Rồi anh lục tung cả căn nhà chỉ để tìm một cái khăn voan thật đẹp đẽ, mềm mại vân vê lấy tấm thân đỏ mọng hắt lên thứ ánh sáng kiêu hãnh trong nắng chiều. Mùi thơm của táo chín hay mùi hương đầy xao xuyến của người phụ nữ - là thứ mùi lưu cữu nhiều nhất trong trí nhớ vốn đã u mê nhiều năm của người đàn ông bên cạnh. Đàn ông có thể quên một dáng hình, quên một môi cười, quên một bờ ngực đầy hay gầy guộc nhưng mùi hương trên người phụ nữ luôn là thứ khơi gợi nhiều ký ức tươi đẹp nhất, khai sáng những vùng tối trong trí nhớ vốn dĩ khá tồi tàn.
Cô đã từng thấy mình như thế, thơm ngát, chín mọng, kiêu hãnh tột bậc trên cành vàng lá ngọc. Và chồng, cũng đã gói cô trong chiếc khăn được giặt giũ tinh tươm và tẩm ướp bằng loại nước hoa mang tên tình yêu tuổi trẻ. Tháng năm qua nhanh như trở bàn tay. Dù thanh xuân cô đã rơi đâu đó trong khu vườn, nhưng tại nơi này, cô đang đứng với suối nguồn tươi trẻ tái sinh trong khắp các mạch ngầm, lan ra từng tế bào. Cô cảm nhận được sức sống mới đang cuộn trào trong mình, khi đứng rất lâu trước gương trong nhà tắm. Ánh nắng mùa hè đậm đà vàng óng như mật ngọt hé mình xuyên qua lớp kính. Những sợi nắng lấp lánh hắt thứ hào quang lóng lánh lên thềm ngực còn vương những giọt nước mát lành, dù đã không còn tròn đầy như thiếu nữ nhưng vẫn gò lên những đường cong tuyệt diệu. Cô đưa tay hứng những đường cong. Ngạc nhiên thay, chúng không lộ một dấu vết hư hao nào, dù thằng Bin, con Bim đã giày vò chúng một thời gian dài để vắt kiệt đến những giọt sữa cuối cùng. Có lẽ cô là một phần trăm trong số hiếm hoi những phụ nữ hồi xuân được ban tặng món quà quý giá, để đợi chờ một lần hồi cung, thế cũng cam lòng.
Cô cảm nhận rõ ràng mọi thứ nảy nở từng ngày trong cơ thể mình, như thiếu nữ đang hân hoan tò mò khám phá những mới mẻ đang dần định hình bên trong thân xác phàm trần.
Cô có thói quen tự ướp hương cho mình. Tuần một vài lần, cô nấu một nồi nước gừng sả xông da mặt, tiện thể xông luôn cho căn nhà. Mùi thảo dược đôi khi có tác dụng thật vi diệu. Đôi lần chồng về ngay lúc cô xông mặt, dù không nói không rằng, nhưng rõ ràng những cơ mặt của anh đang giãn ra khi nhìn cô. Vậy thôi, là đã thấy đời còn dễ thương. Cô đâu có mong chờ điều gì hơn thế nữa.
Những niềm vui nhỏ bé, từ việc nấu một món ăn chồng thích, pha sẵn một ly nước mát lạnh khi chồng đi làm về, hay châm một tách cà phê ấm nóng cho mình mỗi sớm mai, ngồi lặng bên thềm nhà, ngắm bầy sẻ nâu tranh nhau mớ cơm thừa... Nếu chăm chỉ góp nhặt mỗi ngày, thì cũng có lúc chúng dày lên và thành một kho ký ức vui vẻ. Dù chồng chẳng mấy quan tâm đến điều đó. Anh khịt mũi khi cô khoe về những bông hoa bung nở rực rỡ, là thời khắc mà bất cứ người làm vườn nào cũng khao khát đợi chờ. Cô không chấp. Cô cũng đâu có hiểu những thống kê, những thặng dư, tỷ suất, lãi suất... với hàng trăm nghìn con số như múa rối trong máy tính của chồng và trêu ngươi mắt mình. Và khi anh nói anh phải làm việc, dù là ngày chủ nhật, dĩ nhiên, cô sẵn sàng rời khỏi giường, nhanh chóng pha cho anh một tách cà phê thơm lừng, khai sáng cả những ý nghĩ rối rắm trong đầu người đàn ông chỉ thấy vui vẻ khi được chết chìm trong những con số.
Những lúc ấy, cô thường nán lại hơi lâu nơi tủ bếp, cố tìm lại cảm giác được an ủi dịu dàng trong vòng tay đàn ông ôm vòng lấy ngang eo từ phía sau. Hơi thở chồng lúc nào cũng ấm, nhưng đôi khi nó phà ngang tai khiến cô nhột, thường rú lên một hồi sảng khoái, hai cánh tay lại nổi da gà. Cô vốn nhạy cảm, luôn luôn, với mọi hành động âu yếm. Chỉ nghĩ đến đó thôi, mà ngực cô tưng tức, ngột ngạt như sắp nổ tung. Hai gò má cô chắc là đang ửng đỏ, dù không hớp một ngụm rượu nào. Ai lại uống rượu vào buổi sáng, khi vừa rời khỏi giấc mơ hoang hoải. Có chăng, là ai đó muốn say muốn quên. Cô không muốn quên, nhưng lại say.
Và anh, không say, nhưng quên.
Hẳn rồi, chiếc khăn anh dùng để gói thanh xuân của cô, được cất kỹ trong một ngăn ký ức nào đó. Như chiếc áo cưới tinh khôi ngày anh đón cô về, nó cũng đã ngả màu cháo lòng trong ngăn cùng của chiếc tủ sắt hoen gỉ. Hơn mười năm rồi còn gì. Nếu là sắt, phải sơn phết lại, gỗ - thì quét véc ni, còn mình, khi lòng đã sóng yên gió lặng chừng đó năm, lẽ nào phải khơi lên một cơn bão để thấy mình còn đủ nhiệt huyết chống chọi và chịu đựng?
Đàn bà và những cơn điên
Cô vật vã đấu tranh với chính mình khi chính thức quay trở lại làm việc, khi đã rèn hai đứa nhỏ vào nề nếp và lựa được một người tin cẩn để giao phó việc đưa đón con. Công việc cũ, kiến thức cũ nhưng môi trường làm việc và đồng nghiệp mới toanh. Cô thậm chí phát khóc khi phải buột miệng gọi sếp mình bằng danh xưng “anh” méo mó, khi tính ra cả tuổi đời lẫn tuổi nghề của gã đều chỉ bằng hai phần ba mình. Dù sếp trẻ vô cùng lịch thiệp, nhưng rõ ràng, trong những cuộc họp mang tính chất quyết định, gã luôn khiến cô bối rối bằng những câu hỏi khó xoay quanh chỉ tiêu, kế hoạch. Cái giá phải trả cho việc có liền tù tì hai đứa con là cô đã hụt rất nhiều nhịp với đồng nghiệp cùng thời. Mọi cố gắng hòa nhập với đồng nghiệp đàn em đều vô tình hay cố ý bị phớt lờ. Cô không có giờ nghỉ trưa, cô không cho phép mình tận hưởng những giây phút rỗi rãi riêng tư đó. Những miếng ăn mang theo được xử lý gọn gàng, khi chỉ là vài lát sandwich kẹp bơ lạc, khi thì đòn bánh tét, lúc thì trái bắp, khi lại là quả táo chín cùng hộp sữa tươi mát lạnh. Cô cũng không cho phép mình len lỏi vào những câu chuyện vô thưởng vô phạt của đồng nghiệp, sau rất nhiều lần trôi ra khỏi những chuyên đề nhạt nhẽo, thường là nói xấu một ai đó trong nhóm khi họ vừa quay lưng, thậm chí chỉ là đi rửa tay rồi quay lại. Cô không giấu được nỗi sợ hãi cay đắng rằng rồi thì mình - một bà cô già lỗi thời, nhạt thếch - sẽ là thứ
hay ho để đồng nghiệp trổ tài thêu dệt đủ màu sắc. Ví như cô sẽ bị bọn họ tô vẽ thành một con tắc kè vừa lòe loẹt vừa thô kệch, xấu xí đến phát ức lên mà chết, cũng nên!
Nhưng chỉ là cô cạn nghĩ vậy thôi, chứ ai đâu rảnh hơi chọc ngoáy cho bà cô già nổi cơn tam bành. Thế thì ai sẽ phải thức thâu đêm lên kế hoạch sản xuất chương trình cho cả đám được thụ hưởng. Cô chỉ ức đến phát nghẹn, lại cố nuốt ngụm cà phê đắng chát giữa đêm, khi cánh tay chồng duỗi thẳng đơ trên nệm, khuôn mặt chìm sâu trong những toan tính lo âu, đến nỗi những nếp nhăn còn khoanh vùng trên trán. Mùi hương dịu dàng từ vợ không mảy may làm anh đoái hoài. Cô chờ đợi một cái ôm, chỉ là một cái ôm thôi, nhưng sâu, vô cùng. Anh vẫn không hề biết điều đó, dù thân thể nóng rực của cô vẫn kề sát bên mình, như hơn chục năm nay vẫn thế, điềm nhiên sưởi ấm.
Hầu như đêm nào, trước khi tắt đèn vào nửa khuya, cô đều phải ngoái nhìn chồng một lượt. Không ít lần cô thức trắng, dù cố dỗ giấc ngủ bằng mọi cách, nó vẫn không chạm được vào mình. Cô và anh, sau bao luyến ái trần tục, sao lại ra nông nỗi? Cô và anh, như đóa hoa bỉ ngạn đẹp đẽ vô cùng nhưng cũng sầu bi vô cùng. Khi tình yêu của cô đỏ rực bung nở trên những cánh hoa, thì cái màu xanh nâng đỡ tình yêu từ chiếc lá đã dần mục ruỗng. Nên chăng, người ta nhìn ra vẻ đẹp của bỉ ngạn mà không tìm đâu ra nét tươi vui, chỉ thấy sầu ai thống khổ kiệt cùng.
Đàn bà và những cơn đau
Đau lắm, từ âm ỉ đến độ như thác trào. Làm thân phụ nữ, là chấp nhận đánh đổi bằng những cơn đau, đau để lớn, đau để gầy dựng nòi giống về sau. Nhưng cũng sẽ có lúc cô phải chấp nhận rằng những cơn đau sinh tử sẽ làm lu mờ mọi ý nghĩ tươi sáng khác về tương lai. Như ngay lúc này, khi niềm tự hào về những đường cong tuyệt mỹ vẫn chưa thôi, thì cảm giác nhói buốt len lỏi trong bầu ngực lan dần ra hố nách khiến cô khựng lại hồi lâu, sửng sốt, bàng hoàng. Cảm giác vụn vỡ như khi phát hiện một con sâu ngọ nguậy trong trái táo cắn dở khiến cô sượng chín cả người. Rõ ràng, người ta chẳng màng đến giá trị của sự bình yên, cho đến khi có sự xuất hiện của một cơn đau. Nó như một con rắn không chịu nằm yên, khi thì ngọ nguậy bên này, lúc lại trườn về bên kia, lâu lâu lại ngóc đầu mổ một phát nơi hồng hào đẹp đẽ nhất mà nó đang trú ngụ. Cô trút bỏ tất cả những lớp vải vướng víu trên mình, giơ cánh tay lên sau đầu, bắt đầu một cuộc kiểm tra toàn diện. Dù rất cố gắng, và đã lặp đi lặp lại nhiều lần, cô vẫn không thể tóm được một manh mối nào về căn bệnh đang mơ hồ hiện lên trong tâm trí mình. Cô đã từng tham khảo rất nhiều tài liệu về các triệu chứng âm thầm nhưng chính là sát thủ của căn bệnh này. Và những triệu chứng của mình, cô biết mười mươi dính vào căn bệnh đó. Cô bật cười chua chát. Ơ hay, hóa ra những thứ đang nảy nở trên cơ thể đàn bà hồi xuân, lại không phải là dấu hiệu hồi xuân tươi thắm, mà là một cuộc thanh trừng ác nghiệt của số phận. Lâu nay, cô cứ nhìn gà hóa cuốc. Cô điên thật, điên thật rồi!
Chưa bao giờ cô nghĩ rằng có ngày mình sẽ lê những bước chân nặng nề vào bệnh viện ung bướu. Nhưng để rõ ràng mọi chuyện, cô buộc phải đi. Dù trang bị khẩu trang bịt kín mặt, cô vẫn giật thót mình khi thấy những mái đầu chỉ vài cọng tóc lơ thơ quét ngang trước mắt. Người phụ nữ ngồi cạnh buột miệng hỏi han:
- Cô đau phải không? Đau nhói từng chặp đúng không? Tôi cũng thế. Người ta chích sống và hút ra cả chén dịch trong đó. Nhưng cô đừng sợ, bác sĩ chỗ này tâm lý lắm!
Thật hài hước khi người ta vừa thả một câu gây ớn lạnh vừa bồi thêm một câu an ủi. Cô chỉ khẽ gật đầu. Trí não cô trống rỗng cho đến khi cô y tá bảo cởi tất cả các lớp áo trong ngoài. Cô điếng người khi nhìn bàn tay nam bác sĩ trắng ởn sờ nắn chỗ đau của mình. Cô lại nhắm tịt mắt, tưởng mình đã hóa đá.
- Không phát hiện khối u nên chị chịu khó đi siêu âm rồi quay lại đây nhé!
Cô run rẩy trút bỏ những lớp áo thêm một lần nữa trong phòng siêu âm. Dường như mọi cảm giác, kể cả cơn đau hay sự xấu hổ đều lui bước, ngay khi cô nhìn thấy người phụ nữ ngồi cùng băng ghế chờ khi nãy để lộ ra một bên ngực lõm - dấu vết của một cuộc thanh trừng thô bạo mang tên ung thư. Cô choáng váng, như người say, như mất trí, như không còn nghe được bất cứ lời nào, từ người nào.
Tay bác sĩ thoáng nhíu mày, chưa phát hiện gì chính xác, lần sau có thể sinh thiết cho chắc chắn.
Sinh thiết, nghĩa là chọc một khúc kim vô thẳng chỗ đó mà hút ra cả chén dịch, ghê lắm đó! Thôi, cô không nghĩ được gì nữa, cũng không dám tưởng tượng đến cái chén dịch có nguy cơ đặt trước mặt mình.
Cô trôi cùng chiếc xe cũ kỹ trong cơn mưa gầm gừ như đang trút giận. Những hạt mưa vỡ tan trên kính xe, ướt nhòe mặt đường rồi nhanh chóng tan vào nhau thành dòng nước xiết. Phải chăng, những hạt mưa cũng chỉ tròn trịa vẹn nguyên khi chưa chạm vào một vật thể khác có thể làm nên những sát thương nghiêm trọng, khiến nó vỡ tan rồi lại bốc hơi nhanh chóng.
Cô rùng mình khi mở cổng nhà. Có lẽ nào mình cũng sẽ bốc hơi?
Có thể là lúc khác, không phải lúc này. Vì ngay lúc này, cô vẫn còn nhìn thấy khuôn mặt đầy nếp nhăn của chồng hiển hiện ngay trước mắt. Giọng càm ràm của anh khiến cô sực tỉnh.
- Em gặp chuyện như thế mà sao không nói với anh?
Tay bác sĩ, người mà cô không đủ dũng cảm để nhìn thẳng, thì làm sao cô biết mới tuần trước vợ chồng cô còn xởi lởi đến uống rượu mừng cưới. Tay ấy, chính là bạn hữu thân cận nhất của chồng.
Cô nhắm mắt đồng lõa với bóng đêm. Hơi thở chồng vẫn ấm, bàn tay anh vẫn xao xuyến không rời trên bờ ngực đầy. Cô tưởng chừng như bàn tay chồng cuống quýt muốn níu giữ những thứ sắp trôi khỏi thân thể mình. Nhưng những giọt nước mặn mòi rơi từ khóe mắt cô, anh không thể giữ chúng được nữa.
Vòng tay ôm của chồng vẫn chắc, nhưng liệu có níu được cô khỏi rơi xuống vực thẳm đang hút sâu trước mắt? Mỗi khi cô chợp mắt, chỉ thấy vết lõm trên ngực người phụ nữ hôm nọ.Và một chén dịch nhầy đầy ứ trước mắt.
- Còn anh, anh thấy gì?
- Không gì cả! Trong y khoa, không phải mọi thứ đều chuẩn xác 100%. Thậm chí, chúng ta vẫn còn có những phép màu kỳ lạ. Miễn là em tin.
Cô thiếp đi trong tiếng mưa rơi rào rạt trên mái nhà, chỉ kịp nghe tiếng vọng từ một hơi thở thân quen. Trong cơn mơ ngủ, vẫn còn nghe mùi táo chín dịu dàng quyện quanh những lời nguyện cầu.
Và chồng, cũng thật dịu dàng lần giở chiếc khăn cũ kỹ gói đầy ký ức.
Bình luận (0)