Trăm năm thi sĩ tửu đồ

10/05/2010 00:22 GMT+7

Nói tới Tản Đà là phải nhắc đến thơ, đến rượu. Nhiều người ao ước được uống rượu với ông, coi chuyện được đối ẩm với “ông thần men” này là một vinh dự, một kỷ niệm nhớ đời. Tuy vậy, không phải ai cũng thích uống rượu với Tản Đà.

Bàn về thơ, rượu, Tản Đà ra “tuyên ngôn”: “Trời đất sinh ra thơ với rượu/Không thơ, không rượu sống như thừa/Công danh hai chữ mùi men nhạt/Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ” (Ngày Xuân thơ rượu). Ông biện minh cho cái sự say của mình như sau: “Say sưa nghĩ cũng hư đời/Hư thì hư vậy, say thời cứ say/Đất say, đất cũng lăn quay/ Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười?...” (Lại say), và: “Cảnh đời gió gió, mưa mưa/Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn/Rượu say ta lại khơi nguồn/Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình/ Rượu thơ mình lại với mình/Khi say quên cả cái hình phù du/Trăm năm thơ túi, rượu vò/Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai?” (Thơ Rượu). Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến của mình, nhà văn Nguyễn Vỹ kể: “Sau khi tuần báo Phụ nữ đăng bài thơ Gởi Trương Tửu của tôi, một buổi chiều tôi đến chơi ở tòa báo, bỗng thi sĩ Tản Đà từ bên ngoài bước vào. Một chiếc khăn đóng đã viền mòn, đáng lẽ đội trên đầu ông lại đeo tòn teng trong cánh tay. Vẫn chiếc áo lương thâm cũ mà tôi đã thấy ông mặc năm năm trước. Ông hỏi cô thư ký: “Có ông Nguyễn Vỹ ở đây không?”. Cô bạn cười chỉ tôi: “Thưa ông, Nguyễn Vỹ đây ạ”... Ông đưa tôi lên tàu điện, phố Hàng Bông. Nửa giờ sau đến một gian nhà ở ấp Thái Hà, nhà của ông. Ông lấy chai rượu và hai cái cốc ra. Tôi không biết uống rượu, nhưng vì xã giao không dám nói ra, sợ phật ý  thi sĩ có tiếng là “Lưu Linh Việt Nam”. Tôi cứ để mặc ông rót rượu ra cốc... ông bắt đầu hỏi tôi: “Tôi thích bài thơ Gởi Trương Tửu của ông, nên mời ông uống rượu. Trương Tửu là ai?”. “Thưa cụ, bạn cháu ạ”. “Ông ấy có biết uống rượu không?”. “Dạ, anh ấy tên là Trương Tửu, thì cụ khỏi hỏi! Vả lại dòng dõi Trương Phi đấy ạ!”. “Hôm nào rủ ông ấy đến uống rượu với tôi”. “Dạ”. “Nhưng tôi giận ông lắm vì một câu trong bài thơ của ông. Tôi định gặp ông thì tôi bảo”. “Thưa cụ, câu nào ạ?”. “Sao ông lại bảo: Nhà văn An Nam khổ như chó? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?”. “Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?”. Ông Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu, rồi rót luôn một ly nữa. Mặt ông vẫn chưa đỏ. Bỗng dưng ông phì cười, tiếng cười nổ lên đột ngột và kêu to, làm tôi giật mình. Xong, ông nói, không ngó tôi: “Ông làm tôi bượch cười!” (ông Tản Đà hay nói bượch cười). Rồi ông rưng rưng nước mắt... Tự nhiên tôi cũng muốn khóc như ông. Mặt Tản Đà đỏ như quả gấc!

Trương Tửu kể về “Bữa rượu tam đỉnh” độc đáo của Tản Đà như sau: “Chúng tôi uống rượu ở trên căn gác nhà số 417 tại Bạch Mai, chỗ cụ Tản Đà mở phòng xem số Hà Lạc và dạy Hán văn. Thi sĩ rót rượu mời chúng tôi: “Thứ rượu này có ngâm đan sâm và đương quy, uống đậm giọng mà không hại cho sức khỏe. Hai ông cứ uống thật say, không nhức đầu chóng mặt gì đâu mà ngại”. Chúng tôi chưa kịp đáp lời, cụ đã lại nói tiếp: “Để hôm nay tôi xào nấu các thức ăn, hai ông xem. Tôi làm bếp lại có phần giỏi hơn làm văn... (cười và quay lại gọi gia nhân) Này anh Nhỏ, anh đặt cái hỏa lò nhỏ lên bàn này tôi... Được rồi! Anh đặt luôn cái soong chả dê này lên cái hỏa lò nhỡ kia, thêm tí mỡ vào...  Được rồi! Bây giờ anh nhóm lửa cái hỏa lò to kia lên để nấu canh, húp cho giã rượu... Kìa, hai ông xơi rượu tự nhiên đi... Đấy ăn trên lửa có phải ngon không? (cười to). Một bữa rượu, ba cái hỏa lò! Sang thật! Ngày xưa vua chúa dùng ngũ đỉnh, hôm nay ta dùng tam đỉnh chứ thua gì !”... Đáp lại thịnh tình của chủ nhân, bạn tôi, ông Nguyễn Đình Lạp (tác giả Ngoại ô - NV), nghiêng mình thưa: “Chúng tôi được hầu rượu cụ hôm nay, thật lấy làm hân hạnh và vui vẻ lắm”. Tôi tiếp lời bạn, thân mật hơn: “Chúng tôi không ngờ một nhà thơ tài hoa của núi Tản sông Đà lại nấu nướng thức ăn có nghệ thuật đến thế” (Trương Tửu - Uống rượu với Tản Đà).

Năm 1938, Tản Đà 50 tuổi còn nhà thơ Trần Huyền Trân mới 25 tuổi. Vậy mà giữa họ đã có một tình bạn vong niên, cái chất xúc tác cho tình bạn hiếm có ấy chính là... men rượu. Bài thơ Mộng uống rượu với Tản Đà của Trần Huyền Trân đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1938) là một sự đồng cảm sâu sắc của một nhà thơ mới với một nhà thơ cũ, sinh bất phùng thời: “Cụ hâm rượu nữa đi thôi/Be này đã cạn hết rồi còn đâu!Rồi lên ta uống với nhau/Rót đau lòng ấy vào đau lòng này/ Say đâu? Lòng chửa được đầy/Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?/Đường xa ư cụ? Quản chi!/Đi gần hạnh phúc là đi xa đường... Rót đi, rót... rót đi thôi/ Rót cho tôi cả năm mươi tuổi đầu/Nguồn đau cứ rót cho nhau/Lời say sưa mới là câu chân tình”.

Nhưng không phải ai cũng “hợp gu” với cái kiểu ăn uống của Tản Đà. Tác giả Món ngon Hà Nội tâm sự: “Người như Tản Đà để ở xa mà kính trọng, cảm phục thì được, chứ ở gần thì không thể nào chịu nỗi!...Bất cứ ở đâu ông cũng coi như chỗ không người, ăn uống bừa bãi, nói lè nhè ầm ĩ, có khi đương yên lành chẳng làm sao bỗng đổi ra giọng gay gắt với người đối thoại, tuồng như ông chính là đấng trích tiên thật, thiên hạ ai cũng sợ ông...” (Vũ Bằng - Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ, NXB Văn học, 1970).

Cụ tú Phan Khôi - người “vinh hạnh” được “quan tòa” Tản Đà lên án đòi chém, cũng đã nhận xét như sau: “Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi chịu không được nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. Ông đem hỏa lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn. Có khi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú (Tôi với Tản Đà thi sĩ, Tao Đàn số 9-10, năm 1939).

Xem thế cũng biết, cả người thích lẫn người không thích uống rượu với Tản Đà đều có ấn tượng về thật đậm nét về “thi sĩ tửu đồ”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.