'Sài Gòn cận cảnh' vẫn 'nóng'

30/09/2016 14:03 GMT+7

Sau phản ứng của họa sĩ Nguyễn Minh Hải và nhiếp ảnh gia Dương Vi Khoa về tác quyền tác phẩm tranh minh họa và ảnh trong Sài Gòn cận cảnh , Thanh Niên nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các bên liên quan.

Tranh cãi do hiểu lầm hay lập lờ khái niệm?
Trao đổi với Thanh Niên, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, Giám đốc nghệ thuật của cuốn sách Sài Gòn cận cảnh, đã phủ nhận những cáo buộc của nhiếp ảnh gia Dương Vi Khoa về việc ông sử dụng ảnh của ông Khoa sai mục đích và nội dung đã thỏa thuận trong cuốn Sài Gòn cận cảnh. Họa sĩ Đông cũng cho rằng nếu không cung cấp được các bằng chứng để chứng minh thì ông Khoa đã bịa đặt.
Họa sĩ Đông khẳng định: “Tôi không hề nói rằng đó là sách phi lợi nhuận. Còn trao đổi qua điện thoại, cũng như thỏa thuận qua email mà ông Khoa viết, không hề đề cập đến, mà ông ấy đưa ra không có điều kiện nào về việc sử dụng ảnh ở đâu trong sách. Theo đó, sử dụng ảnh nào trong số gần 400 ảnh Sài Gòn mà chúng tôi mua, chọn làm bìa là việc nghiệp vụ của họa sĩ trình bày/giám đốc nghệ thuật của cuốn sách này. Chúng tôi chưa thực hiện điều gì sai theo thỏa thuận ban đầu”.
Về vấn đề tại sao đưa sách đi thi thiết kế quốc tế và tại sao lại là sách kinh doanh, họa sĩ Đông nhường câu trả lời cho Công ty Đại Việt Hoàn Cầu.
Không đồng tình với việc phủ nhận của họa sĩ Đông, nhiếp ảnh gia Dương Vi Khoa đã lập tức công khai toàn bộ nội dung đã trao đổi với họa sĩ Đông vào ngày 23.4.2014 cùng 6 điều khoản đã yêu cầu họa sĩ Đông cần cam kết khi sử dụng ảnh trên Facebook cá nhân vào chiều 29.9. Trong email có yêu cầu họa sĩ Đông cần: "1/ Anh chỉ được sử dụng hình này trong cuốn sách mà anh nói với mình. Không được sử dụng ở bất kỳ 1 chỗ nào khác (kể cả trên mạng) nếu không có sự đồng ý của mình. 2/ Không chia sẻ file này với bất kỳ 1 người nào khác, anh phải có trách nhiệm giữ file này khi thiết kế hoặc in ấn. 3/ Trong trang sách có in hình này, anh phải có dòng credit: "Photo by Duong Vi Khoa / www.vikhoa.com"...".
Theo ông Khoa, họa sĩ Đông không hề làm đúng như thỏa thuận. Vì hàm ý chỉ được sử dụng hình này trong cuốn sách (điều 1) và cần ghi tên tác giả trên trang sách có in hình này có nghĩa là chỉ dùng làm ảnh minh họa, không dùng làm ảnh bìa sách và ghi tên người chụp dưới bức ảnh như thông lệ in ảnh trong phần lớn các cuốn sách khác.
“Nếu ảnh sử dụng làm bìa thì không thể đề tên tác giả trên ảnh đó. Họa sĩ Đông đã đánh tráo khái niệm. Ai cũng biết ảnh minh họa với ảnh bìa nó khác nhau như thế nào. Không phải anh xin mua quyền sử dụng ảnh minh họa, xong anh lại nói rằng tôi dùng sao chả được, chọn ảnh nào làm bìa là chuyện của tôi. Thử hỏi tất cả các tờ báo, tạp chí xem ảnh được chọn làm ảnh bìa có phải trả nhuận ảnh khác với ảnh bên trong không? Nếu trả tiền ảnh bìa bằng ảnh minh họa thì liệu bao nhiêu nhiếp ảnh chịu đồng ý?”, ông Khoa nói.

tin liên quan

Thêm một nhiếp ảnh gia lên tiếng về cuốn sách ảnh gây tranh cãi
Bên cạnh tranh cãi về tác quyền tác phẩm minh họa Map Art trong cuốn Sài Gòn cận cảnh từng được giải thiết kế Mỹ (2014) giữa nữ họa sĩ Minh Hải với họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông (giám đốc nghệ thuật của cuốn sách), thêm một nhiếp ảnh gia cũng lên tiếng phản ứng liên quan đến cuốn sách này.
Ông Khoa cũng giải thích thêm: “Đó là chưa kể việc họa sĩ Đông làm clip video giới thiệu về cuốn sách đó, có hình bìa cuốn sách, là sử dụng ảnh của tôi, về nguyên tắc vẫn cần hỏi sự đồng ý của tôi, vì trong điều yêu cầu ở khoản 1, tôi đã ghi rõ Không được sử dụng ở bất kỳ một chỗ nào khác (kể cả trên mạng)”.
Theo ông Lê Quang Vy, luật sư thành viên Công ty Phước & Partners, dẫn luật Sở hữu trí tuệ thì việc trao quyền sử dụng tác phẩm và trao độc quyền sử dụng tác phẩm là khác nhau.
Vì vậy theo ông Khoa, việc trao quyền sử dụng ảnh vốn để in sách, nhưng tự ý đưa đi thi giải thiết kế của cuốn sách không xin ý kiến là điều khó được ông chấp nhận.
Đồng thời ông Khoa vẫn khẳng định rằng qua điện thoại, họa sĩ Đông có thuyết phục ông trao quyền sử dụng ảnh vào cuốn sách phi lợi nhuận giới thiệu về du lịch Sài Gòn. Đó cũng là lý do chính khiến ông Khoa đồng ý và chấp nhận với nhuận ảnh rẻ và gửi thẳng nhuận ảnh cho tổ chức từ thiện.
Giải thích lại về tất cả những chuyện lùm xùm này, ông Khoa nói: “Nếu họa sĩ Đông tôn trọng tôi, gọi điện thoại báo lại là ảnh của anh được chọn làm ảnh bìa, anh có đồng ý không thì có lẽ tôi cũng sẽ chẳng từ chối làm gì vì trước đó cuốn sách ảnh về Saigon do nhóm VNPhoto thực hiện cũng lấy ảnh của tôi làm ảnh bìa mà tôi cũng đồng ý mà không lấy tiền. Đa số ảnh của tôi bán đều đem tiền làm từ thiện. Nhưng cái gì sai thì phải nói lại cho đúng”.
Thế nào là đồng tác giả?
Về vấn đề tranh cãi tác quyền tác phẩm Map Art, họa sĩ Đông cho biết: “Việc tham gia vào tác phẩm của tôi là điều khiển người vẽ theo ý tưởng đã đặt ra, có bằng chứng kèm theo, là bản chụp các email cho thấy tiến độ kiểm soát việc vẽ từng bước, từ đen trắng đến vẽ tay, tô màu, từng công trình kiến trúc được duyệt, hiệu chỉnh có đúng ý, yêu cầu sửa đổi, rồi mới đặt vào bản đồ định vị. Họa sĩ Hải không tự vẽ được Map Art này, và nó không phải là tác phẩm có sẵn mà chúng tôi mua để sử dụng”. Đồng thời họa sĩ Đông cũng cung cấp nhiều file tiến độ công việc kèm theo email, chứng minh việc họa sĩ Đông có chỉ đạo, hướng dẫn về ý tưởng cho họa sĩ Hải.
Họa sĩ Minh Hải bất bình về việc đề tên đồng tác giả trong tác phẩm Map Art vì tác phẩm mang đi thi (ảnh dưới) không hề khác biệt với tác phẩm gốc do cô tự thiết kế (ảnh trên), ngoài việc có thêm logo Saigon Zoom In
Trả lời Thanh Niên, bà Lê Lan Anh, Giám đốc Công ty Đại Việt Hoàn Cầu nói: “Map Art được Hải vẽ lại trên nền Google Map Saigon, không phải cô ấy tự vẽ toàn bộ bản đồ như một bức tranh. Map Art là một layout thiết kế có sử dụng minh họa chính của họa sĩ Hải nhưng họa sĩ Đông là người đưa ra ý tưởng, thiết kế lại, đặt để, thêm các logo và icon khác. Ai nói họa sĩ Đông mang tranh của Hải đi thi và ký tên đồng tác giả chỉ vì đóng lệ phí thi là sai”.
Tuy nhiên họa sĩ Hải lại cho rằng: “Việc họa sĩ thiết kế theo đơn đặt hàng và chỉnh sửa theo đơn đặt hàng là chuyện bình thường tại nhiều đơn vị xuất bản. Điều đó không đồng nghĩa với việc tác phẩm thiết kế đó phải đặt chung tên với người đặt hàng, tức là không thể là đồng tác giả. Câu chuyện của tôi tương tự như chuyện tác giả viết sách theo đơn đặt hàng của biên tập và đơn vị xuất bản. Trong quá trình đó, việc người viết phải sửa theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Thử hỏi có công ty xuất bản nào vì thế mà đòi đồng tác giả tác phẩm của người viết không? Ở đây vai trò của họa sĩ Đông cũng tương tự như một người biên tập viên xuất bản mà thôi. Chúng tôi là những người trẻ, khát khao làm việc nhưng cũng khát khao được làm việc trong sự minh bạch và được tôn trọng”.
Đồng thời họa sĩ Hải cũng cung cấp file Map Art gốc cuối cùng đã giao cho họa sĩ Đông để so sánh với tác phẩm Map Art được mang đi thi đoạt giải thiết kế quốc tế IDA 2014. “Tôi vẫn khẳng định mọi thiết kế của tôi trong Map Art đều do tôi tự vẽ một mình, từ phác thảo tới vẽ chính thức, từ mọi biểu tượng bên ngoài và tự đặt vào bản đồ. Họa sĩ Đông không hề vẽ chung bất kỳ một hình nào, cũng không hề thiết kế lại gì cả, mà chỉ đơn giản là đặt nó lên một cái khung gọi là layout và tự ý cho logo Saigon Zoom In vào đó để đi thi”, họa sĩ Hải nói.
Họa sĩ Hải cũng cho biết cô từng cộng tác thiết kế cho nhiều đơn vị xuất bản khác nhưng chưa từng vấp phải “sự cố” như thế này bao giờ.
Đem sách đi thi chỉ nhằm để quảng bá sách
Bà Lê Lan Anh, đại diện đơn vị xuất bản cuốn Sài Gòn cận cảnh, phân trần bà chưa bao giờ nói sách chỉ để quảng bá và làm thiện nguyện, và việc nhiếp ảnh Dương Vi Khoa nói sách xuất bản phi lợi nhuận có thể là do ông Khoa nhầm lẫn.
“Theo tham vấn luật sư, chúng tôi mang cuốn sách đi thi, mục đích để quảng bá nó rộng rãi hơn, để bán sách được nhiều hơn, thì không cần thông báo hay xin phép các bên tham gia vẽ hay viết sau khi đã thanh toán đầy đủ thù lao cho họ như thỏa thuận. Chúng tôi vẫn đang sử dụng sản phẩm (được đặt hàng và đã thanh toán) theo đúng mục đích làm sách. Làm một cuốn sách, tốn công hay tốn tiền như thế nào các bạn trong nghề đều rõ. Các họa sĩ hay tác giả ảnh tham gia trong cuốn sách đều vẫn làm việc với chúng tôi không chỉ vì tin cậy hay nể nang, mà vì các thỏa thuận dù bằng email hay các phương tiện khác đều được họ công nhận. Họ không vì sách đoạt giải mà yêu cầu bổ sung hợp đồng bằng văn bản hay tăng thù lao. Thỏa thuận thế nào làm đúng như thế! Chúng tôi vẫn làm sách, với những người hiểu chuyện và bảo vệ mình cùng các sản phẩm tinh thần của mình. Sự thật thì chỉ có một thôi, không có phiên bản”, bà Lan Anh khẳng định.
Bà Lan Anh cũng cho rằng nếu sách được bán trên Amazon thì nó vẫn nằm trong phạm vi là xuất bản sách, sẽ không vi phạm thỏa thuận với các tác giả ảnh khi thỏa thuận. Tuy nhiên hiện tại cuốn sách vẫn chưa được bán trên Amazon vì thủ tục đăng ký qua đại lý phát hành tại Mỹ.
Bà Lan Anh nói rõ thêm: “Trong dự án này, chúng tôi đã sử dụng hình ảnh mua từ các nguồn có xác nhận, có đăng ký mua bản quyền ảnh chính thức, các giao dịch qua email đều có xác nhận đã nhận tiền đủ, cho phép sử dụng để in ấn làm sách. Cho đến nay, ngoài Dương Vi Khoa và Minh Hải, chưa có một tác giả ảnh nào có thắc mắc về chuyện họa sĩ Đông đã sử dụng sai mục đích như thỏa thuận ban đầu...”.
Đại diện đơn vị xuất bản cuốn Sài Gòn cận cảnh cũng xác nhận họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông là Giám đốc thiết kế của dự án VIETNAM VISUAL TRAVEL GUIDE (Cẩm nang du lịch Việt Nam qua hình ảnh, viết tắt là VVTG), được ủy quyền của Công ty Đại Việt Hoàn Cầu trong suốt dự án, toàn quyền chọn, sử dụng các nguồn tư liệu ảnh, tranh vẽ để thiết kế, thực hiện và quảng bá cho dự án ở trong và ngoài nước. Ủy quyền này có văn bản, từ năm 2014 và đến nay vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên khi được hỏi về việc tại sao họa sĩ Đông không cung cấp giấy ủy quyền của Công ty Đại Việt Hoàn Cầu để họa sĩ Hải yên tâm ký hợp đồng trao quyền sử dụng các tác phẩm thiết kế trong cuốn sách trên, bà Lan Anh giải thích: “Việc cô Hải yêu cầu, họa sĩ Đông không cung cấp, với lý do là gì, ông Đông sẽ giải thích cho các bên nếu cần. Không cung cấp không có nghĩa là không có. Khi đã có một hợp đồng thiết kế trọn gói, chúng tôi sẽ không ký trực tiếp với các cá nhân hay tác giả khác, trừ khi ông Đông yêu cầu”.
Tuy nhiên, về phần họa sĩ Hải, cô cho rằng do hợp đồng che giấu thông tin nên dù có ký vẫn không hiệu lực, chính vì vậy cô đã không ký.
Cũng theo bà Lan Anh, dự án VVTG gồm 11 cuốn sách, dạng bookazin, song ngữ hoặc đơn ngữ, đã được đăng ký bản quyền nội dung. 11 cuốn sách này về các địa danh, kiến trúc, ẩm thực, du lịch mang tính bản địa độc đáo. Trong đó Sài gòn cận cảnh (Saigon Zoom In) là cuốn sách thứ 8 trong dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.