Trường ca 12 ngàn câu thơ về Bác Hồ

18/05/2009 18:46 GMT+7

(TNO) Từng lăn lộn khắp chiến trường Trị Thiên - Huế, may mắn sống sót trở về quê nhà bình yên, ông ấp ủ dự định viết thơ về cuộc đời Bác Hồ. Sau nhiều năm nghiên cứu tư liệu, đến tuổi 77, ông bắt đầu chấp bút, và nay “kế hoạch lớn” của đời ông sắp sửa hoàn thành với bản trường ca dài tới 12 ngàn câu thơ lục bát…

Kỷ niệm trở thành máu thịt

Ngôi nhà của ông Nguyễn Đức Thanh khiêm nhường nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ thuộc tổ 48, khu vực 8, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn (Bình Định). Vật dụng trong nhà rất đơn sơ, phủ bóng thời gian. Ít ai biết rằng chính tại nơi này, ông Thanh đã kỳ công vượt qua bao khó nhọc viết nên một bản trường ca với độ dài 12 ngàn câu thơ lục bát. Bản trường ca ông viết về cuộc đời Bác Hồ.

Hoài niệm về những năm tháng xông pha khắp chiến trường khiến ông Thanh như trẻ lại. Ông sinh năm 1927 tại cửa biển Đề Gi - xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Như nhiều bè bạn ở vùng biển quê ông, theo tiếng gọi của lý tưởng, chàng thanh niên Thanh quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng, tranh đấu vì chủ quyền, sự yên bình cho mỗi tấc đất quê hương. Ông tập kết ra Bắc vào năm 1955. Quãng thời gian những năm 1960, ông vinh dự nhiều lần tiếp xúc với Bác Hồ trong những dịp Bác đến thăm hỏi, động viên, chuyện trò với các học sinh miền Nam ruột thịt. Đến giờ trong tim ông vẫn mãi khắc ghi những tình cảm, kỷ niệm không thể phai mờ. Ông Thanh bồi hồi: “Khi đó cuộc sống còn thiếu thốn mọi bề, vậy mà mỗi lần đến thăm, Bác đều dành tặng những phần quà ý nghĩa, nhắc nhở bộ phận quản lý phải biết khắc phục khó khăn, chăm lo chu đáo cho các học sinh từ Nam ra học. Bác hay bảo rằng: “Sau này miền Nam giải phóng, chính những học sinh này sẽ gánh vác trọng trách xây dựng lại quê hương”.

 

Ông Thanh giới thiệu bản trường ca - Ảnh: Đình Phú

Ở Hà Nội chừng 8 năm, ông xung phong vào chiến trường Trị Thiên Huế (nay là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Tiểu ban khu giáo dục, sau đó về công tác tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình đến năm 1988 nghỉ hưu, rồi bắt đầu hành trình chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo và nung nấu dự định viết trường ca để đúc kết cuộc đời một lòng vì nước vì dân của vị lãnh tụ kiệt xuất qua cách nhìn, cách nghĩ của riêng ông.

Kho tư liệu bằng thơ

Ông Thanh trở về quê nhà với nhiều thương tật hằn sâu trên cơ thể. Bây giờ ông đã bước sang tuổi 83, tóc bạc trắng xóa, lưa thưa vài sợi nhưng trông vẫn còn khá minh mẫn, vanh vách đọc lại bản trường ca mà ông đã lao lực chấp bút gần 6 năm qua. Chịu nhiều vất vả nơi chiến trường khắc nghiệt, ông Thanh mắc nhiều chứng bệnh, đời ông có tới 6 lần “đụng” dao kéo “mới sống được đến nay”. Dường như bệnh tật vẫn chưa chịu buông tha khi gần về cuối đời, ông thêm một phen lao đao “gánh” trên mình căn bệnh ung thư trực tràng quái ác. Ông bảo bác sĩ “trả” ông về nhà, vui sống được ngày nào hay ngày đó. “Án tử” lơ lửng từng giây, ông không xem đó là chuyện phải lo. Điều lo lắng nhất, theo tâm sự của ông là còn một phần của bản trường ca khoảng hơn 1.000 câu thơ về những năm đánh Mỹ “đã nghĩ được rồi nhưng sợ viết ra không kịp”.

Bản trường ca của ông Thanh có thể nói là một kho tư liệu lịch sử bằng thơ sống động về Bác Hồ và những sự kiện liên quan đến cuộc đời của Bác. Tích lũy kiến thức sau bao năm làm công tác tuyên huấn và đọc nhiều tư liệu nên những địa danh, những điển tích xuất hiện trong trường ca đều được ông Thanh đánh dấu chú dẫn cẩn thận, đầy đủ. Lúc đầu ông viết bằng thể thơ tứ tuyệt nhưng khi đọc lên thấy “không suông vần, suông điệu lắm, nó cứ trúc trắc” nên ông quyết định thể hiện bằng thơ lục bát “vì nó dễ nhớ, dễ rung động tâm hồn người già, con trẻ như những bài đồng dao mộc mạc”.

 

Ba tập trường ca viết về Bác Hồ - Ảnh: Đình Phú

Bản trường ca chia làm 3 phần: Tuổi trẻ của Nguyễn Tất Thành (phần 1), Nguyễn Ái Quốc đi tìm hình của nước (phần 2), Hồ Chí Minh - người khai sinh nước Việt Nam mới (phần 3).

Để viết xong phần 1, ông Thanh mất hơn 18 tháng ròng rã. 3.540 câu thơ nói về thời niên thiếu cho đến khi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước: “Núi Thiên Nhẫn (thuộc dãy Trường Sơn đoạn qua Nghệ Tĩnh – chú giải của ông Thanh) mây đen vần đục/ Dòng sông Lam uốn khúc màn buông/ Đầm sen ngào ngạt tỏa hương/ Làng Chùa (tên chữ làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ) mái rạ vấn vương khói chiều”, … “Lật gia phả cội nguồn họ Nguyễn/ Đến làng Sen lập nghiệp thuở nao/ Để cho con cháu tự hào/ Bầu trời có một ngôi sao dẫn đường”,… Kết phần 1, ông viết: “Còi tàu thúc như banh lồng ngực/ Anh sải dài dồn dập bước chân/ Bóng hình em gái Sài thành/ Mắt anh như thể sen hồng quê hương”.

Ở phần 2, tuy sức khỏe suy giảm nhiều, nhưng ông cũng sáng tác 4.230 câu thơ, kể lại những năm tháng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc bôn ba xứ người tìm đường cứu nước. “Bến Nhà Rồng vầng dương tỏa sáng/ Ngọn gió Tây loang loáng mặt sông/ Sài Gòn thay mặt quốc dân/ Tiễn anh lưu luyến vượt trùng đại dương”.

Ông Thanh cho biết mất hơn hai năm chiêm nghiệm, chắt lọc và trau chuốt cho phần này. Cái khó là phải làm sao vừa gieo vần điệu cho đúng, vừa cố gắng thể hiện được hay và chính xác sự hy sinh của Bác Hồ. “Có những lúc mất đến 5 - 7 ngày mới xong một khổ thơ 4 câu. Thậm chí, có những đoạn, phải suy nghĩ mấy tuần mới ra được một câu thơ”...

Ước nguyện cuối đời

Nhiều lúc ông Thanh vừa viết trường ca vừa khóc. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu hiển hiện trong ông từng phút, từng giây. Bà Nguyễn Thị Thọ, 80 tuổi, vợ ông tâm tình: “Nằm ngủ ông cũng mơ về chuyện viết trường ca. Tui la hoài, đau ốm thế mà viết gì cho dữ (nhiều). Ông nói già rồi, viết cho đỡ lẩm cẩm”. Phần 3 của bản trường ca ông đã viết được khoảng 3.000 câu thơ, kể về 9 năm kháng Pháp và ngày Bác đi về cõi thiên thu. Ông Thanh tâm sự: “Dù có đau bệnh thế nào tôi cũng cố hoàn thành trường ca này. Ước nguyện của tôi là bản trường ca sẽ được biên tập, chỉnh lý để được xuất bản, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay, hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trước mắt, tôi không có đủ tiền để làm điều này, nên có lẽ phải để lại cho con cháu lưu giữ như một kỷ vật, tấm lòng thành của tôi về Bác Hồ…”.

Ông Thanh ví mình là người mang “bình cũ” nhưng “rượu mới”! Tuổi già sức yếu, ông vẫn còn đau đáu với chuyện đời, chuyện người: “Xưa Tản Đà vui nước biếc non xanh/ Bởi thế sự lắm đảo điên, điên đảo/ Ngẫm thời nay lại càng thêm ảo não / Trắng đổi thành đen thế thái nhân tình…”. Bà có lúc hờn giận, ông lấy thơ làm lành: “Trao chiếc hôn xua tan tức giận/ Chín bỏ làm mười tình nghĩa thủy chung/ Trong giấc ngủ theo từng nhịp thở/ Vai bên vai sưởi ấm cả đôi lòng”...

Đáp lại băn khoăn có lẽ trường ca dài quá nên nhà xuất bản không dám nhận in, ông Thanh bảo: “Dù viết trường ca hay viết gì đi nữa, vài vạn câu thì cũng chỉ nói được một phần nhỏ về cuộc đời Bác Hồ. Tôi đã nghĩ thế nên gắng viết hết những gì còn ấp ủ trong lòng”.

Đình Phú – Hoài Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.