Thời của mua bán ca khúc độc quyền?

16/08/2006 23:27 GMT+7

Lần đầu tiên tại VN sẽ xuất hiện một nhà đại diện xuất bản âm nhạc chuyên về mua - bán ca khúc độc quyền do nhạc sĩ Đức Trí (Công ty Music Faces Entertainment) làm "chủ xị".

Đây là một ý tưởng và là một công việc được xem là quá... mạo hiểm trong tình hình rối ren ca khúc độc quyền hiện nay tại nước ta. Dù biết rằng rất khó khăn nhưng Đức Trí hy vọng mình sẽ là người đầu tiên đưa việc mua bán ca khúc độc quyền đạt đến một mức độ chuyên nghiệp.

* Ý tưởng trở thành người đại diện xuất bản âm nhạc chuyên về mua - bán ca khúc trong ghi âm có được từ đâu, thưa anh?

- Nói về nhà xuất bản âm nhạc, tại nước ta vẫn chưa được hiểu đúng nghĩa. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nó chỉ chuyên về xuất bản một ấn phẩm nào đó. Tuy nhiên trên thế giới thì vai trò của nhà xuất bản âm nhạc rất lớn và nó có thể trở thành một nhà đại diện chuyên cung cấp tác phẩm cho bên thứ 3 sử dụng (gồm ca sĩ hay các hãng băng đĩa). Tại Mỹ đã có những tên tuổi "đại gia" chuyên về lĩnh vực này như:

Agency, Warner-Chappell, EMI... Tại VN, mua - bán ca khúc độc quyền (qua nhà xuất bản âm nhạc) vẫn chưa có, do đó tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đó. Từ khi bắt đầu làm ăn với các đối tác nước ngoài cũng như nhận thấy nhu cầu mà nền âm nhạc VN cần đến hiện nay, đặc biệt là chúng ta vừa được thực thi Luật Sở hữu trí tuệ vào đầu tháng 7 vừa qua nên tôi đi đến quyết định này; dù biết rằng sẽ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn về tài chính.

* Như vậy, công việc cụ thể mà anh phải làm là gì? Thời gian để tiến hành vai trò của mình là khi nào?

- Như bạn biết đó, đã có không ít nhạc sĩ vì chưa nổi tiếng nên khi trở thành chủ sở hữu của một ca khúc vẫn không biết phải phổ biến tác phẩm của mình như thế nào. Hoàn toàn đối nghịch với nhạc sĩ đã nổi tiếng khi có một tác phẩm thì được nhiều ca sĩ, nhà sản xuất băng đĩa nhạc tìm đến. Trên thế giới điều này không có, bởi thường nhạc sĩ tìm đến nhà xuất bản ký hợp đồng xuất bản ca khúc của mình rồi nhà xuất bản mới là người tìm người sử dụng để bán cho họ. Chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm ký hợp đồng độc quyền với nhạc sĩ dựa trên "tiêu chuẩn" mà ca sĩ và nhạc sĩ đã thỏa thuận trước đây. Ca sĩ hay nhà sản xuất muốn có ca khúc phù hợp với mình chỉ cần tìm đến chúng tôi để có được cái họ muốn. Thời gian tiến hành việc này khoảng đầu tháng 9 tới.

* Anh có đảm bảo là giá mua của nhà xuất bản bên anh sẽ không thấp hơn giá tính theo mặt bằng chung đã có từ trước đến nay?

- Nói về giá cả trong việc mua bán tại nước ta vẫn chưa có một quy định cụ thể rõ ràng nào. Vẫn chưa có một văn bản được ký một cách chuyên nghiệp giữa nhạc sĩ và người sử dụng tác phẩm mà thường ghi mấy dòng đơn giản vào mặt giấy viết ca khúc. Ngay cả ca sĩ và nhạc sĩ cũng không biết cái giá mình mua - bán đó cao hay thấp mà chỉ làm theo cảm tính. Thực ra trên thế giới cũng không có một mức giá ấn định được đưa ra mà chỉ tính theo phần trăm ấn phẩm đó bán ra. Trước mắt, chúng tôi vẫn giữ mức giá không thấp hơn giá mà nhạc sĩ bán cho ca sĩ từ trước đến nay. Tuy nhiên, giá tiền đó chỉ gọi là tạm ứng mà thôi vì sau này chúng tôi sẽ trả thêm cho nhạc sĩ nếu tác phẩm đó thu được lợi nhuận cao hơn mức giá chúng tôi đã trả.

* Nói như vậy nếu tác phẩm đó không thu được lợi nhuận cao thì sao, các anh có "đòi" tiền lại tác giả?

- Chắc chắn là không rồi. Khi mua một tác phẩm, chúng tôi sẽ nghĩ đến tác phẩm đó có sinh nhiều lợi nhuận cho mình hay không rồi sẽ ký độc quyền. Chúng tôi sẽ cố gắng để mọi ca khúc đều có lãi cho nhạc sĩ nhờ.

* Bản thân anh và công ty sẽ được gì khi làm việc này?

- Tôi sẽ áp dụng cách mà nhà xuất bản âm nhạc trên thế giới đang sử dụng phổ biến nhất hiện nay là thu 25% lợi nhuận bán được trên ca khúc.

* Xin cảm ơn anh!

Dạ Ly
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.