Cải lương là một loại hình nghệ thuật thể hiện những tích tuồng cổ, những câu chuyện lịch sử và lồng ghép trong đó là sự than thân trách phận, là câu chuyện về tình yêu... Cải lương phổ biến ở miền nam như một hình thức giúp cho những người con nơi ấy được thể hiện nỗi lòng của mình qua câu hát, qua tiếng mõ của Song Lang, qua tiếng đàn tài tử. Đặc biệt, ở thế kỷ trước, khi đời sống còn khó khăn, khi văn hóa phương Tây chưa du nhập quá nhiều, cải lương đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu của đa số gia đình miền nam.
Chính vì vậy, kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương là một dịp đặc biệt mà bộ phim Song Lang phần nào đã giúp khán giả nhớ đến loại hình này, đưa những người lớn tuổi du hành thời gian đi về quá khứ để có thể chiêm ngưỡng một Sài Gòn u buồn trong đôi mắt của những số phận vốn không được ông trời ưu ái cho những gia cảnh hạnh phúc, mà bù lại, họ lại mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ để có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của tình yêu dù mới chỉ chớm nở nhưng đã sớm lụi tàn.
tin liên quan
Song Lang - Đẹp nhưng chưa trọn vẹnDũng trải đời bao nhiêu, thì Linh Phụng ngây thơ bấy nhiêu. Linh Phụng đam mê cải lương từ bé đến nỗi dù ba mẹ cấm cản nhưng cậu vẫn nhất quyết theo đoàn hát để rồi, cái ngày cậu được làm kép chính cũng là ngày bố mẹ cậu qua đời vì tai nạn giao thông. Sự mất mát đó phần nào khiến cho Linh Phụng cũng như Dũng có khuôn mặt buồn bã và thiếu niềm vui trên nền một bối cảnh Sài Gòn xưa được đạo diễn Leon Quang Lê đổ màu đầy hoài niệm với nhiều sắc vàng ố của thời gian trong không gian cũ kỹ của những khu chung cư lụp xụp. Lại thêm cái hồn cốt vốn đầy bi kịch của cải lương khi truyền tải những câu chuyện về tình yêu ngang trái, bộ phim càng mang một nỗi thê lương khó tả khiến khán giả không khỏi chiêm nghiệm về ý nghĩa của cuộc đời.
Đâu đó trong bộ phim là những nét của Bá Vương Biệt Cơ (Trần Khải Ca), của Happy Together (Vương Gia Vệ), đạo diễn Leon Quang Lê xây dựng một câu chuyện có hơi hướng tình cảm đồng tính. Đó không phải là thứ tình cảm sét đánh mà là tình cảm được vun xới qua những câu nói vô thưởng vô phạt của hai người dành cho nhau trong đêm khuya thanh vắng, một cách tình cờ mà họ phải ở chung một nơi. Những lời nói có phần thô lỗ của Dũng, hay cách đáp trả không chịu thua của Linh Phụng mang đến những cảm xúc rất thú vị, thứ mà kịch bản phim Việt thường thiếu vì nó tạo được độ gần gũi và chân thực cần thiết giúp nuôi lớn tình cảm giữa hai người.
Thật tiếc, dù được quảng cáo là một bộ phim tôn vinh giá trị cải lương, nhưng thực chất, bộ phim chỉ lấy cải lương làm nền trên một bối cảnh cũ hòng nói về nhân sinh và sự trớ trêu của số phận. Nó không được đi sâu vào cải lương như cách mà Bá Vương Biệt Cơ đã làm được đối với nghệ thuật kinh kịch của Trung Quốc. Và cũng đáng tiếc là bộ phim không khai thác sâu vào tình cảm hai nhân vật như cách mà Happy Together của Vương Gia Vệ đã làm, thay vào đó, bộ phim bị tiết chế, bị cắt gọt quá gọn để mọi thứ trở nên lửng lơ và vơi bớt cảm xúc nhiều. Nên có đôi chút hụt hẫng và có đôi chút mong đợi đáng lẽ nó phải dài hơn, phải khai thác thêm tình cảm của cả hai, phải khiến cho Linh Phụng biết thế nào là yêu, thế nào là đau đớn để khi cậu đứng hát trong vai Trọng Thủy, nước mắt của cậu là thật, thứ nước mắt xót thương người mình yêu.
Nhưng dù nói gì thì nói, Song Lang là một bộ phim đẹp, góc máy và cách dàn cảnh được làm rất tốt mang lại hiệu quả cao về mặt thị giác. Thêm nữa, trong bối cảnh mà điện ảnh Việt đang loay hoay với những thể loại đơn điệu được xào đi xào lại với rất nhiều chiêu trò để câu kéo khán giả, thì bộ phim lại rất chân thật, theo kiểu đạo diễn được làm với cái tâm của mình, đi theo sự lựa chọn của mình hòng mang đến một bộ phim chỉn chu và giàu ý đồ nghệ thuật chứ không phải một bộ phim câu khách kiếm tiền về cho nhà sản xuất. Có lẽ vì thế, nên Song Lang mới được đẹp như vậy, và khiến những ai có tâm hồn hoài cổ thấy yêu thương.
Bình luận (0)