TP.HCM: Đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội Bánh tét Tết Đinh Hợi 2007

31/01/2007 10:49 GMT+7

Ngay từ lần đầu tiên được tổ chức vào dịp tết Giáp Thân 2004, Đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội Bánh tét đã đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân thành phố và du khách về một Lễ hội Tết rực rỡ, đầy phấn khởi.

Đến nay, sự kiện này đã trở thành Lễ hội Tết truyền thống của TP.HCM, mang nét đẹp văn hóa độc đáo, được người Việt Nam trong và ngoài nước nồng nhiệt chào đón và cũng là điểm thưởng lãm thú vị đối với du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến thành phố vào dịp Tết Nguyên Đán.

Năm nay, UBND TP.HCM tiếp tục giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) chủ trì phối hợp với các cơ quan ban, ngành thành phố tổ chức thực hiện 2 sự kiện truyền thống này. So với ba lần tổ chức lễ hội trước đây thì quy mô lễ hội Tết Đinh Hợi 2007 lớn hơn và có nhiều hoạt động phong phú hơn.  

UBND thành phố xác định đây là chương trình văn hóa phục vụ nhân dân, ngân sách cấp một phần và từ nguồn xã hội hóa, trong đó có phần tích cực hỗ trợ từ đơn vị thành viên Ban tổ chức. Cùng với Saigontourist, PepsiCo Vietnam, Kinh Đô – là các nhà tài trợ truyền thống, đã đóng góp từ những năm đầu tiên, năm nay Công ty Vạn Thịnh Phát, S-Fone và Bia Sài Gòn cũng tham gia tài trợ chính và dự định gắn bó dài lâu với chương trình Tết đầy ý nghĩa nhân văn này. UBND tỉnh Lâm đồng và TP Đà Lạt tiếp tục hỗ trợ hoa xứ lạnh cho Đường Hoa năm nay

Báo Thanh Niên sẽ tham gia chương trình này với tư cách là nhà bảo trợ thông tin, cùng với các đồng nghiệp báo chí khác gồm: Đài truyền hình TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng Thứ 7, Sài Gòn Giải phóng Thể thao, Phụ Nữ TP, Người Lao Động, Sài Gòn Doanh Nhân, Vietnam News, Saigon Times.

Đường hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ khai mạc từ tối 28 tháng Chạp âm lịch, trưng bày đến tối mùng 3 Tết (nhằm ngày 15/2 – 19/2/2007) kéo dài trên trục đường Nguyễn Huệ (từ trụ sở UBND thành phố đến đường Tôn Đức Thắng) và trục đường Lê Lợi (từ ngã tư Lê Lợi – Pasteur đến ngã tư Lê Lợi – Đồng Khởi).

Chủ đề Đường hoa năm nay mang tên “Trên Đường Hội Nhập”, với nhiều tiểu cảnh thể hiện nét đặc trưng Tết của Việt Nam, đặc trưng Tết Nam Bộ, thể hiện tinh thần đoàn kết nhân ái sẻ chia, tính năng động và khát vọng đổi mới để phát triển của TP.HCM. Cụ thể: Tại khu vực đặt tượng Bác Hồ trước mặt tiền trụ sở UBND thành phố thể hiện “Vườn mai Bác Hồ” gồm những gốc mai quý, độc đáo. Tiếp đến là đoạn 1 “Tết sung túc” trên nền hoa làm chủ đạo, các chú heo - vật biểu tượng của năm Đinh Hợi - bằng đất và gốm đủ kích cỡ, tư thế và màu sắc, tạo nên hình ảnh sinh động của năm mới sung túc.

Đoạn 2 “Hoa của đất – Xuân của trời” thể hiện mùa xuân về, đất trời như được tô thêm bởi sự đa dạng màu sắc của nhiều loại hoa. Ngoài các loại hoa làm nền thông thường, ở đoạn này phần lớn hoa được dùng là các loại hoa xứ lạnh được đưa về từ Đà Lạt như lan, cẩm tú cầu, địa lan... trưng bày bộ thiết kế áo dài bằng hoa và nghệ thuật cắm hoa.

Đoạn 3 “Hồ chúc phúc”, tại đây mọi khách du Xuân đều có thể làm việc thiện đầu năm, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn bằng việc dùng những đồng xu thả xuống hồ với mong ước hạnh phúc bình an sẽ đến với tất cả mọi người. Saigontourist sẽ dùng số tiền này trao tặng cho tổ chức từ thiện.

Cũng trong lễ hội tết Đinh Hợi 2007, Saigontourist còn thực hiện cuộc vận động trang hoàng “Mặt phố Tết” và các đơn vị trực thuộc Saigontourist tại trung tâm thành phố sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn Door shows, Windoor shows với các tiết mục ca múa nhạc, hòa tấu, hoạt cảnh, rối hơi, xiếc, ảo thuật, múa lân... nhằm mang không khí vui tươi trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Nhằm quảng bá, thông tin đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội bánh tét, năm nay Ban tổ chức đã đưa vào hoạt động trang web www.duonghoanguyenhue.com. Ngoài hình ảnh, tư liệu, thông tin lễ hội tết các năm qua và Tết Đinh Hợi sắp đến, trang web còn có thiệp chúc xuân liên quan lễ hội dành cho khách có nhu cầu gởi tặng người thân, bạn bè...

Đoạn 4 “Hành trình xuân” thể hiện ý tưởng xuân đi rồi xuân lại về, như chiếc đồng hồ đếm thời gian. Đoạn hành trình xuân như là chắt lọc những vẻ đẹp tinh túy những ý tưởng của những năm qua cũng như cách trang trí mà nó vẫn còn mãi trong lòng du khách bằng những hình ảnh bánh xe bò, con thuyền, cầu tre...

Đoạn 5 “Khoảnh khắc xuân” nói lên ý nghĩa không gian vô tận nhưng thời gian luôn có giới hạn bởi bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Điểm nổi bật tại đoạn này là đồi chong chóng như muốn nhắc nhở chúng ta về nhịp của thời gian. Những chiếc chong chóng này còn thể hiện sự năng động của thành phố trẻ.

Đoạn 6 “Hồi ức” nói lên điều bất cứ nơi đâu, thời gian đi qua đều để lại những dấu ấn rất riêng và mùa xuân trên Đường hoa cũng thế, những đồng lúa, đường làng cùng các trò chơi dân gian... như muốn nhắc nhở rằng chúng ta hội nhập nhưng luôn giữ bản sắc riêng.


Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút khách tham quan trong những ngày Tết - Ảnh:  M.Vọng

Đoạn 7 “Trên đường hội nhập” mang ý nghĩa chủ đề của toàn đường hoa, sau khi du khách thưởng ngoạn suốt trục đường Nguyễn Huệ để chiêm ngưỡng khung cảnh biểu trưng hiện tại, ký ức và hoài niệm những gì đã qua, khi đến đoạn này du khách sẽ bắt gặp được sự thay đổi về bố cục trang trí thể hiện mong ước, hội nhập cùng với thế giới của dân tộc Việt Nam bằng hàng lọat những chiếc diều đa dạng do họa sĩ – nghệ nhân Nguyễn Minh Phương sáng tạo riêng cho Đường Hoa năm nay...

Hoa còn được bày trí sang đường Lê Lợi – nơi sẽ diễn ra lễ hội Bánh Tét vào đêm mùng 2 tết.

Để thực hiện lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, có hàng 100.000 chậu hoa các loại được sử dụng dịp này, nhằm tạo nên bức tranh hoa đa sắc màu, thể hiện không khí sinh động, vui tươi, đầm ấm Tết Việt.

Nhằm tăng thêm phần hấp dẫn, Đường hoa năm nay còn có biểu diễn của các nhóm nhạc dân tộc, nhạc Flamenco sinh động, xiếc, các màn tung hứng của các bartender chuyên nghiệp, và chương trình “đinh”: biểu diễn kỹ xảo đèn laser lên vách tòa nhà Sun Wah vào phút giao thừa.

Đường hoa càng sinh động hơn với tiếng nhạc êm dịu lồng vào tiếng suối róc rách, tiếng chim hót... tùy theo từng phân đoạn tiểu cảnh trên suốt đoạn đường hoa tạo cho du khách những ấn tượng độc đáo, khó quên!

Thời gian thi công: từ 8h00 sáng 20 tháng Chạp đến 18h00 tối 28 tháng Chạp. Lễ khai mạc Đường Hoa 2007: 19h00-20h00 tối 28 tháng Chạp. Thời gian phục vụ công chúng: từ 20h00 tối 28 tháng Chạp đến 22h00 tối mùng 3 Tết – Chiếu lazer từ 23h57 tối giao thừa đến 0h00  Mùng 1 Tết và từ 0h15 đến 0h17.

Trong suốt 5 ngày lễ hội, cấm xe lưu thông trên toàn trục đường Nguyễn huệ (làn ôtô và gắn máy) kể từ 17h – 23h.

Lễ hội Bánh tét

Là lễ hội đường phố (carnival) do đạo diễn Hoa Hạ làm tổng đạo diễn, gồm đội hình xe hoa, 2 xe chở cặp bánh tét Guinness (cặp bánh tét kỷ lục guinness, nặng 3,5 tấn do Công viên văn hóa Đầm Sen thực hiện), diễn viên biểu diễn nghệ thuật dân gian Việt Nam đan xen với ca múa nhạc hiện đại trên trục đường Lê Lợi rực rỡ hoa và ánh sáng đèn trang trí.

Đoàn xuất phát đầu tiên của carnival sẽ tập kết  từ công viên 23/9, các nhóm kết nối tập kết tại các ngã tư đường Nam kỳ khởi nghĩa và Pasteur (giáp Lê Lợi). Điểm diễn chính là đoạn Lê Lợi - phần trước KS Rex và TX Tax. Khu vực Đại biểu bố trí trên vỉa hè và 2 làn xe gắn máy thuộc điểm diễn chính. Công chúng đứng xem tại phần 2 làn xe gắn máy và vỉa hè còn lại dọc Lê Lợi.

Bục diễn ra nghi thức cắt bánh Tét dâng Trời Đất được bố trí ở cạnh bùng binh cây liễu (hướng nhìn về Công viên 23/9) với  hai xe bánh Tét 2 bên.

Phần kết thúc Lễ hội sẽ là “đại tiệc Bánh Tét” phát lộc bánh cho khoảng 30.000 người tại làn xe gắn máy (đoạn từ Pasteur đến Nguyễn Huệ) do các khách sạn thuộc Saigontourist phối hợp phục vụ công chúng. Tất cả nhân sự tham gia phục vụ đều mặc trang phục bà ba để tạo hình ảnh hài hòa với Lễ hội. Tối Mùng 2 Tết cấm xe trên toàn đường Lê Lợi và các đường dẫn vào Lê Lợi từ 18g - 21h ; tối 26 tháng Chạp L cấm xe từ 21h – 23h30 để tổng dợt. Tổng dợt Lễ hội Bánh Tét: từ 21h00  tối 26 tháng Chạp trên trục đường Lê Lợi.

Lễ hội chính thức: từ 19h30 đến 20h30 tối Mùng 2 Tết trên trục Lê Lợi, trực tiếp truyền hình trên HTV.

Mai Vọng – Trung Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.