Thơ Thanh Thảo “Chống lại ngày quên lãng”

03/05/2008 14:47 GMT+7

Ở một đất nước chìm đắm quá lâu trong quá khứ đau buồn như Việt Nam, thì tương lai xán lạn hứa hẹn một sự giải thoát khỏi lịch sử đầy những biến cố của nó. Nhưng đây là sự giải thoát chứa đựng cả nguy cơ quên lãng không chỉ niềm tự hào và quá khứ oai hùng mà còn cả những truyền thống, những giá trị mà vì chúng đất nước đã phải đấu tranh. Đó chính là lý do khiến tác phẩm của Thanh Thảo trở thành bất tử. Đây là những tác phẩm sâu sắc và tinh tế về ký ức, về việc phục hồi những sự kiện đáng nhớ của đất nước.

Thanh Thảo có khả năng khiến bạn có cảm giác như bạn đang lắng nghe ông hồi tưởng, và những gì được nhớ tới không phải là những sự kiện lớn, mà là những mốc thời gian nhỏ bé, những hình ảnh có vẻ bình dị có thể gợi nên một chuỗi cảnh trọn vẹn, và làm cho ký ức trở nên vô cùng sống động:

thoảng tiếng rao
ngày sinh một chiếc bánh tẻ
một bát khoai khô nấu mật
một người mẹ gầy như ban mai
một tiếng cười bên đống rác

 (Ngày 12 tháng 3)                                      

Quá khứ hiện ra sống động qua phương pháp hoán dụ, những chi tiết cảm giác gợi nên tuổi thơ của nhà thơ, một loạt họa tiết lóe sáng trước mắt ông, tất cả mang lại một cảm giác gắn kết, tính trọn vẹn không bị chiến tranh làm cho đứt quãng. Ở đây chủ đề trở về là cơ sở cho tác phẩm của Thanh Thảo, trở về đúng lúc nơi nhà thơ trưởng thành để có thể tìm lại mình thời thơ bé: 

con lại về nhà thầy má
cây mai mới trồng bật hoa
như mắt nắng lạc giữa vùng lụt bão
như mắt má
đăm đăm góc vườn
trong veo màu vú sữa

 (Không đề)                                         

Trên bước đường trở lại với những ký ức tuổi thơ của mình, nhà thơ đã tìm lại bức tranh quê xa cách khỏi chiến tranh, ở đây hình tượng trái cây dồi dào ám chỉ tính ngây thơ trong trắng và cả phần sâu lắng nơi ông vốn không bị trầy xước bởi chiến tranh. Ký ức mở ra con đường chữa lành vết thương, mở ra con đường trở về một thời đã qua, nơi có thể tìm được cảm giác trọn vẹn và gắn bó:

cha mẹ ở đâu thì đó là nhà
quê hương mười mét vuông
nhưng đất nước rộng hơn và thầy má không giữ con
không phải con đi tìm cầu vồng hay cái chết
con đi cho kim la bàn đời mình
quay mãi về căn phòng cũ

 (Chợt nhớ)                                   

Vài dòng về tác giả:

Boey Kim Cheng (sinh năm 1965 tại Singapore) là một trong những nhà thơ nhiều triển vọng nhất của đảo quốc Sư tử nổi lên từ thập kỷ 90 thế kỷ XX. Boey đã xuất bản 4 tuyển tập thơ, 3 trong số đó Ranh giới ở một nơi nào đó, Chốn khác và Những ngày không tên đã giành được giải thưởng. Năm 1996 Boey được trao Giải thưởng Nghệ sĩ Trẻ của Ủy ban Nghệ thuật Quốc gia. Hiện ông định cư tại Australia và giảng dạy tại Đại học Newcastle, bang New South Wales.

Thơ về ký ức của Thanh Thảo là những cố gắng trở lại quê nhà, đem cái tinh thần bị tổn thương được bộc lộ của người cựu chiến binh về nhà. Trong bài thơ Thường là vậy chúng ta thấy một loại nghệ thuật thi pháp, ở đó nhà thơ khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa đất đai và thi ca “nép vào thời gian câu giờ/ mặc đất đai cỗi cằn khô khát”.

Ở trung tâm của mối quan hệ khăng khít giữa quê hương và cái tôi là sự hiện diện của người mẹ. Giống như hai tiếng “quê nhà”, người mẹ là một hình ảnh luôn tái diễn, là cội nguồn sâu xa nuôi dưỡng nhà thơ và sự nghiệp sáng tác của ông. Dao động sóng là một khúc bi thương dành cho thân mẫu nhà thơ: 

suốt đời tôi hai bóng cây an ủi
những dấu chân nào còn lại đường làng
ánh mắt nào mưa đã xóa đi
đăm đắm mọc những vệt sao bé nhỏ
trên vạch ngang chia lìa hai nỗi khổ
mùi khói thơm cay bếp nhà ta
trong khu vườn lá chuối xanh đẫm
còn đâu đây hôm sớm vào ra 

Người mẹ vẫn còn sống, ít ra là trong ký ức nhà thơ – thì hiện tại và hình ảnh trong hai dòng thơ cuối cùng gợi nên sự có mặt vĩnh hằng của mẹ. Trong bài Chợt nhớ, ký ức về người mẹ còn tái hiện:

giờ tôi thấy lại buổi chiều của mình
quả chuối ngọt trên bàn tay má ngọt
trên lưng

Nhà thơ không né tránh những lo lắng, nhưng ông đưa chúng vào những nỗ lực để hiểu chính bản thân và đất nước của mình. Đó là nghệ thuật thi ca không loại trừ cái gì, là nghệ thuật thi ca tiếp nhận quá khứ với toàn bộ cái đẹp và cái xấu của nó. Trong bài Chợt nhớ, ký ức về ngôi nhà của gia đình, về người mẹ “thơm đậm mùi chuối chín,” “hai hay ba chiếc ghế cũ / bình trà cũ / bóng nắng cũ / cơn mưa rào chiều hè” kết hợp chặt chẽ với những người bạn ngã xuống trong chiến tranh và tiếng “bom rơi phía cầu Đuống rền như sấm cũ”.

Thay vì giữ những cặp nhị trùng giữa sự vắng mặt và có mặt, quá khứ và hiện tại khác biệt và tách rời nhau, tầm nhìn xa rộng của Thanh Thảo đã kết hợp chúng vào những tổng thể mới, nhằm nhắc nhở và cảnh báo, gợi nhớ những người chịu nhiều đau khổ, những người đã khuất.

Có lẽ giao điểm giữa cái chung và cái riêng không đâu được đề cập mạnh hơn trong bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình của ông:

ngày chúng tôi đi
các toa tàu mở toang cửa
không có gì phải che dấu nữa 
những thằng lính trẻ măng
tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ
những thằng lính trẻ măng
quân phục xùng xình
chen bám ở bậc toa như chồi như nụ
con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ
và dài muốn đứt hơi
hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ

Các chi tiết, giống như trong cuốn tiểu thuyết về Việt Nam Những gì họ mang theo của Tim O'Brien*, tích lũy để đem đến cho chúng ta tính xác thực về chiến tranh.

Bài thơ thể hiện sự kính trọng cá nhân người lính, đối diện với nỗi sợ hãi và thiếu thốn của cá nhân. Đây là một khoảnh khắc hồi tưởng giống như trong bài Cuộc gặp lạ lùng của Wilfred Owen, có điều nó xảy ra ở Việt Nam:

tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất
trải dưới trời một tấm ni lông
nơi khi chiều B52 bừa ba đợt
nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình:
“chừng nào thật hòa bình
ra lộ Bốn trải ni lông nằm một đêm cho thỏa thích”
thằng bạn tôi đăm đăm
nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước
đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được
chứa đầy một hố bom và một ngôi sao

(Một người lính nói về thế hệ mình)                  

Đây là một giây phút cảm động, là phút giải khuây đầy nhân bản trong sự kinh hoàng của chiến tranh, khi bản thân vượt ra ngoài giới hạn chịu đựng để chia sẻ nỗi đau và hy vọng với người khác. Ở mức độ cùng cực nhất, cái tôi không thu mình vào trong những mất mát của chính nó mà hướng tới những người khác, và đó là giọng điệu mong manh nhưng quả quyết trong thơ chiến tranh của Thanh Thảo:

buổi chiều pháo bắn
những cây bình bát gục ngã
hoàng hôn đôi bờ như máu chảy
trắng dòng kênh xác xăng đặc lều bều
tôi bỗng thấy mặt mình trên mặt nước
mặt nước trôi những dề xăng đặc
mặt nước trôi những trái bình bát
mặt nước trôi quê hương không còn nguyên vẹn

(Một người lính nói về thế hệ mình)                

Thơ Thanh Thảo thôi thúc bởi một nhu cầu cấp bách phải nhắc nhở để chúng ta không quên. Đó là những bài thơ mãnh liệt, đôi khi là cái đẹp khắt khe, đầy lo ngại. Ký ức, việc thực hiện lời hứa với quá khứ đang trở nên đặc biệt khẩn thiết tại nước Việt Nam mới, nơi sự phát triển tư bản chủ nghĩa đang nhanh chóng phá hủy thế giới và đức tin mà những cựu chiến binh như Thanh Thảo đã vì nó mà chiến đấu. Thơ ông là bằng chứng, cung cấp bằng chứng cho nỗi đau của những người không thể lên tiếng thể hiện nỗi đau của họ. Đó còn là thi ca về sự tồn tại, thứ thi ca có thể giành lại ý thức về cái đẹp trong những trải nghiệm hoang sơ và khủng khiếp nhất. Và như  thế, Thanh Thảo là một nhà thơ cần thiết cho Việt Nam và cho thời đại chúng ta.

Lương Lê Giang (dịch)

(*)  Tim O'Brien (1946 - ): Tiểu thuyết gia người Mỹ chủ yếu viết về những trải nghiệm của ông trong chiến tranh Việt Nam và những hệ lụy của nó đối với cựu binh Mỹ.

 Boey Kim Cheng
(nhà thơ Australia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.