Thánh nữ bolero, thánh lồng tiếng, thánh nhép nhạc, thánh chế, thánh nói 4 tuổi, thánh hài 5 tuổi... liên tục xuất hiện. Trong đó có những “thánh” đã khiến khán giả... hết hồn khi “làm được điều mà chúng ta không thể”, như một nhạc sĩ hài hước nhìn nhận.
Không ít người có hiểu biết âm nhạc lẫn những nhạc sĩ tỏ ra “ngạc nhiên” khi mới đây trên sân khấu đề cao tính chất biểu diễn live - đêm thi chung kết Giọng hát Việt, bên cạnh 2 tiết mục được nhạc sĩ Hoài Sa, Hồ Hoài Anh đệm piano cho thí sinh biểu diễn, có một tiết mục khác do một nghệ sĩ được phong là “thánh đàn” đệm cho ca sĩ biểu diễn, nhưng bị phát hiện lại đàn... nhép. Điều này không khó để nhận ra vì khi âm thanh của cây đàn ấy đã vang lên nhưng đôi tay của “thánh đàn” vẫn... chưa chạm phím.
Đáng nói, tiết mục bị các nhạc sĩ, các anh em chơi nhạc cho là đàn nhép này sau đó vẫn được chia sẻ, khen lấy khen để trên mạng xã hội, trong khi một số nhạc sĩ cho biết để chơi đàn như nghệ sĩ trẻ này thì ngoài đời có... vô số người làm được!
|
Nỗi buồn của “thánh”
Xưa nay, chuyện phong thánh trong làng giải trí thường chỉ xảy ra ở trường hợp: thứ nhất là thiên tài thực sự, thứ hai là dùng trong lúc đùa vui để gọi những phát hiện có tính chất gây cười, giải trí. Nếu trong trạng thái là công việc bình thường, không xứng đáng thì không nên sử dụng hay lạm dụng, vì sẽ dễ gây phản ứng, phản tác dụng.
Đã có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra với những khả năng chỉ trên bình thường đã được phong “thánh”. Như, “thánh nữ bolero” Jang Mi khi hát live tại một số sự kiện đã hát không tốt như những tiết mục cô trình diễn trên YouTube; hoặc sau khi tham gia chương trình Giọng ải giọng ai cô cũng bị chê hát dở, hát không chắc nhịp. Jang Mi sau đó trả lời trên báo rằng cô thấy buồn vì phần trình diễn không như ý khi xuất hiện trên truyền hình và cho biết sẽ cố gắng trau dồi để tiến bộ hơn.
Minh Khang, cậu bé tham gia chương trình Biệt tài tí hon, đã được ngợi khen hết sức, thậm chí được gọi là “thánh nói 4 tuổi” hay “giáo sư biết tuốt” vì khả năng ngôn ngữ lẫn ngoại ngữ và kiến thức phong phú của bé. Tuy nhiên trong đêm chung kết, Minh Khang chỉ dừng lại ở hạng 3 và khóc nức nở. Khi MC hỏi lý do, cu cậu hồn nhiên trả lời rằng khóc vì nghĩ mình sẽ được giải cao hơn. Phụ huynh của Minh Khang sau đó đã trả lời báo chí rằng sẽ không cho Khang thi game show nữa, mà một trong những lý do chính là việc “phong thánh” của chương trình làm nhiều người ra đường hay gọi cháu biệt danh này, gây tổn thương tâm lý trẻ nhỏ.
Đừng gieo ảo tưởng vào lòng người... thường
MC Minh Đức, người dẫn dắt nhiều chương trình truyền hình thực tế, cho rằng: “Thí sinh khi tham gia game show nên hiểu có những từ ngữ được giám khảo dùng để nhận xét chỉ có ý nghĩa khi ở trong chương trình đó, nếu nhà sản xuất hay cá nhân đem ra ngoài sử dụng tràn lan thì có khi thành lố bịch. Chẳng hạn, nhiều lúc giám khảo thích tỏ ra hài hước nên “phong thánh” cho người này người kia theo nghĩa châm biếm, nhưng thí sinh hồn nhiên dùng luôn cái tên đó ra ngoài đời để “làm ăn”. Người này làm được thì người khác cũng làm được, thế là lan tràn các loại thánh”, anh nói. Cũng vì nghệ sĩ trẻ ngộ nhận rồi hồn nhiên sử dụng “tên thánh” nên khán giả dễ sốc khi xem phần biểu diễn thực tế của họ.
Nhìn nhận vấn đề này, biên tập âm nhạc Thiên Ca (phụ trách âm nhạc các chương trình truyền hình thực tế của Khang Media) thẳng thắn lưu ý: “Khi khen hoặc ca ngợi tài năng một em bé bằng cách “phong thánh”, nhà sản xuất hay bộ phận truyền thông cho chương trình phải hết sức cân nhắc, vì nó liên quan đến gia đình, nhà trường, xã hội, tạo nên sự ảo tưởng không đáng có ở em bé đó”.
Nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết, “thánh hiệu” chỉ “hù dọa” được người không biết, chứ trong nghệ thuật, điều quan trọng vẫn là thực lực: “Thánh” mà hát không hay, diễn không tốt thì cũng chẳng ai mời diễn. Trong nghệ thuật, không có thực lực thì “chết” sớm, view cao cũng đâu sống được bằng nghề”.
Bình luận (0)