Thành cổ Sơn Tây "Phép vua thua lệ làng"

07/03/2011 23:33 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Thành cổ Sơn Tây tiếp tục được xây mới, chúng tôi đã trao đổi với một số nhà khoa học về nạn làm mới các di tích cổ hiện nay.

Nhận xét về việc chỉnh trang thành cổ Sơn Tây hiện nay, kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức - Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam nói: “Đối với di tích thành cổ đá ong quý hiếm này, tôi nghĩ dư luận xã hội và báo chí phải có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ, giữ gìn những di tích tầm cỡ quốc gia này. Quan trọng là phải báo động về vấn đề ứng xử đối với di tích lịch sử - văn hóa hiện nay theo kiểu cứ có tiền là đòi làm mới di tích ngay. Không nên nghĩ rằng cứ thấy di tích xuống cấp là yêu cầu phải chi tiền ngay để làm mới, thậm chí nhân danh cả cơ quan bảo vệ di tích để làm mới di tích. Theo tôi, việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia phải có sự tham gia đầy đủ của các nhà nghiên cứu khoa học ở nhiều ngành (văn hóa, khảo cổ học, kiến trúc...) có sự hiểu biết sâu rộng và am tường về lĩnh vực này. Thời gian qua, việc trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử ở các địa phương bị phản ứng khá nhiều. Các đơn vị tu bổ, tôn tạo di tích cần phải tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội và phải nhìn nhận lại cách làm của mình tại sao không được xã hội đồng thuận”.

 Tôi không phải là thi sĩ, nên không viết được bài ai điếu cho thành cổ Sơn Tây hôm nay, nhưng lòng buồn vô hạn. Thành cổ Tuyên Quang, thành cổ Sơn Tây, và rồi đây là những tòa thành, những di tích nào nữa?

TS Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán - Nôm)

Cũng với quan điểm cần phải xem xét, kiểm tra nghiêm túc việc làm mới di tích thành cổ Sơn Tây, ở góc độ phân tích khác, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, nhận định: “Việc tu bổ, tôn tạo thành cổ Sơn Tây đã bị người ta làm hỏng từ lâu rồi. Việc cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL mới đây yêu cầu thị xã Sơn Tây phải tạm dừng lại việc làm mới khu thành cổ nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây mới cho thấy ở đây phép vua thua lệ làng”.

Liên hệ việc làm mới di tích thành cổ Sơn Tây với việc gần đây dư luận cảnh báo về việc xâm hại quần thể di tích lịch sử Đền Hùng, KTS Tùng nhận xét: “Tuy các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là di sản của đất nước, nhưng khi giao cho địa phương quản lý, họ vẫn lẳng lặng làm theo cách của mình. Không hiểu đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm mới thành cổ Sơn Tây? Còn hiện nay, Ban quản lý di tích lịch sử Đền Hùng đã phải chịu trách nhiệm về việc có một số người ngang nhiên đưa máy xúc vào san ủi một quả đồi trong khu di tích để bán đất lấy tiền. Tệ hại hơn, di tích thành cổ nhà Mạc ở Tuyên Quang sau khi trùng tu đã trở thành một “cái lò gạch”, liệu thành cổ Sơn Tây có như thế không?”.

 
Cổng thành Sơn Tây và bức thành đang xây mới - Ảnh : V.C

Còn TS Nguyễn Xuân Diện - Viện Hán - Nôm, ngậm ngùi: “Buổi sáng hôm người ta nhân danh việc trùng tu để “phá” thành cổ Sơn Tây lần đầu tiên (năm 1994 hay 1995 gì đó), một người bạn đã chụp được bức ảnh cổng thành phía bắc bị phá và gửi cho tôi. Tôi buồn và cảm thấy quê hương mình đã mất một điều gì quý giá lắm!”. Ông cũng cho biết đến nay, trừ các tòa cổng cũ còn lại thì thành Sơn Tây coi như không còn gì nữa!

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.