Sống cùng lịch sử với thủ pháp mới

20/08/2013 03:05 GMT+7

Việc khán giả Việt chưa “mê” phim lịch sử Việt cũng đang là áp lực của đoàn phim Sống cùng lịch sử khi đang ráo riết chuẩn bị tiền kỳ, để bấm máy vào tháng 9 tới.

Việc khán giả Việt chưa “mê” phim lịch sử Việt cũng đang là áp lực của đoàn phim Sống cùng lịch sử khi đang ráo riết chuẩn bị tiền kỳ, để bấm máy vào tháng 9 tới. 

Nhằm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà nước đã rộng rãi chi ngân sách đặt hàng 4 phim truyện nhựa, gồm: Nhà tiên tri (biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Vương Đức), Sống cùng lịch sử (biên kịch Đoàn Tuấn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Công ty TNHH MTV hãng phim truyện VN), Mỹ nhân (tác giả Văn Lê, đạo diễn Lê Hoàng, Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng) và Những đứa con của làng (tác giả Phạm Dũng, Công ty TNHH MTV Nam Phương-Hongngatfilm). 

Đậm không khí huyền thoại

Sống cùng lịch sử với thủ pháp mới 1
Phim Ký ức Điện Biên từng được cấp kinh phí 17 tỉ đồng đã gặt hái giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Cánh diều vàng 2004 - Ảnh: Tư liệu

Trong đó, Sống cùng lịch sử đã được duyệt chi 22 tỉ đồng, nhưng theo nhận xét của một số người làm phim thì con số này “chả bõ bèn gì” vì kinh phí làm phim lịch sử thuộc dạng “túi ba gang”, co vào kéo ra bao nhiêu cũng được. Hóm hỉnh nói về kỳ vọng với bộ phim, biên kịch Đoàn Tuấn cho biết: “Nhà nước đã không sợ tốn thì các nhà làm phim cũng đừng ngại kém. Làm sao để phim lịch sử thời nay thực sự thuyết phục và tiếp cận được giới trẻ”.

Vốn xuất thân từ một người lính, từng nhiều lần lên Điện Biên, tiếp xúc nhiều phim ảnh nước ngoài liên quan tới Điện Biên, đọc hồi ký về các tướng lĩnh Điện Biên... nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho biết anh ấp ủ mong muốn viết một kịch bản về đề tài Điện Biên từ 10 năm trước. Tuy nhiên làm sao để khán giả trẻ hôm nay chịu tiếp cận và hứng thú với các câu chuyện lịch sử là điều làm anh canh cánh. Và cách thể hiện bộ phim lịch sử qua cái nhìn của lớp trẻ hôm nay, cũng như việc họ trực tiếp tham gia vào câu chuyện lịch sử đó là một cách thể hiện mới mà anh đã lựa chọn.

Sống cùng lịch sử với thủ pháp mới 2
Ảnh: Ngọc Bi 

 

Thủ pháp đồng hiện này đã có ở điện ảnh nước ngoài, nhưng điện ảnh Việt chưa có. Cái khó là làm sao cho người xem không cảm thấy giả, để ngày hôm nay và quá khứ được hòa hợp. Nếu không nói là khó nhất. Hiện tôi vẫn đang suy nghĩ về cách làm

NSND - đạo diễn Thanh Vân

Theo biên kịch Đoàn Tuấn, bộ phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ lần lượt du lịch qua những địa danh năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc bắt đầu đi, họ là những thanh niên tóc xanh, tóc vàng, đậm chất hiện đại và hơi thiếu trách nhiệm với xã hội. Nhưng cũng từ chính cuộc hành trình đó, họ đã mơ thấy những trận chiến năm xưa của cha ông và rồi chính họ cũng tham gia. Khi trở về, họ như từng trải và có trách nhiệm hơn với xã hội. “Cái khó nhất của bộ phim này là bối cảnh đậm không khí huyền thoại và việc chuyển từ câu chuyện hôm nay qua câu chuyện ngày hôm qua cần một bước đệm. Và bước đệm đó phải làm sao cho thật nhuần nhuyễn, ngọt ngào”, anh chia sẻ.

Đồng tình với ý tưởng trên, NSND - đạo diễn Thanh Vân, nói: “Đây là một ý tưởng mới đối với điện ảnh VN. Thủ pháp đồng hiện này đã có ở điện ảnh nước ngoài, nhưng điện ảnh Việt chưa có. Cái khó là làm sao cho người xem không cảm thấy giả, để ngày hôm nay và quá khứ được hòa hợp. Nếu không nói là khó nhất. Hiện tôi vẫn đang suy nghĩ về cách làm”. 

“Đua” với... 60 năm

Sau khi đi thực tế dài ngày tại tỉnh Điện Biên để khảo sát địa bàn, đạo diễn Thanh Vân và NSƯT - quay phim Lý Thái Dũng đã quyết định chọn các bối cảnh chính tại tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và Điện Biên với dự tính quay trong 3 tháng.

“Vì phim theo một nhóm phượt, phượt là phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá chỗ mới mẻ nên chọn cảnh cũng phải căn cứ vào điều đó. Những vất vả, khổ sở của nhóm phượt sẽ được đặt cạnh những vất vả, khổ sở của những người lính dân công năm xưa”, đạo diễn Thanh Vân tiết lộ. Ngoài ra, bộ phim phải tái hiện lại vô số các địa danh, các sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng như Chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn dân công, gùi thồ hàng, kéo pháo... nhiều cảnh quay nổ, khói lửa đậm chất không khí chiến dịch.

“Phim phải hoàn thành phần quay trước ngày 20.3.2014 và kịp ra mắt công chúng vào đúng ngày 7.5.2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên chúng tôi bị áp lực lớn”, đạo diễn Thanh Vân thừa nhận. Anh cũng chia sẻ những khó khăn về mặt kỹ thuật: “Ở nước ngoài, nhờ công nghệ, họ làm kỹ xảo rất tốt. Nhưng ở nước ta vẫn làm quả nổ, khói lửa thật, nên độ nguy hiểm cao, và chưa chắc đã đạt hiệu quả mỹ thuật”.

Đạo diễn Thanh Vân cũng cho rằng cần làm nhiều phim lịch sử thường xuyên và theo một hệ thống để giới trẻ hiểu được lịch sử, không cần cứ có sự kiện kỷ niệm mới làm phim lịch sử.

Ngọc Bi

>> Đám tang đạo diễn Lê Hoàng Hoa đầy ắp kỷ niệm
>> Tiếc thương đạo diễn Lê Hoàng Hoa
>> Đạo diễn Lê Hoàng Hoa: Ra đi với nhiều dang dở
>> Đạo diễn Lê Hoàng Hoa từ trần
>> Đạo diễn Lê Hoàng Hoa - Tình còn lai láng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.