Trường ca về người lính ở Chư Tan Kra mây trắng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/07/2021 06:08 GMT+7

Chư Tan Kra mây trắng - trường ca về người lính đã chiến đấu, đã hy sinh và những người trở về tìm hài cốt đồng đội, vừa ra mắt.

Người lính mũ sắt trở lại tìm đồng đội

Thương binh Nguyễn Văn Vĩnh, cựu chiến binh E209 (Trung đoàn 209), cầm chiếc mũ sắt vừa đào được khi tìm mộ đồng đội ở Chư Tan Kra (H.Sa Thầy, Kon Tum). Ông đưa mũ đội lên đầu, phía trước là một mảng mũ bị phạt mất. “Người lính này đang ở tư thế tiến công lên đỉnh đồi chứ không quay lưng bỏ chạy nên cả mảnh pháo nó phạt thế này”, ông Vĩnh nói rồi lặng đi.
Những chiếc mũ sắt cũng là điều đặc biệt, tất cả các đơn vị chiến đấu ở Tây nguyên, chỉ có đơn vị của ông Vĩnh là mũ sắt. Chính vì thế, những người lính E209 như ông Vĩnh đều được gọi là lính mũ sắt Hà Nội. Những người lính từ Hà Nội này, sau khi được huấn luyện đặc biệt đã được trang bị những trang thiết bị tốt nhất thời bấy giờ để vào chiến trường. Họ cùng chiến đấu ở Chư Tan Kra, một dãy núi nằm trong dãy Trường Sơn vào năm 1968. Ở đó, trung đoàn lính mũ sắt Hà Nội đã chiến đấu ác liệt với Sư đoàn 4 của Mỹ khi ta đánh vào căn cứ Kleng, trung tâm huấn luyện biệt kích của chế độ Sài Gòn. Giờ đây, ông Vĩnh nhiều lần quay lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội.
Nhà thơ Lữ Mai, tác giả cuốn trường ca Chư Tan Kra mây trắng (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt, chia sẻ rằng thực ra không nhiều người bản địa biết cụ thể về trận chiến của Trung đoàn 209. Khi những đoàn cựu chiến binh trở về đây tìm hài cốt đồng đội, nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi nhau: “Những người lính năm xưa còn lên núi làm gì?”.
Nhờ những người bạn thân là phóng viên, biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội của kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, nhà thơ Lữ Mai đã được tiếp xúc với câu chuyện này khá sớm. “Có những người dù sau này đã chuyển công tác, họ vẫn âm thầm giữ lại hồ sơ liệt sĩ để hỗ trợ thân nhân trong suốt quá trình tìm kiếm, cần giải đáp thông tin. Họ cũng kết nối cho tôi gặp các cựu chiến binh Trung đoàn 209 để tôi được tìm hiểu sâu hơn, rộng hơn về trận đánh đêm 25 rạng ngày 26.3.1968 với hơn 200 người lính Hà Nội đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh”, nữ nhà thơ nhớ lại.
Trường ca Chư Tan Kra mây trắng ra đời sau những cuộc gặp gỡ của Lữ Mai với các cựu chiến binh. Tác phẩm có 6 chương: Giấc mơ vụn, Đỉnh gió, Bên kia đại dương, Mẹ vẫn đợi con về, Gửi hòa bình và Mẹ. “Tôi nghĩ đó là thể loại phù hợp với câu chuyện và mạch cảm xúc về Chư Tan Kra. Trường ca giúp tôi chuyển tải được vẻ bi tráng và đau thương của cuộc chiến”, nữ nhà thơ nói.
Trường ca về người lính ở Chư Tan Kra mây trắng1
Trường ca về người lính ở Chư Tan Kra mây trắng2

Nhà thơ Lữ Mai

ẢNH: NVCC

Hội ngộ trên đỉnh gió Chư Tan Kra

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng có những cái tên rất cụ thể. Đồng, Chúc, Ngọc, Lục, Bá Thi, DM Malone… “Đó chính là những cái tên, những số phận hoàn toàn có thật. Họ là những cựu chiến binh trong nhóm đi tìm đồng đội của Trung đoàn 209 hoặc như Bá Thi là liệt sĩ, dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên của trung đoàn. Và những cái tên nước ngoài ở chương Bên kia đại dương là cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam cùng các cựu chiến binh của ta tìm lại hài cốt bộ đội Việt Nam”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.
Chư Tan Kra mây trắng cũng có nhiều hội thoại được in nghiêng. Lữ Mai cho biết chúng phần nhiều bắt nguồn từ chi tiết thật và có sự cộng hưởng của ngôn ngữ thi ca. Có một số đoạn chị quyết định giữ nguyên để bảo toàn trọn vẹn cảm xúc mà nhân vật mang lại. Trong đó, có câu hỏi của người cháu với các chú là liệt sĩ: “Các chú có gặp nhau không/Có trò chuyện nhiều không/Có nhớ đường về nhà mình?” được chị đưa vào từ chính câu hỏi của anh Trương Đức Bình. Anh có 3 người chú chiến đấu tại Chư Tan Kra, chỉ một người trở về và là thương binh, hai người là liệt sĩ. Anh đã đi Chư Tan Kra nhiều chuyến nhưng chưa tìm được các chú của mình.
Trường ca cũng có những đoạn tự vấn của những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Lữ Mai cho biết chị không quên tâm sự của các cựu chiến binh về khoảng lặng giữa những trận bom, cảm giác suối chảy lạnh cứng vành tai, mùi của rừng già và cả những day dứt khôn nguôi. “Cuộc hội ngộ trên đỉnh gió Chư Tan Kra của những người lính hai bên chiến tuyến cách đây nửa thế kỷ bao giờ cũng đầy nước mắt và thẳm sâu là chan chứa tình người”, chị nhớ lại.
Trong lần đọc bản thảo cuối Chư Tan Kra mây trắng, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, một trong những nguyên mẫu của tác phẩm, vẫn muốn nhà thơ bổ sung những lời ru của người mẹ Việt: “Cái cò đi đón cơn mưa/Tối tăm mù mịt ai đưa cò về...”. Lời ru ấy đã luôn vang vọng trong trí nhớ của ông và đồng đội mỗi khi quay lại Chư Tan Kra. Sau này, tác giả cũng đã đưa câu hát đó vào tác phẩm. “Họ nhớ những đồng đội khi ngã xuống chiến trường chưa kịp gọi mẹ ơi. Họ xót những đồng đội trong giây phút đau đớn cuối cùng không được xoa dịu bởi lời ru của mẹ. Vì trận chiến quá khốc liệt, quá bất ngờ... Chính cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cũng khao khát lời ru của mẹ vì ông mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ”, nhà thơ bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.