Hẹn ca sĩ Thanh Hà một buổi chiều cà phê để hỏi về “nhật ký đời tôi”, chị cười chua xót: “Có gì để nói nữa đâu, mọi chuyện qua rồi, người ta phải biết sống cho hiện tại và tương lai chứ”. Sau vài câu xã giao trong buổi chiều mưa tháng 8, vô tình nhắc đến mưa bão, hình ảnh ngôi nhà nước ngập mỗi mùa mưa bỗng gợi lại cho Thanh Hà nhiều kỷ niệm buồn. Mắt rưng rưng, Thanh Hà nói chị suốt đời không quên khoảnh khắc một cô bé giữa trưa nắng nóng cuốc bộ mấy cây số đến vay mượn tiền người thân khi nhà lâm cảnh khó khăn. Bị từ chối bởi những người ruột thịt, Thanh Hà lội tiếp mấy cây số đi về khi trời đổ mưa và tự nhủ rằng nhất định sẽ phải vươn lên.
Đứa con bị từ chối
Thanh Hà tên thật là Trương Minh Hà, sinh và lớn lên ở Đà Nẵng. Nữ ca sĩ mồ côi bố - một sĩ quan không quân Mỹ tên Bill Williams, tử trận tại Chu Lai khi chị mới được hơn 2 tuổi. Thanh Hà còn một người em gái lai Mỹ khác, đã lập gia đình với một bác sĩ và sống ở Đà Nẵng. Song do hoàn cảnh, hai chị em không gần gũi nhau.
Nói về bố, Thanh Hà kể chị từng được cho nhìn ảnh bố một lần, người dong dỏng cao, da trắng, phong độ. Bố quen mẹ đẻ Thanh Hà khi ông đến hiệu giặt ủi do dì của nữ ca sĩ mở ra kinh doanh, còn bà sang tiệm để phụ giúp. Thanh Hà nghe kể lại sau vài lần gặp gỡ, mẹ mang bầu rồi sinh ra chị. Thiếu cha, Thanh Hà tiếp tục chịu nỗi đau bị chính mẹ ruột chối bỏ.
“Tôi sinh ra yếu ớt, da trắng tái xanh, mắt xanh, tóc trắng nhưng lơ thơ vài cọng, người nhỏ như chai bia. Nhiều người không nghĩ tôi là con người. Được một tháng, bà ngoại tôi đã kêu mẹ (mà thật ra là dì) sang mang về nhà nuôi. Mãi sau này khi gần đi định cư, nghe mẹ kể tôi mới biết. Lúc đó tôi nằm trong nôi đơn độc, không có được cái gối để lót, ruồi còn bâu vào người. Người ta còn tưởng tôi không sống nổi”, Thanh Hà kể lại.
Thiếu vắng tình thương của nhà nội, chị còn chịu cảnh ghẻ lạnh của nhà ngoại vì… không giống ai. Hồi nhỏ, Thanh Hà không được mặc quần áo bình thường như những trẻ con khác mà phải mặc áo của chùa, trên áo viết rất nhiều các loại chữ dạng bùa phép để giữ gìn mạng sống yếu ớt của chị. “Tôi không đi được, lúc nào cũng được cho bò dưới đất để lấy hơi đất làm cho người cứng cáp. Sau 2 tuổi mới bước được bước chân đầu tiên, mọi người mới thở phào: nó giống con người rồi”, Thanh Hà nói thêm.
Chỉ tháng đầu ở với mẹ đẻ, suốt cả tuổi thơ sau đó chị không được mẹ thừa nhận, không được mẹ chăm sóc mà nhờ vào bàn tay của dì. Tất nhiên, lúc đó Thanh Hà không biết điều này vì người dì đó xưng là mẹ chị, còn mẹ đẻ chị thì chị lại gọi là dì. May mắn duy nhất trong đời Thanh Hà là người dì rất thương yêu, chăm sóc bù đắp cho chị.
Mẹ nuôi bán ở chợ Cồn, cũng có lúc trái gió trở trời chuyện kinh doanh khó khăn, nhà rơi vào hoàn cảnh không có gì để ăn. Thanh Hà nhớ mãi ký ức đau buồn là khi mẹ bị ốm, sai chị đi sang nhà cậu mượn tiền. Nhà người cậu ở khá xa, không còn cách nào chị phải lội bộ giữa trưa nắng sang nhà cầu xin. Ấy vậy mà cô bé đôi mắt xanh trong veo không nhận được sự giúp đỡ nào. Vừa nhìn thấy chị, gia đình người cậu đã khoát tay kêu về. “Nhà có xe đạp nhưng không ai đưa tôi về, tôi lầm lũi quay đi mà khóc nức nở. Trời đổ mưa, tôi đã nhớ mình khóc trong mưa đến khi tận lúc về đến nhà. Tôi nhớ mãi không quên, không phải để làm điều gì để trả lại mà để nhớ rằng cuộc đời là thế”, mắt Thanh Hà ướt đẫm khi nhắc lại.
|
Được hỏi về người chồng của dì mà chị gọi là bố dượng, Thanh Hà tiếp tục rưng rưng: “Từ nhỏ tôi không hiểu sao ông ấy ghét tôi thế, luôn gọi tôi là mày xưng tao, lúc nào cũng giao tôi nhiều việc hơn các anh em, chỉ “ưu tiên” những trận đòn, những câu nói cay nghiệt. Tôi đã từng rất ghét ông, sau này hiểu ra, biết sự thật thì tôi mới thông cảm. Hồi ông mất, tôi có về Việt Nam chăm lo đám tang. Nghĩa tử là nghĩa tận rồi, dẫu gì cuộc đời tôi cũng còn may mắn”.
Rồi lúc đi học, nhiều bạn bè đã lao vào chọc ghẹo, miệt thị về ngoại hình của Thanh Hà. Dường như tính mạnh mẽ của chị hình thành từ lúc ấy, sau những trận lao vào đánh nhau với tụi con trai, mà chị kể, giờ nghĩ lại thấy mình cũng “đầu gấu” quá.
Lận đận nơi đất khách quê người
Niềm vui, nguồn động lực của Thanh Hà vượt lên những buồn tủi trong cuộc sống chính là âm nhạc. Từ nhỏ, khi sống ở Đà Nẵng, Thanh Hà đã tham gia nhiệt tình vào các hoạt động văn nghệ ở học đường, từ bậc tiểu học cho đến hết bậc trung học. Không những thế, Thanh Hà đã có dịp lên hát trên Đài phát thanh Đà Nẵng, chỉ tiếc một điều là không được hát trên truyền hình. Có lẽ thời điểm ấy, người ta còn chưa quen với một cô gái mắt xanh, da trắng, tóc vàng, nên chỉ muốn nghe hát mà không thích nhìn. Dù vậy, Thanh Hà mỉm cười chia sẻ chị cũng có ''số đào hoa'', lấy đó là niềm vui nho nhỏ: “Không biết sao chứ hồi nhỏ tôi được nhiều người theo lắm. Người ta thích tôi, viết thư để trong hộc bàn làm quen. Bạn chở tôi phía sau xe đạp lúc tan trường cũng có người chạy theo tán. Chắc số đào hoa nên lớn lên đường tình có chút long đong”.
Sau khi học hết lớp 12, Thanh Hà vào Sài Gòn năm 1988 trước khi đi Mỹ định cư năm 1991. Chị mất 9 năm ròng rã làm hồ sơ để đi theo diện con lai, dù nhìn vào cô gái tóc vàng, mắt xanh thì khó ai có thể lầm lẫn được. Trước khi đến Mỹ, Thanh Hà và người dì có một khoảng thời gian sống ở trại tập trung tại Philippines cũng khá vất vả, nơi chị thỉnh thoảng có dịp được hát phục vụ trong các nhà thờ. Đến Mỹ khi 19 tuổi, tiếng Anh chưa rành, Thanh Hà tạm gác giấc mơ âm nhạc để đi làm nhiều công việc tại New York kiếm sống. Người đẹp không thể quên ký ức những ngày đầu tiên nhập cư như nỗi đau chung của phận con lai rơi rớt ở nước ngoài tìm đến Mỹ thời ấy.
“Lúc xin đi làm người ta đưa cho một cái giấy ghi mấy chữ Black, White, Asia or other (tức là muốn hỏi mình là người Mỹ trắng, Mỹ đen, Á Đông hay người gì?). Tôi không biết mình thuộc loại nào trong đó. Tại vì tôi thấy tôi là White (da trắng) nhưng mình nói tiếng Việt Nam, tên họ mình là Việt Nam, vóc dáng nhỏ bé. Và tôi đề là White vì người ta gặp mình đều bảo mình là người da trắng. Nhưng mình thì không biết như thế nào thì phải. Cái đó làm tôi buồn nhất", Thanh Hà nhớ lại.
|
Cuộc đời chị sang trang khi Thanh Hà liều lĩnh từ bỏ công việc cho hãng kính áp tròng để bay sang California thử giọng cho một trung tâm ca nhạc của người Việt. Trải qua không ít thăng trầm, bằng nỗ lực và cố gắng vươn lên, giọng ca gốc Đà Nẵng “lận lưng” hơn 500 ca khúc phòng thu với những bản hit như: Tàn tro, Sa mạc tình yêu, Cỏ úa..., chính thức được mời biểu diễn cho trung tâm Thúy Nga, gầy dựng chỗ đứng tại hải ngoại.
Có chút tên tuổi ở Mỹ nhưng Thanh Hà chưa bao giờ quay lưng lại với quê hương, thường về Việt Nam và thậm chí về Đà Nẵng biểu diễn dù nơi đó có những nỗi đau “cắt da cắt thịt”. Nữ ca sĩ cũng không giấu chuyện giận mẹ ruột trên báo chí nhưng vẫn gửi tiền về giúp. Khi bố dượng qua đời, Thanh Hà cũng bay về Việt Nam để lo đám tang tươm tất cho ông. Với Thanh Hà, quá khứ là cái làm nên ngày mai, và chị chưa bao giờ buồn hận về số phận của một con lai.
"Ai cũng có hoàn cảnh. Tôi chưa bao giờ ngồi khóc lóc với hoàn cảnh của mình. Qua Mỹ, tôi gặp rất nhiều con lai có hoàn cảnh còn thê thảm hơn tôi nhiều. Chúng tôi đều cố gắng vươn lên để đứng vững, và mạnh mẽ theo những cách khác nhau. Cuộc sống này đã bù đắp cho tôi rất nhiều, nhất là nhận được vô vàn tình cảm yêu mến của khán giả. Cho nên nếu được chọn lại, Thanh Hà vẫn muốn được sống cuộc đời này một lần nữa, để được làm Thanh Hà như thế này ở kiếp sau là tôi mãn nguyện", Thanh Hà cười vui.
Chuyến về Việt Nam 3 tháng này là lần hồi hương dài nhất của Thanh Hà. Chị tham gia nhiều các hoạt động nghệ thuật, từ ngồi ghế giám khảo, đi hát, ra sản phẩm mới và không quên rong ruổi theo các chuyến từ thiện. Trải qua hai lần hôn nhân đổ vỡ và cả nhiều chuyện buồn, Thanh Hà vẫn luôn giữ sự hài hước, lạc quan của mình. Khi nói chuyện với chị, người đối diện luôn có thể bật cười sảng khoái, bởi dường như Thanh Hà được sinh ra để mang đến cho người khác sự vui vẻ hạnh phúc, còn nỗi buồn chị lặng lẽ gác vào trong.
tin liên quan
Ca sĩ Thanh Hà: 'Hãy công tâm với Hari Won'Lần trở về Việt Nam này là chuyến đi dài nhất sau 30 năm tha hương của nữ ca sĩ Thanh Hà. Ở trong nước, chị hoạt động năng nổ ở nhiều vai trò ca sĩ, giám khảo và ra đĩa nhạc mới.
Bình luận (0)