Tượng Nàng tiên cá bị vẽ bậy ‘cá phân biệt chủng tộc’

Huệ Bình
Huệ Bình
04/07/2020 09:03 GMT+7

Bức tượng Nàng tiên cá nổi tiếng ở bến tàu Langelinie tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vừa bị vẽ bậy chữ “racist fish” (tạm dịch: cá phân biệt chủng tộc).

Cảnh sát thành phố Copenhagen chưa xác định được thủ phạm. “Chúng tôi coi đó là hành vi phá hoại và đã bắt đầu điều tra”, người phát ngôn của cảnh sát nói với hãng tin Reuters ngày 3.7. Theo Reuters, bức tượng Nàng tiên cá 107 năm tuổi này từng bị phá hoại nhiều lần bởi những người biểu tình, những nhà hoạt động dân chủ đến vận động chống đánh bắt cá voi.
Bức tượng đã hai lần bị mất đi phần đầu, một lần bị cưa mất cánh tay và nhiều lần bị đổ sơn bê bết. Người biểu tình đã có những lần làm đổ nàng tiên cá, chặt đầu nàng tiên cá, bẻ tay nàng, hoặc đổ sơn lên nàng. Gần đây nhất vào tháng 1, dòng chữ “tự do cho Hồng Kông” được vẽ lên phiến đá ở dưới bức tượng đồng cao 1,65m. Sau mỗi lần bị phá hoại, bức tượng đều được sửa chữa và phục hồi.
Được khánh thành vào ngày 23.8.1913, bức tượng Nàng tiên cá làm từ đồng và đá granit, là món quà của Carl Jacobsen (con trai người sáng lập ra hãng bia Carlsberg) tặng thành phố Copenhagen. Bức tượng được một triệu du khách tới thăm mỗi năm, do nghệ nhân điêu khắc Edvard Eriksen thiết kế và mô phỏng hình thể vợ mình là Eline Eriksen. Bức tượng lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen. Câu chuyện kể về nàng tiên cá đã từ bỏ mọi thứ để được ở bên chàng hoàng tử trên đất liền.

Tranh cãi quanh truyện và phim về Nàng tiên cá

Theo báo The Guardian, nhà văn Hans Christian Andersen có nhắc đến vấn đề thực dân hóa và vấn đề chủng tộc trong vở kịch Mulatto vào năm 1840. Một số học giả từng nhận định rằng có hàm ý kỳ thị trong một số truyện của ông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh truyện Nàng tiên cá không có tính phân biệt chủng tộc. Bà Ane Grum-Schwensen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hans Christian Andersen tại trường Đại học Nam Đan Mạch, nói với hãng tin Ritzau của nước này: “Tôi khó thấy được điều gì đặc biệt có tính phân biệt chủng tộc trong truyện cổ tích nàng tiên cá”.

Bộ phim The Little Mermaid vướng tranh cãi sau khi diễn viên người Mỹ gốc Phi Halle Bailey được chọn đóng vai chính

Ảnh: ET Online


Tháng 7.2019, bộ phim The Little Mermaid bản người đóng của Disney vướng tranh cãi sau khi diễn viên người Mỹ gốc Phi Halle Bailey được chọn đóng vai chính. Không ít người hâm mộ không thích tạo hình nàng tiên cá da màu. Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà đánh giá phim, tạo hình mới của nhân vật Ariel rất sống động, khiến cho người xem có cảm giác cô nàng mạnh mẽ hơn nàng Ariel của phiên bản hoạt hình.
Theo trang The Disinsider, The Little Mermaid do Rob Marshall làm đạo diễn, dựa theo bộ phim hoạt hình kinh điển cùng tên ra mắt vào thập niên 1980, dự định quay tại London (Anh). Thế nhưng, lịch quay này đã bị hoãn lại do dịch Covid-19. Disney cho biết họ sẽ sớm bắt đầu lại phim này nhưng chưa có khung thời gian cụ thể. Mới đây, hai nhà soạn nhạc Alan Menken và Lin-Manuel Miranda tiết lộ họ đã hoàn thành việc ghi âm tất cả ca khúc cho bộ phim, trong đó có một ca khúc Hoàng tử Eric (Jonah Hauer-King đóng) hát riêng và một ca khúc hát chung với “Nàng tiên cá” Halle Bailey.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.