Thế thì tôi cũng muốn làm nghệ sĩ đương đại

22/08/2010 10:19 GMT+7

Tuần vừa rồi tôi đi xem trình diễn của nghệ sĩ N.A.T. và tác phẩm sắp đặt của hai nghệ sĩ Việt Nam nữa tại Tokyo Metropolitan Art Space (Nhật Bản). Vì là tác phẩm trình diễn duy nhất trong khán phòng nên thoạt đầu, trình diễn của N.A.T. thu hút sự chú tâm của người xem hơn cả.

Khán phòng không lớn nhưng đầy ắp người xem. Ai nấy đều hết sức chăm chú. Mở đầu trình diễn, N.A.T. và một thanh niên khác ngồi trên hai chiếc ghế được làm bằng những khối gỗ chồng lên nhau, giữa hai người là một cái ống dài và to.

Hai người đeo khẩu trang, rồi ghé miệng vào ống, thở. Dưới hai chân ghế có đề dòng chữ “Thở vào” và “Thở ra” bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Sau 10 phút: Xin đọc lại đoạn trên từ “N.A.T...” đến “thở”. Sau 20 phút: Xin đọc lại đoạn trên. Sau 30 phút: Xin đọc lại đoạn trên. Sau 60 phút: Xin đọc lại đoạn trên.

Được khoảng 30 phút, trình diễn có một biến chuyển duy nhất: gương mặt N.A.T. bắt đầu ròng ròng mồ hôi, có lẽ do anh không quen với không khí oi ả, độ ẩm cao của những ngày hè này tại Tokyo.

Sự bồn chồn, hoang mang ngày càng hiện khá rõ trên gương mặt một nửa khán giả (nửa còn lại đã lặng lẽ rời phòng từ trước đó). Một số người quay sang thì thào hỏi nhau: “Thế cứ chỉ thở mãi như thế này thôi a?”. “Bao giờ thì kết thúc?”. “Lâu quá nhỉ...”.

Xin nhấn mạnh là khán giả Nhật nổi tiếng về khả năng lịch sự và kiên nhẫn, có lẽ là nhất thế giới.

Một số khán giả trẻ lần lượt lên thay vị trí cho người thanh niên ngồi thở cùng N.A.T.. Họ cũng tò mò muốn xem thở kiểu “trình diễn đương đại” rốt cục lạ hơn thở bình thường như thế nào?

Muốn trải nghiệm mấy phút được làm “nghệ sĩ đương đại”? Hay để đổi tư thế cho đỡ tê chân? Ít nhất họ đã tạo ra được một điều mà N.A.T. không tạo ra được ở trình diễn của mình: một sự thay đổi nào đó ngõ hầu giảm bớt chút xíu cảm giác nặng nề, nghèo nàn, đơn điệu.

Kiểu làm trình diễn thế này cần nhất là phải chuẩn bị được những phát biểu hoành tráng, sâu sắc về ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm.

Chỉ cần làm thế này mà cũng được gọi là nghệ sĩ trình diễn đương đại thì tôi cũng muốn làm lắm! Chỉ hai giây, trong óc tôi đã vụt ra một chuỗi ý tưởng “trình diễn đương đại”, kiểu: ngủ (cứ nằm trước các khán giả và đánh một giấc), ăn (vừa nhai, vừa phải giữ một bộ mặt lạnh lùng nhưng mồ hôi túa ra như thể đang có một trận chiến bên trong), hắt xì, đọc sách...

Vì những người đi cùng đã bỏ ra ngoài cả và bắt đầu gọi nên tôi cũng đành đứng dậy, không thể ngồi thi gan cùng những khán giả lịch sự nhất. Vừa bước ra đến cửa thì vang lên những tiếng vỗ tay kiểu Nhật - à, cuối cùng thì trình diễn cũng kết thúc.

Sau buổi trình diễn, tôi có trò chuyện với một người Nhật chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Vị này lúc lắc đầu rồi bảo: “Trình diễn này... lạ nhỉ”. “Lạ là sao ạ?” - tôi hỏi lại. “À, suốt cả giờ mà cứ ngồi thở như vậy hoài, không có gì biến đổi... Nghệ thuật trình diễn đương đại của Việt Nam là như vậy sao em? Thật hoang mang quá!”.

Tôi nói: “Hồi ở Việt Nam em cũng đi xem nhiều trình diễn đương đại. Không phải cái nào cũng như thế này đâu ạ”.

“Nhưng với những người Nhật không có điều kiện biết nhiều về nghệ thuật đương đại Việt Nam, họ sẽ nghĩ đây là kiểu trình diễn của nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Được tài trợ ba tháng ròng để thực tế ở Nhật, rồi kết thúc bằng một trình diễn báo cáo thế này thì...”.

Trước khi vào xem trình diễn này, tôi có trò chuyện với một số người cũng làm công việc tổ chức các ngày hội nghệ thuật quốc tế và đề cập đến khả năng giới thiệu một số nghệ sĩ của Việt Nam sang Nhật trình diễn. Họ đều biết rất ít, nếu như không nói là chưa biết gì về nghệ thuật đương đại của Việt Nam, và đến xem trình diễn của N.A.T. như một sự tiếp cận.

Tất cả những người này đều đã bỏ ra ngoài khi buổi trình diễn mới đi được nửa chặng.

Thôi, nghĩ đến đây thì tôi xin được rút lại mong muốn làm nghệ sĩ trình diễn kiểu này...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.