Tại TP.HCM, trước đây có một hệ thống quân thành kiên cố được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19 với kiến trúc kiểu phương Tây, thể hiện tư duy quân sự hiện đại và tính tự chủ trong việc thực thi chủ quyền quốc gia.
Tranh vẽ quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định năm 1859 - Ảnh: T.L
|
Tìm lại thành xưa
Theo tài liệu ở Bảo tàng TP.HCM: Thành Bát quái (còn gọi là thành Quy) xây dựng ngày 4.2.1790, có hình hoa sen. Từ đông sang tây thành dài 648,5 m, chiều bắc - nam cũng vậy, cao 6,34 m, chân tường dày 36,5 m, xây bằng đá, gạch nung. Hào thành rất sâu với nhiều cầu bắc ngang, ngoài đắp lũy bằng đất và có trụ cờ Vọng đẩu cao... Thành nằm trong khu vực bao quanh bởi 4 con đường hiện nay của TP.HCM: Đinh Tiên Hoàng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu. Với quan điểm thành ở địa phương phải nhỏ hơn kinh đô và nhất là sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (con nuôi Tổng trấn thành Lê Văn Duyệt), vua Minh Mạng đã ra lệnh phá thành Quy để xây dựng thành Gia Định mới (gọi là thành Phụng). Năm 1836, công trình với gần 10.000 người dân các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường làm trong 2 tháng mới hoàn thành.
Nhà nghiên cứu lịch sử, PGS-TS Trần Thị Mai khẳng định: “Bằng cách định hướng cổ thì thành Phụng nằm trong khuôn viên những con đường lớn hiện nay: Nguyễn Du mặt tiền, Nguyễn Đình Chiểu mặt hậu, Nguyễn Bỉnh Khiêm mặt tả và Mạc Đĩnh Chi mặt hữu. Cửa tiền nằm hướng ra đường Tôn Đức Thắng, cửa hậu nhìn ra đường Đinh Tiên Hoàng, cửa tả hữu đều nhìn ra đường Nguyễn Thị Minh Khai...”.
GS Nguyễn Đình Đầu, người có rất nhiều công trình nghiên cứu về Sài Gòn nêu chi tiết: “Gia Định là ngôi thành đồ sộ, lớn nhất trong lịch sử nhà Nguyễn. Lúc đầu được gọi là Bát quái, do có 8 cửa, bên trong thành xẻ 4 đường ngang, 4 đường dọc thành những ô vuông, thoạt nhìn bản đồ giống như một con rùa khổng lồ nên hay gọi là thành Quy. Tường thành Phụng có lẽ xây bằng vật liệu của thành Quy tháo ra: đá ong Biên Hòa, gạch rắn chắc, hồ vữa có pha mật mía nên hết sức bền. Nhìn kiểu cách của cầu và cổng thì thành Gia Định mới làm theo lối Á Đông nhưng xem kỹ cách đặt pháo đài ở 4 góc vẫn theo kiểu bố phòng Vauban của phương Tây. Quy mô thành Phụng nhỏ hơn thành Quy nhưng cũng đủ chỗ cho các quan đầu tỉnh làm việc, trại lính phòng thủ và kho dự trữ lương thực, đạn dược”. Tuy nhiên đến ngày 17.2.1859 thì quân Pháp đổ bộ tấn công chiếm Gia Định, cho nổ tung các pháo đài và phá hủy hoàn toàn thành Phụng bằng mìn.
TS Trần Thuận, Phó trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, cho biết thêm: “Đường Đồn Đất đi về hướng Bệnh viện Nhi đồng 2 chỗ mô dốc cao là một trong các cửa đi vào thành. Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM hiện nay cũng nằm trong phạm vi của thành Gia Định xưa”.
Đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) ngày nay nằm trong khu vực thành Gia Định xưa - Ảnh: Quỳnh Trân
|
Niềm tự hào của người Việt
Hơn 150 năm từ khi thành Gia Định bị thất thủ, trong quá trình xây dựng ở TP.HCM, các dấu tích chân tường gạch xưa của thành vẫn thỉnh thoảng phát lộ và được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại một số địa điểm ở Q.1 nhưng việc thực hiện các hội thảo quy mô về thành Gia Định hiện nay lại hầu như... vắng bóng.
PGS-TS Đặng Văn Thắng (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) nói: Hiện bản vẽ về thành Phụng do người Pháp vẽ vẫn còn lưu trữ; chân thành nằm dưới lòng đất vài con đường của TP.HCM mà chỉ cần đào khoảng vài mét sẽ có thể phát hiện rất nhiều tư liệu quý. Vì vậy TP.HCM nên đầu tư kinh phí để các nhà khảo cổ nghiên cứu cụ thể”. Theo TS Trần Thuận: “Nếu như thành Quy thể hiện tư duy quân sự mang dáng dấp văn minh hiện đại của phương Tây, thì thành Phụng hoàn toàn do người Việt xây dựng, chứng tỏ tính tự chủ trong thực thi chủ quyền quốc gia, thể hiện quyền lực tập trung trong cơ chế quân chủ trung ương tập quyền của vua Minh Mạng”.
Ông đánh giá: “Đây là một công trình quân thành có quy mô tầm cỡ, niềm tự hào của người Việt. Đáng tiếc là tuy đã có vài cuộc hội thảo lớn về triều Nguyễn và nhà Nguyễn được tổ chức nhưng vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá bài bản về thành Gia Định, làm rõ vai trò hết sức đặc biệt của thành Quy và thành Phụng trong quá trình lịch sử”.
Quyển Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi: “Năm 1698, chúa Nguyễn cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược: lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn...”. Sau khi yên vị tại Gia Định, Nguyễn Ánh buộc hàng trăm nhà dân di dời đi nơi khác và huy động ba vạn người thực hiện việc xây thành Quy, dựa theo thiết kế của hai người Pháp vẽ vào năm 1789.
|
Bình luận (0)