Về đâu Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương ?

01/11/2008 00:04 GMT+7

Ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) châu Á Thái Bình Dương lần thứ 52 vừa tuyên bố hủy bỏ chương trình liên hoan diễn ra từ ngày 18 - 21.11 tại Jakarta, Indonesia.

Năm thứ hai liên tiếp bị hủy bỏ

Lý do mà BTC đưa ra là số lượng khách mời tham dự quá ít. Năm nay, liên hoan dự định sẽ đón tiếp 350 đại biểu từ 21 nước thành viên và trình chiếu 61 bộ phim. Thế nhưng, đến phút cuối thì 60% đại biểu đã thông báo hủy bỏ không tham dự.

“Nếu chỉ có 100 khách mời hiện diện thì không đáng tổ chức liên hoan” - trả lời phỏng vấn Hollywood Reporter, ông Raam Punjabi, nhà tổ chức LHP cho biết. “Khi chúng tôi (tức Jakarta- địa danh tổ chức LHP châu Á Thái Bình Dương không lấy theo tên nước, mà theo tên của thành phố tổ chức) tổ chức LHP châu Á Thái Bình Dương năm 2001, chúng tôi đã đón tiếp 365 đại biểu.

Tôi nghĩ rằng có lẽ do kinh tế thế giới khó khăn nên đại biểu các nước đã không đến được”. Ông khẳng định, việc hủy bỏ liên hoan lần này hoàn toàn không phải do thiếu kinh phí tổ chức như một số báo đã đưa tin. Punjabi cũng cho biết thêm, thay cho chương trình liên hoan, các đại biểu sẽ được mời dự một hội nghị kéo dài 3 ngày tại Bali để bàn về tương lai của liên hoan, và xem xét có nên tổ chức lại LHP trong vài tháng tới, hay là đợi hẳn đến liên hoan năm 2009 (theo kế hoạch sẽ diễn ra tại Đài Bắc).

Đây là năm thứ hai liên tiếp, chương trình thường niên của LHP phải hủy bỏ. Năm 2007, Hồng Kông được chọn đăng cai, với ý nghĩa vừa để kỷ niệm 10 năm Hồng Kông trở về với Trung Quốc, vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đại gia giới truyền thông Hồng Kông Run Run Shaw - nhà sáng lập Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương. Thế nhưng, chính quyền Hồng Kông đã từ chối “vinh dự” này khi không chịu cấp tiền tổ chức liên hoan!

Vấn đề nan giải

LHP châu Á Thái Bình Dương được tổ chức lần đầu năm 1954, và lần lượt tổ chức hằng năm ở các thành phố của 21 quốc gia thành viên, được coi là dịp gặp mặt giao lưu của các thành viên Hội các nhà sản xuất điện ảnh châu Á (FPA). Nhưng đến nay, sau hơn nửa thế kỷ diễn ra đều đặn, có thể nói, ngoài việc kinh tế toàn cầu suy giảm, LHP cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên, LHP bị cạnh tranh bởi những sự kiện điện ảnh châu Á khác.

Các nhà tài trợ cho liên hoan đang lo lắng về sự giảm sút số lượng đại biểu, bởi thời điểm tổ chức LHP châu Á Thái Bình Dương rơi đúng ngay sau khi kết thúc LHP Tokyo (Nhật) và LHP Pusan (Hàn Quốc), trong khi thanh thế của 2 LHP này đang mạnh lên, và ngay cùng thời điểm lại có Giải thưởng Điện ảnh châu Á Thái Bình Dương tổ chức ở Australia.

Thứ hai, công tác tổ chức LHP chưa chuyên nghiệp, việc quảng bá cho LHP rất yếu - có thể thấy rõ qua trang web “chập chờn” của liên hoan. Ngay các nghệ sĩ VN đi dự LHP châu Á Thái Bình Dương lần thứ 51 vừa qua tại Đài Loan đã rất phàn nàn về sự luộm thuộm trong cách thức tổ chức. 

Thứ ba, uy tín giải thưởng của LHP chưa cao nên sự hào hứng tham gia của các nghệ sĩ và các nền điện ảnh thành viên cũng giảm đi. Việc duy trì liên hoan và tạo cho nó một sức hấp dẫn đang là vấn đề thực sự nan giải đối với các nhà tổ chức.

Những năm gần đây, VN đã đều đặn đưa phim tham dự liên hoan và đã gặt hái nhiều thành tích. Tại LHP lần thứ 45 tổ chức tại Hà Nội, phim Đời cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã đoạt giải cao nhất: Giải phim hay nhất. Các năm về sau VN tiếp tục có các nghệ sĩ và tác phẩm nhận được giải thưởng của LHP này.

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.