Văn học fantasy hút tác giả trẻ

Ngọc An
Ngọc An
15/01/2021 06:41 GMT+7

Mặc dù sách fantasy ( văn học kỳ ảo ) Việt vẫn còn khá thưa vắng, nhưng đã có những cây viết trẻ quan tâm và thử sức với dòng văn học này.

Viết để “giải tỏa” khát khao

Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ vừa ra mắt tập 1 Người thầy bí ẩn, tập truyện mở đầu cho loạt truyện fantasy dành cho thiếu nhi có tên Thiên cầu ma thuật của tác giả Nguyễn Dương Quỳnh. Đây không phải là tác phẩm đầu tay nhưng lại là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại fantasy của nữ tác giả đã đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 6 (do NXB Trẻ tổ chức). “Ý tưởng về Thiên cầu ma thuật xuất phát sau khi tôi đã hoàn thành một số tác phẩm và cảm thấy khá là nặng nề. Tôi thấy căng thẳng và muốn thư giãn, viết cái gì đó nhẹ nhàng. Tôi nhớ lại câu chuyện đầu tiên mình đã viết khi còn học lớp 6 - 7 cũng là câu chuyện gợi niềm đam mê viết lách sau này. Nhìn lại, câu chuyện còn non, nhưng trong đó có nhiều ý tưởng mà tôi có thể khai thác”, Quỳnh chia sẻ. Thiên cầu ma thuật giống như hành trình mà cô trở về tuổi thơ và nhân vật đầu tiên mình tạo dựng nên.
Cùng với Thiên cầu ma thuật của Nguyễn Dương Quỳnh vừa ra mắt, có thể kể đến những tác phẩm văn học kỳ ảo tiêu biểu được các tác giả trẻ thực hiện trong vài năm trở lại đây như Bất diệt - Vũ điệu của lửa (Ngân Zeta), Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới (Cao Việt Quỳnh), Urem và Yagon (Phạm Bá Diệp), From Zero to Hero (Ray Đoàn Huy và Toàn Juno), Những cánh cổng kỳ bí (Đông Thảo)...
Bất diệt - Vũ điệu của lửa là tiểu thuyết đầu tay của Ngân Zeta (tên thật là Nguyễn Thị Kim Ngân) được hoàn thành sau 2 năm lên ý tưởng. “Để viết tác phẩm fantasy, tác giả cần lập ra một thế giới ảo tưởng với trí tưởng tượng về không gian. Họ cần xây dựng “cơ sở hạ tầng” trong đó một cách chi tiết nhất để thuyết phục độc giả đến với thế giới của mình, nhưng cũng không cần thiết chỉ chăm chăm làm việc đó, bởi người viết có quyền lực trong thế giới của mình”, Ngân Zeta chia sẻ và cho hay với cô, viết về những sự siêu nhiên, kỳ bí dễ dàng hơn so với việc viết về hiện thực.
Theo nhà văn 9X Đỗ Nhật Phi, tác giả đoạt giải nhất giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 5, những trang viết đầu tiên của nhiều cây bút thế hệ anh thường thuộc thể loại fantasy. “Có lẽ là do cảm giác mong muốn được thoát ly, mong muốn được tưởng tượng, mong muốn kể câu chuyện, hay khát khao được phiêu lưu mà không thể phiêu lưu trong đời thực được chuyển lên trang sách”, anh lý giải.

Thị trường tiềm năng

“Thị trường cho sách fantasy Việt rất giàu tiềm năng”, bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc NXB Phụ nữ) đánh giá và lý giải: “Thị trường này đã được xây dựng từ trước đó với những bộ sách fantasy nổi tiếng nước ngoài được dịch và xuất bản. Cũng từ cái nền này khiến cho nhiều độc giả để ý đến fantasy Việt”. Bên cạnh đó, nhiều tác giả trẻ (trong đó dòng fantasy) trưởng thành từ văn học mạng nên đã có lượng độc giả nhất định theo dõi.

Thị trường cho sách fantasy Việt rất giàu tiềm năng. Thị trường này đã được xây dựng từ trước đó với những bộ sách fantasy nổi tiếng nước ngoài được dịch và xuất bản. Cũng từ cái nền này khiến cho nhiều độc giả để ý đến fantasy Việt

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ

Dù vậy, số lượng người viết dòng sách này tại VN vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Không ít tác giả cũng chỉ “đảo” qua fantasy một thời gian rồi dừng lại. “Số lượng những tác giả thuộc thế hệ 9X sáng tác, trong đó có dòng fantasy vẫn chưa thể nhiều, cảm giác vẫn còn lẻ tẻ, chưa có môi trường sinh thái cho những người viết cùng dòng này. Mong muốn của chúng ta là không chỉ mở rộng dòng văn học này, mà còn là phát triển những người viết theo hướng chiều sâu, tức là không chỉ đầu tư bài bản 1 - 2 đầu sách, hay loạt truyện mà cần gắn bó với đời sáng tác của mình. Như vậy, dòng sách này mới tốt và hướng đến chuyên nghiệp”, bà Phượng nói.
Có một thực tế là những cây viết trẻ hiện nay đều chủ yếu là tự đọc, nghiên cứu về kỹ năng sáng tác fantasy. Bà Phượng cho rằng việc tự đọc, tự học là cần thiết, tuy nhiên chưa đủ để có thể tạo nên sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp cho dòng fantasy. “Theo quan sát của tôi, nhà văn thuộc thế hệ trước như Phan Hồn Nhiên đã có cơ hội tham gia khóa học ở nước ngoài về phương pháp sáng tác fantasy. Bởi vậy, nếu như những thế hệ kế tiếp cũng có những cơ hội như vậy, được đào tạo bài bản, thay vì phải tự học, để tiếp thu những phương pháp sáng tác và chia sẻ kinh nghiệm với thế giới thì tôi nghĩ fantasy Việt có thể có tương lai tươi sáng và phát triển bền vững hơn”, bà Phượng bày tỏ.
Ở góc độ của một tác giả, Ngân Zeta cho hay một trong những khó khăn với tác giả viết sách fantasy là một tác phẩm thường gồm nhiều tập... Chính bởi vậy, bên cạnh sự kiên trì, giữ phong độ sáng tác, tác giả cũng có thể gặp những bất trắc trên hành trình dài hơi. Ngân Zeta kể, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng khiến ngành xuất bản khá trì trệ, khó khăn từ NXB cho đến nhà sách. “Tôi đã viết xong tập 2 của cuốn Bất diệt từ tháng 8 năm ngoái mà đến giờ vẫn chưa tìm được phương án nào để đưa đến độc giả. Tôi hoàn thành tập 2 sau hai năm ra mắt tập đầu tiên, nên cũng không biết độc giả có còn hứng thú với tác phẩm của mình hay không”, nữ nhà văn 9X nói.
Để lãnh địa fantasy Việt bớt thưa vắng, không chỉ cần có những tác giả mà cả những đơn vị phát hành sẵn sàng “dấn thân”. Bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng nhìn nhận về mối quan hệ “win - win” giữa tác giả và NXB: “Bây giờ việc phối hợp xây dựng thương hiệu phải từ hai phía, NXB xây dựng thương hiệu cho tác giả. Nhưng tác giả cũng phải phối hợp để làm thương hiệu thì mới phát triển bền vững được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.