Trụ sở báo Tiếng Dân được công nhận là di tích lịch sử

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
26/04/2019 19:17 GMT+7

Trụ sở báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút tại Huế đã được công nhận di tích cấp tỉnh để làm cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Sáng 26.4, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ công bố quyết định, đón nhận bằng xếp hạng trụ sở báo Tiếng Dân (số 193 Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế) là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Bằng công nhận di tích trụ sở báo Tiếng Dân tại Huế Ảnh: CTV

Báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, hoạt động từ năm 1927 tới 1943, là một trong những tờ báo quốc ngữ đầu tiên tại khu vực miền Trung, có vai trò chính trị quan trọng, gây ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung. Tiếng Dân trở thành tờ báo lâu năm nhất (17 năm) ra được 1.766 số, phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung Kỳ.

Qua báo, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, trụ sở báo còn là nơi được cụ Huỳnh Thúc Kháng mở thành ký túc xá để sinh viên Quảng Nam ra Huế trọ học.

Sau năm 1975, trụ sở báo Tiếng Dân được bố trí làm nơi ở cho cán bộ giáo viên Trường Đại học Y Dược Huế. Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận khu nhà số 193 này thành quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Hiện trụ sở này đang đứng trước nguy cơ đổ sập do hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng sau gần 100 năm tồn tại.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, cho biết quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với trụ sở báo Tiếng Dân được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành ngày 4.6.2018. Việc công nhận di tích có ý nghĩa trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.