Ngôi nhà kỷ niệm

28/01/2020 00:00 GMT+7

Ký túc xá Minh Trí là ngôi nhà chung của nữ sinh viên ba trường: Kinh tế, Sư phạm và Dược. Tôi ở lầu một với các bạn cùng trường Kinh tế từ khi vào học năm thứ nhất cho đến khi Ký túc xá đóng cửa.

Thời đó, bữa ăn sinh viên thỉnh thoảng mới có cơm nấu từ gạo bị mốc vàng lẫn với hạt cỏ còn thường thì chỉ có bánh mì hay hạt bo bo. Canh thì toàn nước với vài cọng rau, món mặn thường là bí đỏ hay củ cải kho với vài lát thịt mỡ. Nhưng trong ngôi nhà đó có một món rất dư thừa là tiếng cười – nhờ nó mà bao sinh viên quên đói.
Nhớ những ngày mới vô cứ khoảng gần giờ ăn chiều là nghe tiếng rao thánh thót “Giò, chưn đây”. Tiếng rao nghe thật hay như hát với tiếng “đây” vút cao, ngân dài rồi hạ dần. Nhưng tôi thắc mắc không biết người đó rao bán cái gì bởi với dân miền Tây thì “cái giò” và “cái chưn” (chân) là một thứ nên việc gì phải rao “giò, chưn”. Tôi bèn hỏi mọi người “Giò, chưn là một thứ sao lại rao hai tiếng vậy ta?”. Sau một phút ngẩn ra, mấy chị khóa trên cười ầm lên “Giò, chưng là hai thứ khác nhau người ta mới rao hai tiếng chớ”, “Khác sao mà khác?”. “Là bánh giò với bánh chưng đó, nhỏ ơi”. Tôi im lặng nhưng nghĩ bánh giò với bánh chưng thì cũng làm từ một thứ nguyên liệu thôi, khác gì mà khác?
Nhưng câu chuyện đã chuyển hướng sang “Người rao đó già hay trẻ?”. Có mấy đứa nói “trẻ” vì căn cứ vô tiếng rao thì không những trẻ mà có khi là con nít nữa không chừng. Nhưng tôi không muốn theo trào lưu nên nói “già”. Một cuộc tranh luận nổ ra rồi đi đến kết luận là chiều mai canh giờ xuống cổng chờ người bán “Giò, chưng” đi qua coi già hay trẻ để biết ai đúng. Tại sao chờ coi mặt người rao mà không mua bánh? Thời bao cấp, sinh viên Ký túc xá là dân các tỉnh lên Sài Gòn học tiền đâu mà mua bánh.

Tiếc là chúng tôi đã không có được cái hình nào nên thôi đành lưu giữ trong ký ức những kỷ niệm về ngôi nhà chung thời sinh viên vậy

Ảnh: Độc Lập

Mãi đến mấy năm sau khi đã tốt nghiệp đi làm tôi mới biết bánh giò và bánh chưng khác nhau ra sao. Chiều hôm sau mọi người kinh ngạc vì tiếng rao đó là của một bà già nhỏ thó. Bà đội cái thúng bánh trên đầu, đi bộ và rao như hát. Nhắc lại chuyện này các bạn tôi ai cũng thấy bồi hồi vì bây giờ chắc bà đã đi xa. Đã 40 năm rồi còn gì. Nói tới bánh nhớ có bà bán bánh cam cứ gần giờ ăn trưa là vô sân Ký túc xá với một rổ bánh cam, 50 xu/cái, giá đó không rẻ chút nào vì giá 1 kg gạo ngoài chợ là 3,5 đồng tức bằng 7 cái bánh cam. Nhớ cô bạn cùng phòng ngày nào cũng mua một cái và từ tình yêu bánh cam cái gì bạn cũng quy đổi ra bánh cam. Ổ bánh mì không bằng 1 cái, ổ bánh mì thịt bằng 4 cái… Cách đây hai năm, nhân dịp họp mặt nhóm bạn ở Ký túc xá, tôi mua ba chục cái bánh cam ở chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận) giá 1.000 đồng/cái đem đến. Mọi người ồ lên giống bánh cam hồi đó quá, ai cũng khen bánh ngon quá. Bây giờ bánh cam thì có ngon gì so với nhiều loại bánh khác, chẳng qua đó là bánh kỷ niệm một thời sinh viên mà thôi.
Lại có một bà bán chè đậu trắng cũng 50 xu/chén cũng vô sân Ký túc xá bán lúc buổi trưa. Tôi nhớ rất rõ là nếp nấu như cháo điểm vài hột đậu trắng thôi, chế thêm muỗng nước cốt dừa toàn bột. Vậy mà hồi đó không chỉ tôi, nhiều bạn nữa thèm mà không có tiền mua, đợi đến cuối tháng có gạo tiêu chuẩn còn dư ra chút đỉnh, đem ra chợ bán được vài đồng thì mới có tiền mua. Chén chè đậu lúc đó sao mà ngon hết biết.
Ăn không đủ no, học hành chểnh mảng, thời gian trống nhiều, “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…” nên hồi đó có lẽ chúng tôi cũng đã làm phiền hàng xóm láng giềng không ít. Ồn ào nói chuyện tào lao, đàn ca hát xướng đến khuya, đứng trên lầu đổ nước xuống trúng người đang đi dưới hẻm… Rồi ở đâu có “nữ tú” thì ắt có “nam thanh”, chiều thứ bảy nào các chàng trai cũng đứng tràn cả con hẻm ngóng lên các tầng lầu, cản trở bà con đi lại. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bị mất quần áo đang phơi - những bộ quần áo không còn mới mà có lẽ bây giờ đem cho cũng không ai lấy.
Biết bao kỷ niệm một thời sinh viên thiếu thốn đủ thứ trong ngôi nhà đầy ắp tình bạn nồng ấm mà mỗi khi gặp nhau chúng tôi cứ nhắc hoài những câu chuyện ấy không hề chán. Ngôi nhà đó ở số 196A Trần Quang Khải, quận 1, gần chợ và nhà thờ Tân Định. Bây giờ nơi đó là cơ sở D của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM với lối vào không có nhiều thay đổi. Tiếc là chúng tôi đã không có được cái hình nào nên thôi đành lưu giữ trong ký ức những kỷ niệm về ngôi nhà chung thời sinh viên vậy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.