhỏ và góc nhìn đa diện về nhà Lê sơ dựa trên các tư liệu lịch sử về triều đại này”.
Cuốn sách cho thấy các nhà cầm quyền thời Lê sơ đã rất trăn trở trước “quốc nạn” tham nhũng - diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi - và đưa ra những khung hình phạt nặng đối với tội danh này. Hình phạt cao nhất là xử tử: Năm Ất Mão (1435), Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm lãnh án chém vì nhận hối lộ. Nam đạo chủ bạ Đàm Thảo Lư ẩn lậu tiền năm Mậu Thìn (1448), Chuyển vận phó sứ Lương Tông Ký ăn hối lộ năm Kỷ Tỵ (1449) cũng đều bị khép án tử. Thú vị nhất là chuyện vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông cho người đi khắp nơi bí mật điều tra, xét hỏi những kẻ tham ô rồi từ đó có những chính sách thưởng phạt phù hợp và đề ra biện pháp xử lý nạn tham nhũng. Một danh sách cụ thể danh tính quan lại tham nhũng, năm phát giác xét xử cũng đã được tác giả thống kê một cách công phu trong sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.