Cụ thể, ông Hoàng Kiều (cháu ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ), chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, vừa có văn bản yêu cầu gửi về Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) để giải quyết vụ Công ty cổ phần Sky Music vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Phía VCPMC cũng cho biết luật sư (LS) của ông Hoàng Kiều tại Mỹ đang tiến hành thủ tục khởi kiện Sky Music.
Theo Thẩm phán Quách Hữu Thái (Chánh án TAND Q.2, TP.HCM) bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền của tòa án, và tại điều 37 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tranh chấp này do TAND TP.HCM thụ lý, giải quyết.
Tuy nhiên, ông Quách Hữu Thái lưu ý, cơ sở để tòa án thụ lý thì ông Hoàng Kiều phải cung cấp được chứng cứ chứng minh mình là đối tượng được quyền khởi kiện. “Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 3 hàng thừa kế, và ông Kiều là cháu thì thuộc hàng thừa kế thứ ba. Như vậy, nếu hàng thừa kế thứ nhất hoặc thứ hai không còn thì khi đó ông Hoàng Kiều mới đương nhiên được quyền khởi kiện; trường hợp hàng thừa kế thứ nhất hoặc thứ hai vẫn còn thì các đồng thừa kế này phải làm ủy quyền để ông Hoàng Kiều đại diện đứng ra khởi kiện; nếu ông Hoàng Kiều có di chúc thì tòa cũng phải xét di chúc đó có hợp pháp hay không hợp pháp. Nếu di chúc hợp pháp thì người được định đoạt theo di chúc mới có quyền khởi kiện”, ông Thái cho biết thêm và phân tích trong trường hợp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ủy quyền cho ông Hoàng Kiều khởi kiện thì giấy ủy quyền này không còn giá trị pháp lý bởi ông Hoàng Thi Thơ đã mất.
Tương tự, LS Nguyễn Trung Trực (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng theo quy định của pháp luật thì chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến quyền tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả hoặc các tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền. Do đó, trong trường hợp ông Hoàng Kiều, mặc dù là cháu ruột của ông Hoàng Thi Thơ nhưng để có quyền khởi kiện, ông cần phải là chủ sở hữu hợp pháp hoặc ông phải được chủ sở hữu hợp pháp của các tác phẩm này ủy quyền thực hiện.
Việc yêu cầu đền bù 150.000 USD của ông Hoàng Kiều có đúng quy định pháp luật VN hay không, LS Trực cho rằng để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại mà mình đã gánh chịu. Do đó, trong trường hợp của ông Hoàng Kiều, nếu có thể chứng minh được những thiệt hại thực tế mà Sky Music đã gây ra cho ông thì ông có quyền yêu cầu Sky Music bồi thường thiệt hại.
Bình luận (0)