Trung Hiếu - mỗi vai diễn là một sự khám phá mình

09/07/2005 14:50 GMT+7

Từng được biết đến qua những vai diễn hiền lành, nhẹ nhàng nhưng khá sâu sắc, những năm qua, khán giả thấy nghệ sĩ Trung Hiếu "lột xác" - quay ngoắt 180 độ trong những vai tay chơi, ngỗ ngược, du côn, xảo quyệt. Bản thân Hiếu đôi lúc cũng có cảm giác không biết mình có "hoàn lương" nổi để trở về làm anh chàng thư sinh kính cận với nụ cười hiền lành của ngày xưa nữa hay không... Hết Cát bụi, Tôi và chúng ta, Hăm-lét... và gần đây nhất là Tình trong Xuân tím, vở kịch mới nhất của Nhà hát Kịch Hà Nội, Trung Hiếu giờ đã thành quen với những vai phản diện.

Thế đấy, khán giả yêu phim vẫn cứ hỏi không biết dạo này Thiện của Giải hạn "lặn" đi đâu. Khán giả yêu kịch nói thì hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bất ngờ đến nỗi ngày anh vào vai lão Ác Tơ trong Hăm-lét, dù đã được giới thiệu ngay từ đầu vai diễn này do nghệ sĩ Trung Hiếu đảm nhiệm, đến khi cánh màn khép lại không ai có thể tin nổi làm sao Hiếu lại... độc ác, mưu mô và tàn nhẫn một cách dễ dàng như vậy. Thế là Hiếu cứ trượt dài vào con đường... "bất nhân" cũng đã 4 năm rồi.

Dù đã lâu rồi vở Cát bụi không diễn nhưng khán giả khó có thể quên tay nhà văn nham nhở Tống Thoại. Trong kịch nói, Trung Hiếu cũng đóng kha khá vai phản diện nhưng Tống Thoại là vai diễn rất riêng với những hành động, lối nói, sắc mặt, nụ cười không lẫn với ai được. Ở nhà hát có rất nhiều gương mặt nam đóng dạng vai này như Hoàng Dũng, Phú Thăng, Công Lý..., mỗi người mỗi vẻ nhưng có lẽ khán giả tìm thấy sức hấp dẫn ở diễn viên này sự mới lạ, tạo nên một cảm giác đối nghịch giữa hai dạng vai anh đã từng đóng. Dần thì cũng thành quen, nhiều người trong nghề còn nghĩ rằng anh hợp với vai phản diện hơn là vai chính diện. Phim Đường đời được trình chiếu trên truyền hình năm

“Khi bắt đầu một hướng đi mới tôi rất căng thẳng, bởi tất cả mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi nghĩ rằng đạo diễn không dại gì giao vai cho một người không có thế mạnh, vậy thì tôi phải hỏi mình có thế mạnh gì mà phát huy ? Và tôi đã trả lời được, mặt mình có thể biến thái, đôi mắt có thể cười rất vui nhưng cũng có thể trợn lên rất... ớn. Nụ cười bình thường hiền lành đấy nhưng khi gằn lại cũng thấy kinh khủng. Và nữa, giọng nói trầm mà lại khàn, có thể đổi giọng bất cứ lúc nào để lột tả sự xảo trá của nhân vật” - Trung Hiếu bộc bạch.
qua, không biết Trung Hiếu lăn lộn với nhân vật của mình thế nào mà khán giả thẳng thừng bình chọn là... "nhân vật đáng ghét nhất năm 2004". Xem xong phim đó, lũ trẻ con của những người bạn anh ngày nào thấy chú Hiếu cứ ríu ra ríu rít, vòi vĩnh, nay nhìn thấy chú là... chạy mất dép và nếu ngoái lại thì cũng tặng chú câu nói "không thèm chơi với chú nữa"!

Trung Hiếu cũng “xuất hiện” ở một số bộ phim với vai trò người lồng tiếng. Cái câu nói giờ thành cửa miệng của mỗi người "Không nên trì hoãn cái sự sung sướng ấy lại", sang sảng thuốc lào, đùng đục gà trống mà Chu Văn Quềnh náo loạn phim Đất và người chính là "từ miệng" Trung Hiếu mà ra. Nhiều người vẫn bảo anh "mặt chính diện nhưng giọng phản  diện". Và có lẽ, cái giọng nói không lẫn vào ai ấy cũng chính là một trong những lợi thế khiến các vai diễn của anh không giống ai, kể cả những vai anh diễn lại từ một người đã nổi đình nổi đám như nhân vật phó giám đốc Chính trong Tôi và chúng ta, một thời NSƯT Hoàng Dũng từng đánh dấu “thương hiệu”.

Tình của Xuân tím sẽ là một nhân vật đáng nhớ của sân khấu kịch năm 2005. Hầu như thái độ của khán giả dồn hết vào Tình. Vở diễn kể về một gia đình có 5 anh em trai, mỗi người một tính. Từ khi người anh cả lập gia đình, với sự xuất hiện của người chị dâu trong ngôi nhà ấy thì tất cả bị đảo lộn và mâu thuẫn bắt đầu hình thành khi Tình - một thanh niên chơi bời lêu lổng phải nghỉ học dở chừng, phải tù tội, ra tù suốt ngày rượu chè cờ bạc - nhìn thấy chị dâu mình rất giống với người yêu cũ đã mất trong thời gian hắn ở tù. Càng ngày Tình càng đắm đuối chị dâu và làm những điều tội lỗi mặc dù chị dâu - và luân thường đạo lý không cho phép. Nhưng Tình không phải là người tôn thờ kỷ niệm cũng như biết quý trọng tình yêu mà lại làm mọi cách để phá anh mình bằng việc đổ vạ và gây mâu thuẫn để người anh nghi ngờ sự chung thủy của vợ và cả nhà mất lòng tin vào cô con dâu.

Trung Hiếu đã thể hiện Tình không chỉ qua những hành động của một kẻ đê tiện mà ở đó có sự giằng xé tâm lý, giận dữ, đắm say, tỉnh táo và mê muội. Cách nói bi hài, dáng đi lăng xăng, cách chạy, cách lẩn trốn và cách đổ vạ... đều có những dấu ấn sáng tạo. Để làm được điều đó, anh chỉ có một suy nghĩ đơn giản, mỗi vai diễn là một sự khám phá, khám phá nhân vật và khám phá mình. "Nói là ngày nào diễn cũng khác ngày nào e là hơi chủ quan, vì sự nhẵn mặt là điều không tránh khỏi. Nhưng bao nhiêu năm qua, tôi đã diễn nhiều đêm cùng một vở kịch, như một sức hấp dẫn nào đó, tôi chưa bao giờ thấy chán và tôi nghĩ rằng mình sẽ phải thay đổi cho nhân vật khác đi một chút, khác cách nói, lối cười hay dáng đi. Càng khám phá càng thấy mình mới và càng thấy sân khấu rất thú vị".

- Vở diễn này bố mẹ tôi ít đưa giấy mời cho bạn bè các cụ đi xem, thực ra là bố mẹ ngại vì dẫu sao trong mắt họ tôi trông thư sinh và đáng yêu hơn. Khi đóng mấy vai đểu, các cụ đã góp ý: "Thôi, con đóng thế đủ rồi, quay trở lại với những vai như ngày xưa đi, hoặc đóng nhưng thật hạn chế. Con nhìn kìa, tóc tai và cách ăn mặc của con cũng có dấu hiệu của


Trung Hiếu (đứng) trong vở Cát bụi

sự lây nhiễm rồi đó". Tôi chỉ bảo: "Con lại thấy càng ngày con vào những vai như thế càng thú vị bố mẹ ạ. Con sẽ hạn chế nếu như con "nhẵn mặt" quá, còn khi một diễn viên đang có cơ hội khám phá, sáng tạo tại sao lại phải dừng lại. Nhiều bạn bè vẫn bảo, dù con đóng vai phản diện nhưng nhìn vẫn thấy thương đấy !".

Thực ra 4 năm qua, bản thân Trung Hiếu đau đáu với việc... hoàn lương: "Khi vào vai phản diện, tôi tự quên mình của ngày xưa, nhưng khi cánh màn khép lại, lại đặt câu hỏi, nếu ngày mai, ngày kia sẽ nhận vai chính diện mình sẽ như thế nào, có bất ngờ, bỡ ngỡ hay không? Tôi nghĩ là có, vì lần tôi vào vai chính diện trong Mùa hoa sữa tôi thấy mình như đang lạc vào một không khí hoàn toàn mới nhưng không lạ, và mình là người đang đi tìm, phải đi tìm bằng được một cái gì đó. Nhiều người bảo đóng kịch phải biết kiếm tìm, khổ nỗi tôi không chủ trương kiếm tìm mà chính bản thân mỗi sự thay đổi đều khiến tôi phải vào cuộc kiếm tìm đó".

32 tuổi, vào nghề đã lâu và từng được nhiều giải thưởng tại các hội diễn và liên hoan sân khấu kịch cũng như liên hoan phim, nhiều người vẫn nghĩ Trung Hiếu còn là một diễn viên rất trẻ. Cũng bởi ở Nhà hát Kịch Hà Nội có quá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Thu Hà, Minh Vượng, Phú Thăng... Có lẽ với một diễn viên sống với vai diễn bằng khám phá, thì trong mắt mọi người, mới và trẻ là chuyện bình thường. Và nữa, cũng tại 32 tuổi rồi mà chưa vợ, tình yêu cũng chưa thấy tăm hơi thì ai mà nghĩ là già? Sau cú "trượt dài" với những vai côn đồ, đểu giả, mưu mô, vô công rồi nghề, năm nay, khán giả sẽ đợi Trung Hiếu "hoàn lương" thực sự, với vai nhà báo chân chính, một người Hà Nội tuyệt vời nhưng phải sống một cuộc đời đầy sóng gió trong bộ phim truyền hình 10 tập Đèn vàng sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Nguyên Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.