Hai cha con đi lấy đặc sản rừng. Mùa nào thức nấy. Rừng miền Đông trái cây thôi thì vô thiên vô lủng. Nào xay, cám, bù lộp, gùi... đến mùa măng thì bà má ngày nào cũng có mặt ở chợ bán đủ loại măng khô măng tươi. Đúng là nghề dạy nghề. Mùa chính mưa ở miền Đông dầm dề không thua chi mùa mưa ở Huế trong thơ Nguyễn Bính mà cha của Bảy Bền thừa tài để cho ra măng sấy là quá xá hay. Nghề không cao dễ chi được. Chưa kể bẫy cò ke còn cho bà má có thu nhập thêm từ thịt rừng. Ngày nào ông cha cũng khề khà vài ly đế bên một đĩa thịt tú hụ không cheo, chồn thì cũng nhím, sóc hay gà rừng. Hai cha con còn tham gia lấy cây về bán cho những trại mộc. Ai làm nhà cần loại cây chi cứ gặp cha con Bảy Bền là xong tuốt. Nhờ chí thú nên mười lăm tuổi Bảy Bền đã có một cặp bò kéo xe chiến đấu. Trên cỗ xe bò, Bảy đi sâu vô những cánh rừng lồ ô đem loại cây này về xóm nhỏ dựng nghề chẻ tăm nhang cho bà con cô bác kiếm thêm.
Với rừng, Bảy Bền tinh thông hơn cả căn nhà của mình.
Nhờ cái tinh thông này mà những năm khốn khó sau chiến tranh rất nhiều các ông các bà có của nương theo Bảy Bền mà ăn nên làm ra, lên luôn cả hàng tỉ phú xứ ta chứ triệu phú thì khỏi nói. Đặc biệt những năm rừng bị nghiêm cấm, ai vào rừng không giấy phép là tù không cãi cọ lôi thôi. Kẹt cái lúc đó kinh tế còn khó quá, cấm thì dân nghèo lấy chi sống? Thôi thì gỗ thì cấm triệt chứ mây tre lá ta cho qua. Cấp giấy phép cho họ và ta thu thuế nuôi rừng. Nhưng quý vị thị thành muốn biết đâu đó trong nguyên sinh có tre có mây có lá thì phải thông qua thằng chưa tốt nghiệp lớp ba là Bảy Bền, còn gọi nó là anh này anh nọ nữa mới là ngon hung. Bảy hóa thành thần tài cho các vị có giấy phép.
Mỗi chủ khai thác chí ít trong tay năm mươi lính lác. Họ giao hết cho Bảy. Bảy đưa thợ vào những cánh rừng nơi ngự trị toàn lồ ô. Người ta đưa lồ ô cây về nhà máy để sản xuất đũa. Mỗi cây người thợ rừng hưởng bảy trăm đồng. Zin 130 đưa về nhà máy là hai nghìn đồng. Mỗi cây chủ thầu lời một ngàn ba, cho chung chi thuế má xăng cộ hết một ngàn, ta còn ba trăm. Mỗi xe sáu trăm cây ta có một trăm tám mươi nghìn lãi. Mỗi ngày ta có năm xe về nhà máy thì không tỉ phú thì là chi? Ngoại trừ lồ ô cây, ta còn cho ra niền để chế biến tăm nhang, mỗi bó niền thợ rừng ăn bốn ngàn, về đến chỗ bán là bốn mươi ngàn, cho chi phí tối đa ba mươi ngàn. Mỗi Kamaz chở bốn trăm cục niền, ngày đi hai xe. Mẹ cha ơi vàng để đâu cho hết, nói chi tiền.
Về sau có một đại gia rất am tường thiên thời địa lợi và lòng nhân ái bao trùm không chừa một khoảng trống nào ở vùng rừng X. Vợ của Bảy Bền nhờ ông ta mà thoát chết, cảm tạ cái ơn này nên Bảy kính cẩn gọi đại gia là anh Sáu và nghiêng mình dưới trướng anh trong nghiệp khai thác độc quyền mây tre lá. Anh Sáu lên Bảy cũng lên theo và anh Sáu nâng Bảy Bền như nâng trứng. Chao ôi Bảy hay lắm. Lồ ô dưới lũng sâu mới là loại nhiều năm tuổi. Muốn ra một cặp đũa không bị tòe đầu phải lồ ô ba năm tuổi đi lên, cây non là bỏ. Tăm nhang cũng vậy, chẻ xong đem đánh bóng thì cây tăm non sẽ gãy, nếu may mắn còn nguyên chúng sẽ bị cong vòng khi cắm lên bát hương. Bọn nghiệm thu rút lên một nắm chỉ cần một cây bị oằn là chúng bỏ cả kiện. Hàng xuất khẩu đang nằm ở bến cảng mà bị trả là chết, nên chi bước khai thác thô phải tuyệt đối cây già. Muốn cây già thì xuống lũng. Nhưng lũng trong rừng miền Đông không thua chi dốc cao khúc khuỷu dốc thăm thẳm trong thơ ông Quang Dũng tí nào. Tuy vậy với Bảy Bền thì không sao. Anh ta điều trị tốt.
Thợ rừng cứ cho ra sản phẩm bất kỳ nơi đâu, đèo cao hay suối sâu. Khó khăn cỡ nào cũng không qua được Bảy. Xét cần hai ba chiếc Zin sẽ vào bốc hàng một chỗ để cùng nhau hợp lực mà qua truông qua đèo. Bảy sẽ cùng một tốp công nhân chuyên xẻ đường luôn có mặt trên từng cây số với cuốc chim và xẻng trên vai. Bọn tài xế Zin 3 cầu và Zin 130 phong Bảy lên hàng kỹ sư cầu đường luôn. Còn nói vầy:
- Mấy thằng kỹ sư thời nay phải gọi Bảy Bền bằng sư phụ.
Khai thác mây tre tạm gián đoạn khi mùa đười ươi đến. Mẹ cha ơi. Dân rừng miền Đông lên hay không nhờ loại trái cây này. Tháng giêng là thợ đã xuyên rừng tìm cây và đánh dấu. Cây nào có tên là xin đừng rờ vào, thợ rừng nói chuyện với nhau bằng cú đấm là chuyện nhỏ. Dao rựa cũng nhỏ luôn. Cây tao mà mày dám tra búa vô hạ là bao nhiêu tao lấy hết. Luật rừng đã định rồi. Cây đã khắc tên ai biểu mày đụng vô? Tháng 2 là túa ra đi lượm ươi bay. Loại trái này trị được bách bệnh đa nghe. Nóng trong người, thiệt đó, đang xỉn rượu tối mặt mà chơi một ly hai trái ươi là nhẹ liền, cả táo bón kinh niên cũng chào thua đàn anh ươi. Nghe đâu nó còn trị được tiểu đường và thấp khớp. Nhưng nếu chỉ vậy thì không thể trả lời cho câu hỏi vì sao ươi đắt như vàng. Đến mùa đầu nậu thu mua để xuất khẩu. Chả ai cần biết xuất để làm chi, chỉ biết nó cao giá lời nhiều là em làm cái đã tính sau.
Nhưng mà đi lượm ươi bay thì một ngày được mấy trái? Cơm ăn cơm dỡ vô rừng mà đi lượm thì ở nhà đi móc bọc ni lông còn có ăn hơn. Quý ông thợ rừng tra búa tra rìu vô cây hạ hết. Khổ cái là rừng đang được bảo vệ. Cụm rừng anh đang khai thác lồ ô tại sao cây ươi này bị đốn? Chỉ một cây bị ngã là anh bị tước giấy phép ngay tức khắc nghe chưa? Dạ nghe.
Lúc này mới thòi ra cái thông minh của thằng chủ soái Bảy Bền. Bảy không đốn mà trèo lên cây để hái. Mẹ ơi. Cây ươi trái nhiều phải là cây trưởng thành cả hai vòng ôm người lớn và cao tầm hai mươi mét, ông cố nội ai leo cho được thưa quý anh? Ai không được chứ Bảy Bền thì pha. Bảy chả có võ nên nào biết bích hổ du tường là cái ba láp ba xàm chi, Bảy cũng chả tin cái vụ nhún một phát bay lên như trong phim Tàu. Tôn Ngộ Không cũng xạo luôn. Bảy trèo theo kiểu của Bảy và truyền nghề cho anh em thợ chả giấu giếm chi.
Bảy ra lò rèn đặt đánh bốn mươi cây đinh. Mỗi cây dài bốn mươi phân bằng thép lò xo phuộc nhún của xe Zeep lùn còn sót lại từ thời mồ ma ông cộng hòa. Không có loại thép này thì phải tạm sử dụng sắt rằn phi 12. Thêm một cây búa ba ký mà cái cán cũng được hàn bằng thép trắng. Một sợi đai lưng dùng để trèo trụ điện cao thế là xong bộ đồ trèo cây. Cứ thế Bảy trèo. Cứ lên cao năm tấc nện một cây đinh lút vô hai mươi phân, bốn mươi cây là hai mươi mét. Lên đỉnh rồi tha hồ ta hái. Lưng lửng bao là thả xuống bằng một sợi tời vẫn đeo sau lưng khi chinh phục đỉnh cao. Cái vụ trèo này phải gan góc cỡ Phàn Khoái thời Hán Sở tranh hùng bên tàu. Lên cao là gió ngàn lồng lộng thổi. Những ai từng trèo dừa để làm cỏ chắc biết gió ra sao khi trên cao. Nhưng trên một ngọn dừa kẻ trèo không có cảm giác ngợp bởi bên dưới là nhà và vợ con đang à ơi hát bài quê hương. Cái ngợp của màu xanh đại ngàn cực bí hiểm. Ta có cảm giác như đang một mình trên biển xanh bao la với một mảnh thuyền con. Cái ngợp ấy là niềm cô đơn của một sinh linh bé mọn trước hùng vĩ của cao thâm.
Dân sống bằng rừng tất nhiên gan dạ có thừa. Đối phó với sốt rét rừng hay hùm beo lợn rừng thậm chí cả ông bồ cũng không sợ. Con nít mới lớn cũng coi pha. Một thợ rừng thật sự phải dám trèo lên đỉnh cao khi đi ươi. Mỗi tốp đi ươi thường bốn nhân mạng, hai trong bốn dám trèo là bảnh lắm, thông thường mỗi tốp chỉ một đại ca. Những đại ca này mệt một tí khi trèo và hái trái, bù lại khi gùi sản phầm về xuôi đại ca có quyền đi tay không. Về xuôi để bán không dễ đâu thưa quý anh hào. Ươi cao giá nên lắm thằng trời ơi hạ cây lấy trái, kiểu thu một lần là tận tuyệt. Vì vậy bảo vệ và kiểm lâm bắt rạt gáo bất kể anh trèo hay hạ. Thợ phải cắt rừng xuyên sơn không để hàng làm ra bị lấy lại. Lắm khi phải băng sơn cả ngày mới đến nơi.
Vậy nên Bảy Bền kết nghĩa đệ huynh với một thợ rừng cũng gan góc không thua. Hắn tên Minh Tàn. Tay này một vợ ba con. Lâm tặc loại chiến. Minh Tàn từng ở tù vị tội trộm gỗ quý trong rừng cấm. Tù xong hắn nép mình dưới trướng đại gia Sáu làm lồ ô nuôi vợ con. Mùa ươi có Tàn, Bảy Bền khỏe re vụ trèo cây. Tàn tuy nhỏ con nhưng khỏe như con bò, vài chục ký trên vai hắn bước cả cây số mà hơi thở không nặng. Một cục niền năm mươi ký hắn nhấc lên xe bằng hai tay như Trụ vương bê nàng Tô Đát Kỷ trong phim Phong thần. Chỉ mùa ươi mới kéo Tàn và vợ con hắn ra khỏi khổ lụy của cơm áo gạo tiền. Cho hay nghèo mà ham vui nên khổ thì ráng chịu con ơi. May cho Tàn là biết sống biết chơi nên Bảy lâu lâu cứu trợ bạn hiền vài đồng cho qua thì mưa gió. Không có Bảy e rằng vợ Tàn qua không khỏi cái đận bị hư thai đứa thứ tư. Mẹ cha ơi đêm hôm khuya khoắt mà vợ hắn than đau bụng. Bảy phải đích thân đánh Zin 130 qua mặt đại gia Sáu đưa vợ bạn lên bệnh viện huyện. Bạn bè vậy chớ sao nữa bây giờ hả ba quân? Tốt quá thì thôi.
Nhưng có một chuyện mà Minh Tàn nhớ ơn Bảy suốt đời không thể nào quên. Ơn nặng bằng sinh thành chứ không ít. Số là mùa ươi năm ấy Tàn bị một tai nạn hy hữu tưởng chết. Sống được thì quả là mạng lớn tầm thái sơn. Tàn trèo lên đỉnh một cây ươi hái trái sao đó không biết mà hắn bị sẩy tay rơi xuống, may thay một cánh tay của thân ươi giữ Tàn lại bởi xóc vô áo. Áo thợ rừng bằng ni lông tốt nên Tàn ta toòng teng. Nó mà toác một phát thì Tàn du địa phủ. Dưới gốc cả bọn toát mồ hôi khi nhìn Bảy Bền bò ra cành cây cứu thằng bạn. May quá cây ươi ngó vậy mà dai. Ơn cứu mạng này đã khiến Tàn và thợ rừng làm mây tre cho chủ Sáu kính trọng Bảy lắm.
Nói chung về gan dạ và tinh thông rừng Bảy Bền là số một. Sống với bè bạn có tình có nghĩa cũng hết ý luôn.
Nhưng như vậy đâu đã hết cái ngon lành của Bảy với rừng. Ba cái cây ăn trái và mây tre lá chỉ là chuyện vặt, dù cái vặt này là sự sống của vô thiên vô lủng dân dưới đáy cuộc đời. Cái làm nên tên nên tuổi Bảy Bền là một nghiệp khác, nghiệp này có làm vẩn đục đi tí chút tình thân của Bảy và Minh Tàn. Tàn cho rằng trên đời này không có chi độc ác hơn là phá nhà cướp của nhà người. Ủa... chớ nghiệp chi mà nghe rợn óc vậy kìa? Xin thưa đó là nghiệp ăn ong. Đúng rồi. Đi lấy mật ong đồng nghĩa với phá nhà cướp của chớ còn chi nữa. Nhưng nói vậy liệu có cực đoan không? Té ra câu vật phải dưỡng nhơn là sai à? Vậy thì lấy mật đâu mà... rơ lưỡi cho trẻ mới sinh?
- Nói thiệt với mày - Bảy Bền nói với Minh Tàn - Bọn nhà giàu ăn tay gấu, óc khỉ, hà nàm cheo chồn nhím thỏ heo rừng có sao đâu? Nói như mày thì hạ một cái cây cũng ác vậy. Ác ác ác cái con khỉ. Tao thấy mấy ông quyền chức khen cái rượu ngâm ong non quá chừng luôn. Nhất là vò vẽ hay ong lỗ.
- Mày chỉ biết cái trước mắt mà không biết cái nguy hại về sau. Con ong cái kiến hay bất cứ một sinh linh nào có sự sống là có quyền tồn tại như tao và mày. Một cái cây cũng có linh hồn của nó. Trong Truyện Kiều ông Nguyễn Du viết rằng: Cũng là phận cải trôn kim. Nghĩa là một hạt cải, một cái trôn kim bị sứt cũng có số phận của nó…
- Dẹp mày đi. Tao mới lớp ba chả biết ông Du cô Kiều nào hết. Tao làm gì kệ mẹ tao, rủ mày đi kiếm tiền không đi thì thôi đừng có dạy khôn tao.
Nói vậy chứ ăn ong đâu phải ai cũng làm được. Không có nghề ong nó đốt cho mất xác chứ chơi sao? Ong ở rừng miền Đông đâu phải như ở miệt U Minh trong Đất rừng phương nam của ông Đoàn Giỏi. Đâu đơn giản đến mùa là vào rừng canh hướng gió đặt kèo chờ ngày lấy mật. Ong mật miền Đông đóng tổ trên cổ thụ cao cả mười lăm mét là thấp. Có tổ to bằng tấm chiếu đơn, chỉ cần xin một nửa là có cả vài mươi lít tinh túy của rừng. Phải có bí quyết mới dám đụng vô nơi ở của chúa rừng. Xưa nay ai cũng nhầm ông ba mươi là chúa sơn lâm. Xin thưa chúa của rừng xanh phải là ong mới chính xác. Có những tổ ong đóng trên cao cả gấu chúa cũng chờn không dám to toe. Chưa leo đến đã bị đánh cho tối mặt còn đâu nữa mà ăn? Riêng cái khoản ong lỗ thì chúa sơn lâm phải cong đuôi chạy dài. Thậm chí chạy mà vẫn bị đuổi theo đánh cho kỳ chết mới thôi. Thiên hạ nghe đến ong vò vẽ là đã chờn, vò vẽ mà so với ong lỗ thì chẳng ra chi. Đã có người bị ong lỗ đánh đến thối thịt.
Có dữ đến mấy vào tay của Bảy Bền là xếp giáo quy hàng. Hôm đó một thợ rừng đang vác lồ ô vào đống thì bị ong lỗ tấn công. Ba chân bốn cẳng anh ta chạy về chòi. Nghe kể, Bảy Bền liền khoác túi dết rồi thân chinh đến nơi. Chỉ một mồi lửa và một cái chi đó trong túi dết được đốt lên mà Bảy Bền dám bật nắp một tổ ong lỗ mà vỉ chứa ong non có đường kính những năm mươi phân. Cả chục vỉ như vậy. Bảy Bền khẳng định rằng trong tất cả các loại con non các loài thì ong lỗ và vò vẽ là tốt nhất. Hà nàm của thú bốn chân cũng không qua. Con ong non ngâm rượu là một loại phục hồi khí lực của đàn ông tốt nhất trần đời. Cả sâm nhung quy thục bên Tàu cũng không dám bì với ong non. Nhìn tổ ong lỗ bị diệt, Minh Tàn lắc đầu:
- Tổ ong này đâu có ghẹo mày mà mày giết nó vậy?
- Thằng Dũng Giỏi suýt bị giết mày biết không?
- Đụng đến thì nó cảnh giác vậy thôi, nó đuổi chứ có đánh đâu, nếu nó đánh thằng Dũng chạy lên trời cũng không thoát. Mày coi chừng bị trả quả cho coi.
- Nhân với chả quả. Mày yên cho tao nhờ cái coi.
Dữ như ong lỗ mà Bảy Bền còn trị cái một thì ong mật là nguồn thu tuyệt vời nhất mà Bảy có. Thời nào cũng vậy, gian trá luôn đi kèm. Thấy một thằng chở mật trong rừng ra, mật còn nằm trong vỉ sáp hẳn hoi mà vẫn cứ là nước đường. Chỉ mật của Bảy là tuyệt đối không pha. Và nguyên chất luôn có giá của nó. Đại gia nào muốn có mật tốt cứ gặp Bảy. Ai mua mật muốn biết thiệt chơn cứ đưa cho Bảy. Ba cái vụ thử lá hành không đáng tin bằng cái lưỡi của chính chúng ta. Mật ong là tinh túy của hương hoa đương nhiên nó phải nhẹ hơn mật của đường. Một chai mật ong bọn gian trá luôn cho mật thiệt nằm trên. Muốn thử ta rót ra chén. Mật ra trước trong lưỡi ta có vị khác mật giữa chai. Chả một thằng bán mật gian manh nào qua được Bảy.
Thiên hạ rừng X gọi Bảy là chúa không ngoa tí nào hết.
Và chúa chết vô cùng thảm khốc.
***
Ngày nay hầu hết dân X vẫn còn kể cho nhau và con cháu nghe về cái chết của Bảy Bền. Quả ông bà dạy sinh nghề tử nghiệp không ngoa tí nào hết. Ăn ong lên đến hàng sư như Bảy mà vẫn không thoát sự truy sát của thần rừng. Ai từng mục kích và tham gia chôn cất Bảy Bền đảm bảo tin rằng rừng có thần.
Mùa ươi tàn. Dân mây tre trở lại nghiệp chính, tuy vậy vẫn còn một số kiếm cú chót trước khi mùa mưa đến. Những năm tháng ấy rừng còn nhiều nên thời tiết rất ổn định. Giữa tháng ba âm lịch dân nương rẫy đã xuống giống đón mưa, và chắc ăn là chỉ ba ngày sau khi xuống là cây mưa đầu mùa đến tức khắc.
Hôm ấy thằng Đen chạy về hào hển nói với Bảy Bền:
- Chú Bảy ơi… tui đi mót ươi gặp một tổ ong thế to lắm.
- Ở đâu?
- Nó đóng tổ trên một cây ươi ở đồi Tượng.
- To cỡ nào?
- Bằng cả tấm chiếu chú ơi. Tui đang lượm nghe ù ù trên đầu, sợ quá chạy về báo cho chú hay.
- Mày dẫn tao đi lại chỗ đó coi.
Ngay chiều hôm ấy Bảy Bền theo xe về xuôi. Hôm sau có mặt tại hiện trường, thêm thằng em vợ tên Bằng và một đệ tử tên Hòa. Thường thì khi lấy ươi có thêm Minh Tàn là đủ bộ tứ. Nhưng gì chứ ăn ong thì không có tên Minh. Theo Bảy Bền thì chẳng qua Tàn ta sợ ong đánh nên lên giọng chứ đạo đức cái con mẹ gì thằng tù đó:
- Mẹ nó - Bảy Bền nói - nó tù thì chớ còn từng làm trong lò mổ heo. Trâu mà nó còn lột da sống bằng lưỡi câu nữa kìa.
Nói xong ba thầy trò lên đường, Đen theo luôn cho đủ bộ:
- Mày cứ ngồi yên dưới gốc coi tụi tao làm, về tao cho mày năm lít. Được chưa?
Trước khi nện đinh thép vào thân cây, Bảy Bền đốt 6 cây nhang đại. Nhang đại dài tám mươi phân, to bằng ngón tay cái. Bảy dắt vô dây lưng ba cây, ba cây còn lại giao cho 3 đệ tử. Trước đó bầy ong nghe động đã thả rơi tự do từng tảng ong xuống đầu bộ tứ rồi bay lên nghe ù ù như tiếng máy bay. Vậy mà không biết trong mấy cây nhang Bảy pha chế cái chi mà bầy ong không dám lao xuống. Chúng chỉ bay đen ngòm và đặc sệt bên ngoài ù ù ù ù nghe vô cùng kinh rợn. Không kinh nghiệm lão luyện là đứng tim chết tại trận. Thằng Đen lần đầu nên mặt tái như chàm đổ. Không có cái tỉnh khô của Hòa và Bằng là nó bỏ của chạy lấy người.
Cứ thế Bảy nện đinh đến đâu lần lên đến đó bằng đai lưng trèo trụ điện. Bầy ong tuốt trên cao ù ù hăm dọa chả làm Bảy động tâm. Đóng đến cây đinh thứ ba mươi, nghĩa là độ cao áng chừng mười lăm mét thì sự cố đến.
- Trượt chân chăng?
- Không.
- Dây thắt lưng bị đứt?
- Không. Dây cáp dù bẹ ba xịn đứt sao được.
- Vậy thì cái gì?
- Trời hại.
Đúng lúc đó mây đen kéo đến và cây mưa đầu mùa của rừng miền Đông nhanh chóng tràn qua. Trời hại hay thần rừng lấy mạng thì cũng như nhau. Mưa đủ để tắt sạch mấy cây nhang đại - cái mà - dùng để cho tất cả các loại ong hãi sợ hoàn toàn mất tác dụng. Về sau mấy thằng chuyên ăn ong kể rằng, thông thường khi mưa đến ong sẽ lui về để bảo vệ tổ và ong chúa. Nếu vậy thì Bảy Bền đủ thời gian để tuột xuống và chạy. Nhưng không hiểu sao bầy ong ào vào Bảy và tấn công. Hàng tỉ con ong thế. Loài ong mật dữ như gấu ngựa, con nào con nấy to bằng ngón tay út tha hồ đánh kẻ đang phá nhà mình. Ba thằng dưới gốc hãi quá ba chân bốn cẳng tuôn theo đường mòn chạy về chòi.
Sau cơn mưa toàn thể thợ rừng ngồi ở chòi nghe báo cáo sự thể. Không một thằng nào dám lên hiện trường xem Bảy sống chết ra sao. Mẹ ơi có nghề có cả đồ nghề còn chết nói chi tay không. Tài xế chở lồ ô về xưởng báo ngay cho đại gia Sáu. Sáu báo lên chỉ huy lâm trường. Ngày hôm sau các quan rừng và vợ cùng hai đứa con của Bảy có mặt. Cũng chả ai dám thâm nhập hiện trường. Lúc đó đại gia Sáu mới nhớ đến Minh Tàn.
Minh Tàn đang chăm bà xã hắn ở bệnh viện. Đại gia Sáu phải nhờ một hộ lý chăm lo người bệnh rồi đưa Tàn lên rừng bằng Min khơ 125 phân khối. Minh đến ngay hiện trường không một chút sợ hãi. Về sau hắn nói với anh em rằng sau hai ngày một đêm cái xác đã lạnh giá. Ong là loài thanh khiết và tinh khôn. Bằng chứng là nó chỉ giết kẻ phá mình chứ tha cho ba thằng ăn theo. Chúng mà cố tình thì cu Đen, Hòa và Bằng lên trời cũng không thoát. Xác chết đã nặng mùi tử khí nên đàn ong phải ra đi.
Đưa cái xác của Bảy xuống là một kỳ công của Minh Tàn.
Và rất ngoạn mục.
Những sợi dây trên những chiếc Zin 130 dùng để cảo cứng lồ ô trước khi rời rừng được tập trung. Tàn nối một sợi dài thăm thẳm rồi theo những ngọn đinh trên cây ươi cứ thế leo lên. Tất nhiên là cũng đai lưng tử tế. Đến bên Bảy Bền, Minh Tàn cột một đầu dây vào lưng anh ta. Lấy cái túi dết đựng đinh và cây búa. Minh tiếp tục nện đinh vô thân cây lên đến cái nhánh mà cái tàng ong trắng như hoa bưởi đang tại vị. Nó to bằng tấm chiếu là có thật. Minh cột sợi dây vào nhánh cây rồi lại bò xuống chỗ xác chết. Hắn ta rút trong túi dết ra một lưỡi dao, thọc mũi nhọn vào cái đai lưng của Bảy Bền. Đai lưng đứt và Bảy Bền toòng teng bởi sợi dây được cột chặt bên trên.
Thật khủng khiếp.
Một người chết đang lơ lửng trên không.
Minh Tàn lại trèo lên nhánh cây. Tháo sợi dây đưa xác chết từ từ xuống đất và Bảy Bền lên xe Zin về nhà để ra nghĩa địa.
Bình luận (0)