Tám năm trước Sài Gòn đón tôi bằng một con nắng cháy bỏng cả da thịt. Cũng là từ lúc đó tôi đã quen với hai mùa mưa nắng của thành phố hiện đại và nhộn nhịp này.
|
Tôi nhớ tôi và mẹ được người quen đón tại ga và đưa về căn phòng trọ đã thuê khá gần ngôi trường nơi tôi theo học. Vừa đặt chân vào phòng, con bé tôi đã rơm rớm nước mắt quay ra thút thít với mẹ. Ngôi nhà được chia ra nhiều phòng nhỏ cho thuê. Lối dẫn lên cầu thang đến căn phòng của tôi chật hẹp tối tăm và cáu bẩn. Tôi còn loáng thoáng nhìn thấy vài người đàn ông cởi trần đi loanh quanh trong nhà. Căn phòng khoảng 5 m2 với một chiếc cửa sổ tí hin mở ra một khoảng tường xám ngắt và lạnh lẽo. Vì tôi khá cao nên tôi độ căn phòng này chiều rộng chỉ ngang với chiều cao của tôi. Ánh mắt mẹ tôi cũng tối sầm.
Ở nhà tôi là con út, được nuông chiều từ bé. Mẹ tôi chắc không thể tin nổi giữa thành phố này lại có một căn phòng ẩm thấp và tối tăm như vậy. Vội gọi điện thoại cho người quen thông báo không thể thuê căn phòng này, hai mẹ con tức tốc đi tìm những căn phòng trọ khác ở gần đó. Thế là buổi sáng đầu tiên ở Sài Gòn của hai mẹ con tôi là đi bộ dưới con nắng để tìm một căn phòng khác. Cũng may nhờ có anh họ tôi giúp, hai mẹ con cũng mau chóng tìm được một chỗ khác ổn hơn ngay trong buổi chiều. Từ căn phòng trọ đầu tiên ấy, tôi bắt đầu những bước đầu tiên trên con đường học tập và làm việc ở Sài Gòn. Sau này tôi còn thay đổi rất nhiều nơi trọ. Cảm giác như mình đã đi đủ một vòng thành phố. Mỗi lần trọ ở một nơi mới, tôi lại cảm nhận thêm những điều hoàn toàn mới.
Đó là một căn phòng gác mái gần bờ kênh của Phú Nhuận. Nơi mà mỗi buổi tối tôi có thể leo lên mái nhà và nhìn ra bờ kênh hóng gió. Con kênh những ngày ấy có một thứ màu và mùi hương đáng sợ. Bờ kênh của những năm sau này chuyển mình đáng kinh ngạc. Tôi chỉ nhận ra điều đó vào một buổi chiều tình cờ chạy lạc ra con đường dọc kênh.
|
Con đường Trường Sa và Hoàng Sa từ lúc nào đã được phủ một màu xanh mát mắt của cây cỏ và điểm xuyết những loại hoa rực rỡ. Con kênh uốn lượn trong lòng phố đã có sự chuyển mình đến kinh ngạc. Nơi đây bây giờ đã có nhiều người đi dạo chơi mỗi sáng mỗi chiều, hoạt động thể dục thể thao thường xuyên. Cảm thấy thành phố mình thay đổi theo hướng tích cực, lòng tôi cũng thấy vui vui nên trong những buổi chiều tan tầm thay vì chen nhau trong dòng xe cộ như nêm để về nhà; lúc nào tôi cũng chọn đi một cung đường xa hơn đó là chạy ra bờ kênh- nơi giờ đây tôi có thể cảm nhận một luồng sinh khí mới và đâu đó còn vương ánh chiều tà trên những ngọn cỏ.
Đó là một căn nhà nguyên căn tôi cùng những người bạn thuê ở đường Trần Xuân Soạn quận 7. Khác với những quận trung tâm ồn ào và đông đúc, chỉ cần ra tới khu quận 7 hoặc Nhà Bè là có thể đã cảm nhận một luồng không khí khác. Ấn tượng của tôi là con đường này có rất nhiều những chiếc bè từ miền Tây chở trái cây lên thành phố bán. Họ thường bày hàng loạt những loại trái cây theo mùa lên ngay bờ sông.
Mỗi chiều đi làm về tôi lại nhìn thấy đủ loại trái cây xanh tươi mát mắt được xếp ngay ngắn. Dáng những cô chú đi ghe ngồi trên thuyền làm tôi cảm tưởng như mình được thấy một phiên chợ nổi Cái Răng Cần Thơ theo phiên bản Sài Gòn. Những chiếc ghe nối đuôi nhau ngay hàng thẳng lối đều tăm tắp. Tôi bỗng thấy Sài Gòn tuy nhịp sống nhộn nhịp và hối hả nhưng cũng có những giây phút bình dị và đáng yêu đến như vậy. Như một khoảng lặng giữa lòng thành phố, thỉnh thoảng tôi thấy lòng mình như nhẹ trôi theo những chiếc ghe đang đậu ở kia, làm cho tôi thêm yêu thành phố này hơn một chút.
Như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Là một nơi nếu ở hằng ngày thì sẽ không nhận ra giá trị của nó, nhưng nếu đi xa thì lại luôn nhớ về. Sài Gòn đối với một con người xa quê như tôi đã không còn quá xa lạ, nhưng cũng như chưa từng thật sự thân quen. Mỗi ngày sinh sống và làm việc ở đây, hòa chung với nhịp thở hiện đại của thành phố, tôi đã thật sự xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Để rồi mỗi khi đi xa đâu đó vài ngày, thỉnh thoảng trong những góc nhỏ của cuộc hành trình, tôi thấy lòng mình lắng lại bốn tiếng: Sài Gòn thân thương!
|
Bình luận (0)