“Tìm quê hương” của vua Lý Nam Đế

07/10/2012 03:15 GMT+7

Gần 15 thế kỷ sau khi Lý Nam Đế lên ngôi, trở thành người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, một hội thảo được tổ chức để xác định quê hương của ông.

 “Tìm quê hương” của vua Lý Nam Đế
Chùa Hương Ấp, thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên (nơi Lý Nam Đế tu hành thời nhỏ)

“Nếu như công lao và sự nghiệp của vua Lý Nam Đế hết sức to lớn - mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc, thì có một khoảng trống lớn trong tiểu sử của ông vẫn chưa được lấp đầy trong suốt gần 15 thế kỷ qua”, GS-NGND Đinh Xuân Lâm đề dẫn hội thảo về vấn đề quê hương Lý Nam Đế. Hội thảo do Hội Khoa học lịch sử tổ chức hôm qua 6.10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Một trong những lý do khiến quê hương vua Lý Nam Đế còn chưa rõ ràng là các sách sử của Trung Quốc và Việt Nam đều không khẳng định chính xác hoặc đề cập chung chung như “Thái Bình nhân”. “Từ điều này có người cho rằng Lý Nam Đế quê ở Thái Bình ngày nay. Có nhà nghiên cứu lại cho rằng đó phải là Thái Bình dưới thời thuộc Đường rồi khoanh vùng chứng minh nó phải thuộc Hà Tây. Ý kiến thứ ba cho rằng Thái Bình là tên ấp thuộc châu Giã Năng xưa, thuộc Thái Nguyên ngày nay”, PGS-TS Nguyễn Phương Chi, Viện Sử học nói.

Thậm chí, có nhóm tác giả trong cuốn Thái Bình với sự nghiệp dựng nước Vạn Xuân còn công bố một truyền thuyết mà theo họ tuy không có văn bản nhưng phổ cập tại Thái Bình. Theo đó, Lý Bí được sinh ra tại chùa Hưng Quốc (Thái Bình). Tuy nhiên, một nghiên cứu điền dã của Viện Sử học cho thấy tại vùng có chùa Hưng Quốc không hề có truyền thuyết như trên. “Chúng tôi đều nhận được câu trả lời nhân dân chúng tôi không dám nhận đây là đất sinh ra vua Lý Nam Đế. Một cụ còn thay mặt địa phương nói đại ý địa phương không có truyền thuyết chùa Hưng Quốc là nơi sinh ra vua Lý Nam Đế”, PGS-TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học loại bỏ giả thuyết quê Lý Nam Đế tại Thái Bình.

Cũng từ nghiên cứu điền dã kết hợp văn bia, ngọc phả, theo ông Tường, quê hương của Lý Nam Đế phải ở Thái Nguyên. Chẳng hạn, một ngọc phả ghi Lý Nam Đế tu tại chùa Hương Ấp (Thái Nguyên - NV) đến năm 13 tuổi thì theo Phổ Tổ thiền sư về tu hành tại chùa Giang Xá thuộc Hoài Đức, Hà Nội.

Ông Tường cũng liên hệ với việc vua về “huyện Thái Bình” để phất cờ khởi nghĩa. Theo đó, muốn phát động một cuộc khởi nghĩa thì phải hội được 2 điều kiện quan trọng đầu tiên là “nghĩa binh” và “lương thực”. Căn cứ vào đó, đất Thái Bình cổ ứng với Hoài Đức, Hà Nội đáp ứng tốt điều kiện hơn quê hương tại Thái Nguyên hiện nay. “Sử cũ đã nhầm khi nghĩ rằng nơi vua Lý Nam Đế lựa chọn để khởi nghĩa là quê hương của người”, ông Tường nói.

Một thực tế thú vị, theo GS-NGND Đinh Xuân Lâm, là trước khi các nhà khoa học xác định được quê hương của vua Lý Nam Đế thì dân hai vùng Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên) và Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội) đã tự nguyện đi lại thăm viếng lẫn nhau từ hơn 10 năm qua. Họ cũng mặc nhiên thừa nhận nơi có chùa Hương Ấp - Thái Nguyên - là quê hương của vua Lý Nam Đế. Nhân dân làng Giang Xá (nơi thờ Lý Nam Đế làm thành hoàng), về mặt tâm linh đã thừa nhận Thái Nguyên là quê hương của vị thần Thành hoàng làng mình.

“Chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần phải “trả” vua Lý Nam Đế về với quê hương đích thực của người là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, H.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên”, PGS-TS Nguyễn Minh Tường nói. “Chúng tôi vẫn thừa nhận đất tỉnh Thái Bình hiện nay có nhiều di tích lịch sử gắn với vua Lý Nam Đế, nhưng đó chỉ là những di tích liên quan tới những cuộc chiến sự dưới thời Tiền Lý. Nhân dân các xã có đình, đền thờ Lý Nam Đế ở Thái Bình từ xưa đến nay, chưa bao giờ tự nhận là quê hương của người”.

“Trong một tương lai gần, chúng tôi xin trân trọng đề nghị nhà nước ta cùng các cơ quan hữu quan cần xây dựng một ngôi đền thời đức vua Lý Nam Đế trên đất quê hương của người: thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, H.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên”, ông Tường nêu ý kiến.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.