Thở và Cười

24/05/2008 16:04 GMT+7

Chương trình thiền tập và pháp thoại chủ đề Thở và Cười 2008: Doanh nhân và đất mẹ dành cho doanh nhân Việt Nam diễn ra trong hai ngày 24 và 25.5 tại Hội An. PV Thanh Niên đã trao đổi với thầy Thích Chân Pháp Khâm, giáo thọ Làng Mai - người đang phụ trách phối hợp chuyến đi của thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai ở Việt Nam.

* Thở và cười là chuyện bình thường, nôm na là “thường thấy thường làm”, nay vì sao thiền sư Nhất Hạnh lại lấy đó làm chủ đề sinh hoạt của chương trình này?

- Trước hết nói về chuyện... thở. Đúng là chuyện “thường thấy thường làm”, nhưng không phải ai cũng luôn “thấy” hơi thở của mình ra vào thanh bình từng phút giây trong hiện tại và không phải ai cũng biết cách “làm” cho hơi thở ấy đem lại bình an và hạnh phúc cho mình. Là vì có nhiều lý do riêng và chung ngăn trở. Nhất là đời sống hiện nay bận rộn quá, nhiều người than không có thì giờ để thở, để sống. Hơi thở là sự sống, có tác dụng nuôi dưỡng và điều trị thân tâm. Mỗi khi mệt mỏi, chỉ cần thở vài ba hơi nhẹ và sâu là đã thấy khỏe. Khi đang lo lắng hay phiền muộn, những hơi thở nhẹ và sâu cũng giúp chúng ta không bị lôi cuốn theo cảm xúc và giúp chuyển hóa những năng lượng bất an đó thành năng lượng trung hòa của hơi thở.

Ngoài việc về Việt Nam tham dự Vesak 2008 tại Hà Nội, thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đã mở hai khóa tu cho những người trẻ tại tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng. Tiếp đó là khóa tu 7 ngày dành cho 400 tu sĩ nước ngoài đến từ 40 quốc gia trên thế giới tại khách sạn Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội). Những khóa tu trên nhằm mục đích tạo tâm lượng bình an và bầu trời thanh tịnh để cúng dường Đại lễ Vesak. Trong những ngày đại lễ, thiền sư đã có bài thuyết giảng chính tại diễn đàn hội thảo quốc tế, đồng thời đọc tham luận cũng như chủ tọa vài buổi tọa đàm.

Vì thế chương trình này là một lời mời gọi trở về với hơi thở nguyên lành, đều đặn, bình an. Đây cũng là một phương pháp đối trị cơn giận rất hữu hiệu. Khi giận, tim chúng ta đập mạnh hơn, mặt và tai đỏ lên, hai tay nắm chặt lại, và một năng lượng mạnh có tính bạo động xuất hiện. Để giải tỏa năng lượng này, chúng ta cần trở về với hơi thở, thở vào thở ra chậm và sâu. Để ý đến hơi thở thôi, đừng để ý đến những cảm xúc giận. Năng lượng do cảm xúc giận tạo nên sẽ giảm đi. Nạn kẹt xe tại các đô thị làm cho nhiều người dễ nổi giận. Biết cách giảm cơn giận trong những trường hợp như vậy giúp chúng ta rất nhiều.

* Còn với nội dung cười thì sao, thưa thầy?

- Nụ cười là một biểu hiện của hạnh phúc, giúp chúng ta và người xung quanh thư giản rất nhiều. Chúng ta dành nhiều thì giờ và tiền bạc để làm đẹp cho mình. Hơi thở và nụ cười là hai vật sẵn có để chúng ta làm đẹp. Hơi thở đem dưỡng khí vào để nuôi các tế bào, trong đó có tế bào da, và là một phương pháp dưỡng da rất tốt. Chúng ta có tô điểm bằng những loại quần áo, túi xách, nữ trang đẹp và sang trọng nhưng không có nụ cười thì vẫn thiếu cái gì đó. Nụ cười là một trang sức có khả năng đưa ta gần lại với những người chung quanh. Vậy đó, chúng ta ai cũng cần thở và cười hết.

Đối với doanh nhân, nhu cầu đó càng nhiều hơn. Là người phải làm việc trong môi trường căng thẳng và bận rộn, nên doanh nhân cần có những phương pháp tĩnh tâm để có những quyết định sáng suốt. Hơi thở chánh niệm giúp doanh nhân không bị lôi cuốn theo những cảm xúc nhất thời, giúp họ dừng lại để nhìn vấn đề kỹ càng hơn, để không có những phản ứng và lời nói không thích hợp. Dùng những lời nói đầy thương yêu và nụ cười tươi để tiếp xúc với các đối tác, cộng sự và nhân viên giúp tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh và thân thiện. Môi trường làm việc tốt có thể có không khí của một gia đình, mọi người giúp đỡ lẫn nhau, tạo tinh thần hợp tác, không có tính cạnh tranh. Đồng thời cũng giúp cho đời sống cá nhân và gia đình của doanh nhân tốt đẹp hơn.


Thầy Thích Chân Pháp Khâm - Ảnh: Làng Mai cung cấp

* Vậy chương trình này sẽ hướng dẫn các doanh nhân thở và cười như thế nào?

- Chương trình Thở và Cười 2008 sẽ hướng dẫn các doanh nhân thực tập những phương pháp thư giãn để đối phó với áp lực trong công việc. Thực hành phương pháp dừng lại và quán chiếu để thiết lập những ưu tiên trong đời sống nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình; rèn luyện cách nhìn rộng mở về mối tương quan giữa mình với mọi người và môi trường xung quanh để việc kinh doanh đem lại lợi ích cho mình và cho người, cũng như cho môi trường thiên nhiên. Những phương pháp này giúp cho doanh nhân sống hạnh phúc, biết cần phải làm những gì cho mình, cho gia đình mình và cho xã hội.

* Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai chắc hẳn cũng có các nhận xét về doanh nhân Việt Nam hiện nay?

“Biết cách thở và cười đúng pháp sẽ đem lại bình an cho tâm hồn và tỏa rộng sự bình an đó ra chung quanh. Tâm bình, thế giới bình: Ta hạnh phúc liền giây phút này. Lòng đã quyết dứt hết âu lo. Không đi đâu nữa, có chi để làm. Học buông thả, sống không vội vàng. Một ao nước bị đàn trâu khuấy lên làm cho đục ngầu, không thấy đáy ao. Để một thời gian, bùn đất sẽ lắng xuống, nước trong trở lại và ta có thể thấy đáy ao. Tâm ta cũng vậy, những lo âu, buồn phiền, tính toán như những đám mây đen che mất những hạnh phúc và vẻ đẹp của cuộc sống. Dừng lại, thở và cười giúp làm tan đi những đám mây phiền não đó. Tâm ta trở nên bình an và thanh thản. Tâm an thì mình biết cần phải làm gì” - thầy Thích Chân Pháp Khâm.

- Doanh nhân Việt có đầy đủ khả năng và tiềm lực để sánh vai cùng các doanh nhân bạn trên thế giới. Nền kinh tế của đất nước mới phát triển, doanh nhân Việt có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước khác để áp dụng cụ thể tại Việt Nam mà không cần phải rập khuôn. Doanh nhân cần có một đời sống tinh thần lành mạnh. Chúng ta không cần phải sống một cuộc sống vội vã. Tốc độ hối hả trong cuộc sống làm cho đa số dân chúng ở nơi đó ít có hạnh phúc. Mấy năm trước đây, để giúp cho dân Hồng Kông sống chậm lại, có thêm thì giờ nghỉ ngơi, chính quyền Hồng Kông đã cho phép cán bộ công nhân viên của họ nghỉ xen kẽ vào ngày thứ bảy. Đa số các doanh nghiệp tư nhân cũng làm theo.

Một lý do thường được chúng ta đưa ra là các nước khác đã phát triển, đã có cuộc sống vật chất cao nên chúng ta phải chạy cho bằng họ rồi sẽ dừng lại. Dừng lại lúc đó có thể đã muộn. Trung Quốc gần đây dành 200 tỉ USD trong 3 năm tới để làm sạch các dòng sông bị ô nhiễm do sự phát triển kinh tế bằng mọi giá. Việt Nam mình cũng có nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng, cũng sẽ rất tốn kém để làm sạch các dòng sông này. Muôn loài dựa nhau mà sống. Những gì một cá thể gây ra sẽ ảnh hưởng đến mọi loài chung quanh và ngược lại. Một cánh rừng nguyên sinh tại Lâm Đồng có thể giúp làm mưa tại Hà Nội. Bảo vệ rừng thượng nguồn có thể ngăn ngừa lũ lụt trong mùa mưa và cung cấp nước trong mùa nắng. Xử lý nước thải trước khi cho thoát ra sông ngòi giúp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của mình, của gia đình mình, của nhân viên mình, của doanh nghiệp mình. Những nội dung trên đều có thể được đề cập đến trong các buổi tiếp xúc của chương trình

Thở và Cười lần này.

Chúc các bạn thở và cười bình an mãi mãi.

 Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.