Nhiều hiện vật chiến tranh như máy bay, xe tăng, vũ khí, khí tài... được trưng bày trong khuôn viên di sản Quốc Tử Giám (Huế) từ gần 40 năm nay.
Hiện vật chiến tranh trưng bày trong khuôn viên Quốc Tử Giám - Ảnh: B.N.L |
Nằm trên trục đường 23 Tháng 8, ngay bên trái di tích Ngọ Môn và Lầu ngũ phụng (Đại nội - Huế) là di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn, cũng là nơi “ở tạm” của Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế từ khi thành lập đến nay.
|
Bảo tàng “ở tạm”
“Sự tồn tại của bảo tàng cùng việc trưng bày nhiều hiện vật chiến tranh như xe tăng, máy bay, vũ khí, khí tài... ngay trong khuôn viên của một di tích biểu trưng cho nền giáo dục nước nhà, thuộc hệ thống di sản cố đô Huế là không phù hợp”, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế, thừa nhận.
Ông cho biết đây không chỉ là mối quan tâm của nhiều thế hệ cán bộ lão thành cách mạng mà cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh và đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Theo ông, mặc dù bảo tàng có quy mô và hệ thống hiện vật phong phú, nhưng do “ở tạm” trong di sản cố đô Huế nên đã không phát huy hết giá trị trong bảo quản và trưng bày hiện vật, phục vụ khách tham quan. Cụ thể, trong số hơn 30.000 tài liệu và hiện vật, ngoài một số hiện vật về chiến tranh như xe tăng, máy bay, vũ khí... được trưng bày ngoài trời, một số hiện vật tiêu biểu khác được trưng bày bảo quản lại tòa nhà của Di Luân đường, đa số hiện vật còn lại đều phải nằm kho vì không có không gian trưng bày.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hiện tại di tích Di Luân đường của Quốc Tử Giám đang xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, UBND tỉnh đã có cuộc họp để triển khai giải pháp “tạm” chống xuống cấp và chống dột cho di tích. Tuy nhiên, theo ông Hải, “với trách nhiệm quản lý hệ thống di sản Huế, chúng tôi mong muốn tỉnh sớm có kế hoạch đưa bảo tàng ra khỏi di tích, lúc ấy chúng tôi mới có thể có kế hoạch trùng tu bảo tồn di tích một cách quy mô và đàng hoàng hơn”.
Chuyển đi đâu cũng vướng
Theo ông Hùng, việc lựa chọn, tìm vị trí để xây dựng Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế đã được đề ra trong nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế từ 2 nhiệm kỳ trước. Năm 2013, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về việc quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó việc đầu tiên đặt ra là lựa chọn, tìm kiếm địa điểm thích hợp để quy hoạch xây dựng Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế.
Ông Hùng cho biết, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp để đề xuất địa điểm xây dựng bảo tàng. Một số địa điểm được đưa ra như khu đất liền kề Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh, hay ở khu vực công viên văn hóa Ngự Bình, hoặc tiến hành đổi đất cho Trung tâm huấn luyện của Bộ đội biên phòng tỉnh (nằm trên đường Điện Biên Phủ, P.Trường An)... Mới đây nhất, trong năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng đã chủ trì một cuộc họp với các ngành liên quan để xúc tiến tìm kiếm địa điểm xây dựng bảo tàng, nhưng do khó khăn về kinh phí nên đến nay bài toán vẫn chưa có lời giải.
Bình luận (0)