Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến 120 tỉ để mối xông

27/07/2017 09:39 GMT+7

Dự án “ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” của NXB Hà Nội được đầu tư gần 120 tỉ đồng, không chỉ mắc nhiều sai sót khi làm sách, mà hiện hàng trăm cuốn sách của dự án này vứt xó để mối xông.

Biên soạn cẩu thả
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm của dự án là các đầu sách có quá nhiều lỗi sai tủn mủn, gây ức chế cho người đọc. Cuốn “Kinh tế xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17,18,19”, trang 420 có nhiều lỗi sai như: dẫn phụ lục sách “Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký. Trong khi năm Ất Hợi của lịch âm khi quy đổi ra lịch dương phải là năm 1875 thì sách của NXB Hà Nội để là năm… 1876. Ở trang Mục lục chỉ còn năm… 187.
Hay như trang 367 có dẫn câu vè châm biếm bài giảng Thập điều do vua Minh Mạng giáo huấn đem niêm yết ở đình Quảng Minh: “Vui xem hát, nhạt xem bơi/ Tả tơi đi nghe giảng Thập điều”. Câu này dẫn sai hoàn toàn bài vè, bỏ rất nhiều nội dung trong đó. Bài vè đầy đủ là: “Vui xem hát, nhạt xem bơi/ Tả tơi xem hội, bối rối xem đám ma/ Bỏ cửa bỏ nhà mà đi nghe giảng Thập điều”.
Ngoài ra, nhiều ảnh tư liệu trong cuốn sách này là sao chép trên mạng internet còn nguyên dấu bản quyền của đường dẫn trên ảnh (trang 134, trang 175, trang 256, trang 277, trang 283, trang 286, trang 289). Thêm nữa, phụ lục 7 với 3 bản đồ trang 459, trang 460 và 461 dẫn bản đồ Hồng Đức, bên dưới có phụ chú: Hoàng thành và phủ Chúa. Trong khi Hồng Đức là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1470 – 1497), vị vua anh minh bậc nhất của Việt Nam mà lại có phủ Chúa? Thực tế, Phủ Chúa chỉ có từ đời Bình An Vương Trịnh Tùng - vua Lê Thế Tông (1573 - 1599) sau vua Lê Thánh Tông 100 năm.
Nhà báo Lê Tiên Long - người chuyên nghiên cứu về lịch sử, cho biết: Bản đồ Hồng Đức có một bản vẽ kinh thành Thăng Long (Phủ Phụng Thiên), và có ghi "Vương Phủ" ở chỗ trống (gần khu Văn Miếu). Theo nhà nghiên cứu Lê Thước thì chữ Vương Phủ chính là chỉ kinh thành Thăng Long, chứ không phải nói về phủ Chúa Trịnh. Theo sử sách thì Vương phủ của Chúa Trịnh nằm ở phía Nam hồ Tả Vọng. Hiện trên Wikipedia, mục "Bản đồ Hồng Đức" có đăng hình và chú thích sai "Vương Phủ" là "Phủ Chúa Trịnh" như được trích dẫn.
Ngoài các sai sót như đã nêu trên, NXB Hà Nội còn phát hành nhiều đầu sách có sai sót khác như “Đất thiêng ngàn năm văn vật” (cố GS Trần Quốc Vượng), “Tuyển tập Thần tích”, “Tuyển tập Hương ước”… Trong cuốn “Đất thiêng ngàn năm văn vật”, của GS Trần Quốc Vượng, trang 457 viết: Vua [Lê] Thánh Tông thời thơ ấu và trước lúc làm vua (1442 - 1560). Viết như vậy, thời thơ ấu của nhà vua là 118 năm?
Tương tự, xem cuốn “Tuyển tập thần tích” quá nhiều lỗi sai không đáng có. Trang 13 viết: “Thư viện Thông tin Khoa học xã hội có phông sách Thần tích thần sắc … được GS-TS Lạc Văn Toàn tổ chức biên soạn…”. Thực tế, Viện này chỉ có GS Lại Văn Toàn, không có ai họ Lạc. Ngoài ra nhiều địa giới hành chính cũng bị viết sai trong cuốn sách này.

tin liên quan

Sách giấy điêu đứng vì sách nói
Nhiều người làm sách thuộc câu lạc bộ Sách Sài Gòn vừa bức xúc gửi đơn lên Hội Xuất bản TP.HCM - Văn phòng đại diện phía nam, phản ảnh tình trạng vi phạm bản quyền sách bằng hình thức audio book (sách nói) công khai trên mạng xã hội của Yeah1 Network.
Sách để chỏng chơ, mối mọt
Khi chứng kiến những hình ảnh hàng trăm cuốn sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” (2 tập) do GS.VS Phan Huy Lê chủ biên, thuộc Tủ sách Thăng Long 1000 năm, đã bị mối ăn nham nhở, nhà báo Bùi Quang Thanh (Hà Tĩnh) đã cảm thán: “Ngàn năm văn hóa Thăng Long/ Để cho mối gặm từ trong tới ngoài”. Nguyên nhân là do NXB Hà Nội không bảo quản tốt, mà để chỏng chơ những cuốn sách tư liệu quý giá này dưới chân cầu thang, để mối mọt tấn công.
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM than phiền: “Việc nhà nước đầu tư một số tiền rất lớn như vậy để xuất bản (và trước đó là đầu tư cho nghiên cứu) những công trình khoa học - dù là nhân một dịp kỷ niệm lịch sử - cũng thể hiện sự quan tâm và mong muốn những công trình ấy đến với những người cần thiết và công chúng rộng rãi. Đây là những công trình “không bán”, có nghĩa là nó cần được phát hành theo những phương thức phù hợp đến đến với những nhà nghiên cứu, giảng dạy, các thư viện, các trường đại học… trên cả nước.
“Tuy nhiên, như tôi biết, theo thông lệ những công trình này được dùng là quà biếu tặng nhân dịp lễ hội, cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quan chức địa phương, các khách mời và một số ít cho các nhà khoa học. Đa số những người nghiên cứu ở các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa ít khi biết thông tin về việc xuất bản những công trình như vậy, càng khó có điều kiện, cơ hội được “sở hữu” công trình. Nếu được, mong những người có trách nhiệm nên kiểm tra, kiểm kê lại số lượng sách còn tồn, dành một phần để làm công tác đối ngoại, còn lại nên chuyển về các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các hội chuyên ngành, các địa phương… để tăng thêm hiệu quả sử dụng và đầu tư vào công trình”, bà Hậu nói.
PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn giai đoạn 1, Trưởng ban Tư liệu giai đoạn 2 của Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cho rằng:  Với những đầu sách đã in, nếu không có địa điểm bảo quản, thì cần phải chuyển vào Thư viện Quốc gia.
 

Dự án vi phạm hơn 700 triệu đồng và chậm tiến độ
Theo văn bản Văn bản số 3136/STC-HCSN ngày 11.7.2012 của Sở Tài chính Hà Nội thì nguồn vốn thực hiện dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là 119,667 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2006 - 2011, kinh phí là 60,952 tỉ đồng với tổng số đầu sách là 121; giai đoạn 2 triển khai từ năm 2013 đến hết 2017 với kinh phí là 58,715 tỉ đồng. 
Ngày 5.6.2017, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành uỷ Hà Nội về kết quả thực hiện dự án này cho thấy: giai đoạn 1, mặc dù đã kết thúc vào năm 2011 và giải ngân số tiền 58,777 tỉ đồng (đạt 96,4% tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1) nhưng chủ đầu tư vẫn còn nợ 11 đầu sách chưa được in, sách in sai tiến độ (đến nay đã quá thời hạn hơn 5 năm - PV) và tự ý in thêm 7.555 cuốn để bán khi chưa được UBND thành phố chấp thuận.
Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ: khâu in ấn và phát hành sách không đảm bảo tiến độ và số lượng được phê duyệt; có vi phạm trong việc giải ngân 718 triệu kinh phí in của 11 đầu sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.